Nỗi lo AI của Elon Musk thành hiện thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Elon Musk từng lo ngại AI sẽ trở nên nguy hiểm khi kiểm soát khí tài quân sự. Điều này đang trở thành hiện thực với thử nghiệm của không quân Mỹ.

Elon Musk từng lo ngại AI sẽ trở nên nguy hiểm khi kiểm soát khí tài quân sự. Điều này đang trở thành hiện thực với thử nghiệm của không quân Mỹ.

Ngày 15/12, không quân Mỹ lần đầu thử thành công AI với vai trò điều khiển cảm biến và dẫn đường, hỗ trợ phi công trinh sát cơ U-2 trong cuộc thử nghiệm diễn ra tại bang California. Thuật toán AI mang tên "ARTUµ" đã vận hành hệ thống định vị và hàng loạt cảm biến do thám, trong khi phi công điều khiển máy bay và phối hợp với ARTUµ để bảo đảm hoạt động của thiết bị cảm biến.

Không quân Mỹ dường như đã ứng dụng những công nghệ được phát triển bởi DeepMind, công ty nghiên cứu AI ở Anh, nhằm phát triển thuật toán riêng cho quân sự. Nó được ứng dụng vào ARTUµ, dù DeepMind khẳng định họ không biết và không liên quan đến dự án này.

Máy bay U-2 trong chuyến thử nghiệm hôm 15/12. Ảnh: Không quân Mỹ.

Máy bay U-2 trong chuyến thử nghiệm hôm 15/12. Ảnh: Không quân Mỹ.

Elon Musk là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào DeepMind - công ty sau này được Google mua lại, nhưng không phải vì ông muốn tìm kiếm lợi nhuận.

"Tôi muốn theo dõi những gì đang diễn ra với AI. Tôi nghĩ sẽ có nguy cơ tiềm tàng, giống trong các bộ phim như Terminator. Đó là những hậu quả đáng sợ, chúng ta phải bảo đảm có kết quả tốt đẹp, không phải tồi tệ", Musk nói cách đây vài năm.

Tại một hội thảo công nghệ ở Texas hồi tháng 3/2018, người dẫn chương trình nói với Musk rằng "rất nhiều chuyên gia không có mức độ lo ngại về AI giống ngài".

"Những lời trăng trối đi vào lịch sử", Musk đáp lời. "Vấn đề lớn nhất với các chuyên gia AI tự xưng là họ đánh giá quá cao kiến thức của bản thân. Họ cho rằng mình thông minh, trong khi thực tế lại thiếu hiểu biết. Điều này thường xảy ra với những người có tri thức, họ định nghĩa bản thân bởi trí tuệ và không thích ý tưởng một cỗ máy có thể thông minh hơn mình".

Musk sau đó đề cập trực tiếp tới công nghệ do DeepMind phát triển. "Tôi đang tiến rất gần đến công nghệ AI tối tân và nó làm tôi sợ chết khiếp. Nó có khả năng vượt xa mọi người tưởng tượng và tốc độ cải thiện tăng theo cấp số nhân", ông cho hay.

Musk đề cập đến AlphaGo, AI đánh cờ vây do Google phát triển. Ban đầu nó không thể đánh bại được một kỳ thủ bình thường, nhưng chỉ cần 6 đến 9 tháng để đánh bại nhà vô địch châu Âu, trước khi thắng cả nhà vô địch thế giới. "Và sau đó AlphaZero nghiền nát AlphaGo với tỷ số 100 - 0 và có thể tham gia bất kỳ trò nào người dùng muốn".

Hồi tháng 6, Musk tiếp tục cho biết DeepMind là "nỗi lo ngại hàng đầu" của ông trong lĩnh vực AI và thêm rằng "bản chất AI đang phát triển khi nó có thể đánh bại con người trong mọi trò chơi".

Musk đồng sáng lập phòng nghiên cứu OpenAI tại San Francisco năm 2015, chỉ một năm sau khi Google mua lại DeepMind. OpenAI khẳng định nhiệm vụ của mình là bảo đảm AI mang lại lợi ích cho loài người.

Tháng 2/2018, Musk rời ban lãnh đạo OpenAI nhưng vẫn tiếp tục đóng góp ngân sách và cố vấn cho tổ chức này. Ông và những người đồng sáng lập DeepMind, cùng hàng nghìn nhà nghiên cứu, kỹ sư và doanh nhân trong ngành AI, cùng ký cam kết không phát triển những hệ thống vũ khí sát thương tự động. Cam kết được công bố năm 2018 tại Hội thảo Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo (IJCAI) tại Stockholm, Thụy Điển.

"Những người ký tên dưới đây nhất trí rằng quyết định lấy mạng sống của một người không bao giờ dành cho một cỗ máy. Các vũ khí sát thương tự động với khả năng lựa chọn và tấn công mục tiêu mà không cần con người can thiệt sẽ gây bất ổn và nguy hiểm với mọi cá nhân và quốc gia", cam kết có đoạn viết.

Những người ký tên trong cam kết cũng hứa "không tham gia hay hỗ trợ phát triển, sản xuất, mua bán hoặc sử dụng vũ khí sát thương tự động".

Trong cuộc thử nghiệm của không quân Mỹ tại California, ARTUµ cùng điều khiển chiếc U-2 nhưng phi công vẫn là người có quyền quyết định cao nhất. Chuyến bay thử nghiệm mô phỏng hoạt động của trinh sát cơ U-2 trong một đợt tấn công tên lửa của địch. ARTUµ có nhiệm vụ tìm kiếm bệ phóng tên lửa đối phương, còn phi công theo dõi các tiêm kích có thể đe dọa chiếc U-2.

Tiến sĩ Willliam Roper, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ, người phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, cho rằng "quân đội cần triệt để chào đón AI để duy trì ưu thế quyết định chiến trường".

Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu năm nay cũng công bố kế hoạch áp dụng những nguyên tắc đạo đức nhằm đặt nền móng triển khai AI trong chiến tranh. Nó kêu gọi "biện pháp đánh giá và quan tâm phù hợp" khi sử dụng các hệ thống AI, đồng thời phải bảo đảm chúng "có thể được theo dấu và quản lý".

Nhiều nhà vận động kiểm soát vũ khí cho rằng còn nhiều điều phải làm để ngăn AI đưa ra quyết định sống chết trên chiến trường, đồng thời kêu gọi áp đặt thêm nhiều hạn chế với công nghệ này.

Một bức thư ngỏ được hàng loạt nhà nghiên cứu AI và robot hàng đầu công bố năm 2015 cảnh báo "cuộc chạy đua vũ khí toàn cầu là không thể tránh khỏi" nếu các nước tiếp tục thúc đẩy phát triển vũ khí AI.

Dù vậy, nhà tiên phong trong lĩnh vực AI, Yoshua Bengio, trấn an rằng thế giới còn lâu mới được chứng kiến những hệ thống AI siêu thông minh, do còn "quá nhiều rào cản để vượt qua trí tuệ con người".

Theo VnExpress