Nối gót các hãng công nghệ, Facebook nhận án phạt 500.000 bảng Anh

Theo mục 55A của Luật Bảo vệ Dữ liệu 1998 (DPA), Văn phòng Ủy viên thông tin của Ireland (ICO) vừa ban hành mức án phạt trị giá 500.000 bảng Anh (khoảng 641.976 USD, tương đương 14,7 tỷ đồng) dành cho Facebook vì vi phạm nghiêm trọng thông tin cá nhân người dùng trước ngày 25/5/2018.

Theo đó, ICO có thể áp dụng mức phạt dân sự lên tới 20 triệu Euro (17 triệu bảng Anh) hoặc 4% doanh thu toàn cầu của Facebook tùy theo tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Dựa trên cáo trạng mà ICO đưa ra, số lượng người dùng Facebook bị xâm phạm dữ liệu bất hợp pháp trong sự cố rò rỉ dữ liệu xảy ra trên toàn cầu mới đây theo ước tính đã mang về cho hãng này khoảng 87 triệu USD (khoảng hơn 2.000 tỷ đồng).

Báo cáo của ICO cũng chỉ rõ, dựa trên các kết quả đã điều tra cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2014, Facebook đã sử dụng dữ liệu người dùng một cách không chính đáng, đó là cho phép các nhà phát triển ứng dụng truy cập vào thông tin cá nhân người dùng Facebook mà không được sự đồng ý cũng như cho phép của họ, đồng thời cho phép truy cập ứng dụng tự động ngay cả khi người dùng chưa thực hiện thao tác tải xuống.

Bên cạnh đó, Facebook cũng không thực hiện các thao tác bảo mật thông tin cá nhân người dùng vì các ứng dụng nền tảng được cấu hình sai và không tiến hành kiểm tra bảo mật của các nhà phát triển. Facebook sẽ phải nhận mức phạt cao nhất chiếu theo Luật bảo vệ dữ liệu năm 1998, nếu cho phép bên thứ 3 sử dụng dữ liệu người dùng vào các mục đích chính trị khác nhau.

Phía Facebook thừa nhận đã không thành công trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng, tuy nhiên theo Tiến sĩ Aleksandr Kogan thuộc công ty GSR cho biết, thông qua ứng dụng "This Is Your Digital Life" công ty của ông đã tiến hành thu thập dữ liệu của khoảng 87 triệu người dùng.

Mặc dù "This Is Your Digital Life" được cho là đã tiến hành thu thập thông tin cá nhân của những người dùng Facebook đồng ý tham gia thử nghiệm, nhưng không dừng lại ở đó, ứng dụng này lại xâm nhập cả vào dữ liệu của tất cả bạn bè trong các mạng xã hội Facebook của những người dùng đó.

Ngay cả khi vụ việc xâm nhập dữ liệu cá nhân người dùng Facebook bị vỡ lở vào tháng 12/2015, Facebook đã không chứng minh được năng lực trong việc khắc phục sự cố kịp thời, cũng như ngăn chặn hành vi trái phép nêu trên cho đến năm 2018.

Sau đó, công ty GSR đã chia sẻ dữ liệu thu thập bất hợp pháp cho Tập đoàn SCL nổi tiếng, đây là công ty mẹ của Cambridge Analytica. Công ty Cambridge Analytica đã sử dụng dữ liệu thu thập từ Facebook để đưa ra các báo cáo sai về ý kiến ủng hộ dành cho các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2014 và 2016.

Theo kết luận của ICO, Facebook đã không bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư của người dùng trước, trong và sau khi dữ liệu của họ bị xâm nhập bất hợp pháp. Một công ty có quy mô lớn và chuyên nghiệp như Facebook phải nắm được vấn đề và cần phải làm tốt hơn thế.

Năm 2018 có thể là năm không thể nào quên trong lịch sử hình thành và phát triển của Facebook khi hàng loạt các bê bối bủa vây. Từ tháng 7 vừa qua, Facebook liên tục gặp phải nhiều chỉ trích của người dùng và truyền thông thế giới vì đã quản lý một mạng xã hội lớn một cách vô trách nhiệm, thiếu cẩn trọng, kéo theo đó là 6 nhân sự cấp cao của công ty này “rời ghế” ra đi, giá cổ phiếu của công ty giảm mức kỷ lục và mới đây là vụ tấn công lịch sử với 90 triệu tài khoản bị ảnh hưởng là kết quả của hiệu ứng domino đang đổ lên Facebook.

Theo XHTT

http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201810/noi-got-cac-hang-cong-nghe-facebook-nhan-an-phat-500000-bang-anh-617789/