Trong tuần trước, một diễn biến bất ngờ lại xảy ra. 2 nhân tố được xem là có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nội chiến Syria - Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Syria - đã ngừng các cuộc đụng độ thông qua các nhóm vũ trang mà họ ủy thác, thay vào đó trực tiếp tấn công lẫn nhau.
Đó là một diễn biến hết sức nguy hiểm: Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị các lực lượng Syria sát hại, và sau đó chính quyền Ankara tung đòn trả thù nhằm vào binh sĩ của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Có nhiều dự đoán cho rằng Nga - bên hậu thuẫn chính quyền Assad và cũng đang là "người bạn mới" của Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ nhập cuộc và đàm phán một lệnh ngừng bắn giữa hai bên.
Nhưng vấn đề ở chỗ họ chưa làm như vậy, bất chấp hàng loạt cú điện đàm giữa Ankara và Moscow. Và có khả năng Nga cũng không muốn làm trung gian hòa giải nữa.
Thêm vào đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây còn nêu bật khả năng đụng độ giữa các chiến đấu cơ của họ và Nga trên bầu trời tỉnh Idlib - "điểm nóng" xung đột hiện nay.
"Chiến đấu cơ bắn những nơi đông người ở tỉnh Idlib sẽ không còn được bay một cách tự do nữa" - ông Erdogan cảnh báo trong hôm 12/2, ám chỉ các máy báy chiến đấu của Nga.
Trong khi đó, Moscow khẳng định rằng Nga không hề nhắm vào thường dân trong các cuộc không kích.
Tổng thống Erdogan còn đe dọa sẽ mở rộng cuộc chiến chống chính quyền Syria ra ngoài tỉnh Idlib. Mặc dù nhiều người cho rằng đây chỉ là lời dọa dẫm suông, nhưng không thể bỏ ngoài tai lời cảnh báo này bởi trước đây Ankara từng khiến ngay cả các đồng minh trong NATO như Mỹ phải bất ngờ khi dám tấn công nhóm vũ trang người Kurd - vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Nói chung, tỉnh Idlib hiện nay không khác gì một vết thương cuối cùng cần được hàn gắn trong cuộc nội chiến ở Syria: Hơn 4 triệu thường dân bị mắc kẹt trong một vùng đất nhỏ bé thường xuyên bị những kẻ khủng bố cực đoan thân với al-Qaeda thăm viếng.
Các cơ quan tình báo phương Tây hiểu rõ tình hình ở Idlib và coi những kẻ khủng bố này là mối đe dọa trực tiếp, nhưng lại không đưa ra được biện pháp nào để ngăn chặn.
Moscow và Damascus cho rằng họ có thể giải quyết vấn đề, bởi vậy mà cố gắng tái chiếm lại tỉnh Idlib bằng mọi giá: Không kích những kẻ khủng bố. Các chiến dịch tấn công này đôi lúc khiến binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng - hơn một lần - và khiến Ankara tung đòn trả thù.
Đây là những hành động quân sự trực tiếp mà Ankara và Damascus tung vào nhau, chứ không phải thông qua các nhóm vũ trang ủy thác như trước đây.
"Đây là một cuộc xung đột giữa hai nhà nước" - Charles Lister, chuyên gia phân tích thuộc Viện Trung Đông, nói - "Và trong lúc mà ông Erdogan đang đầy quyết liệt như hiện nay, chỉ có thể thấy rằng tình trạng xung đột sẽ còn gia tăng".
Ông Lister nói rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Idlib hiện nay là điều "chưa từng có tiền lệ và chắc chắn sẽ còn trở nên tồi tệ hơn". Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ gợi mở khả năng tiếp nhận những người mất nhà cửa do chiến sự ở Idlib cũng có nghĩa rằng cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu có thể quay trở lại.
Một phát ngôn viên của lực lượng nổi dậy ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, Yousef Hamoud, đã gọi những hành động quân sự mới của Ankara là "hành động giúp giải phóng người dân Syria. Hy vọng những hành động đó sẽ ngăn chặn chính quyền Syria làm mất nơi ở của người dân".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa tăng cường chiến dịch quân sự ở Syria (Ảnh: Middle East Monitor)
|
Tổng thống Erdogan hiện đang cân nhắc hàng loạt lựa chọn hành động ở khu vực biên giới phía Nam với Syria. Mục đích mà họ mở chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria hồi cuối năm ngoái là nhằm đẩy lùi nhóm người mà họ cho là khủng bố, ngoài ra còn tạo nên một khu vực để cho hồi hương những người tị nạn Syria.
Và Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công phần nào. Ở khu vực phía Tây tỉnh Idlib, Ankara muốn ngăn chặn dòng người di cư đổ vào lãnh thổ của họ, cùng lúc muốn tăng quyền kiểm soát một số khu vực nơi mà nhóm khủng bố al-Qaeda hiện diện - được xem là mối đe dọa lâu dài với họ.
Một loạt các thỏa thuận mà Thổ Nhĩ Kỳ ký kết với sự ủng hộ của Nga đã mua cho họ chút ít thời gian, ngăn chặn căng thẳng gia tăng với chính quyền Syria suốt hơn 500 ngày qua. Nhưng đến cuối cùng thì Thổ Nhĩ vẫn phải làm điều gì đó. Từ trước đến nay, Ankara tỏ ra rất thận trọng khi tạo điều kiện cho Nga tham gia vào các còng đối thoại, cùng lúc gửi đi nhiều thông điệp cảnh báo tới chính quyền Syria về hành động sắp tới của họ.
Tuy nhiên, có rất ít khả năng Nga ủng hộ những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow không muốn rút quân ở Syria, điều này đồng nghĩa với việc quân đội Thổ chịu rủi ro "bắn nhầm" binh sĩ Nga giữa lúc đối đầu trực diện với quân đội Syria.
Và trước rủi ro đó, Ankara có rất ít lựa chọn bởi quyết định đơn phương tấn công người Kurd ở Syria trước kia đã khiến các đồng minh trong khối NATO rất tức giận.
"Ankara đã tự cô lập mình với các đồng minh phương Tây, tham gia ký một thỏa thuận đối tác với Nga, và giờ đã hết lựa chọn khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Thổ Nhĩ Kỳ không có lấy một lựa chọn tốt" - Aaron Stein, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách ngoại giao, nhận định.
Bởi vậy ankara đang phải đối diện với khả năng xảy a một cuộc xung đột mà không ai có thể lường trước được tầm ảnh hưởng của nó, bởi đây sẽ là cuộc xung đột giữa hai nhà nước. Một chương mới trong nội chiến Syria có thể mở ra.