Nợ phải thu quá hạn của Viettel, Viglacera, VEAM lên tới hàng nghìn tỷ đồng

Kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước của Kiểm toán Nhà nước cho thấy nhiều doanh nghiệp Nhà nước quản lý nợ chưa chặt dẫn đến nợ phải thu quá hạn, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định…  
Nợ phải thu quá hạn của Viettel, Viglacera, VEAM lên tới hàng nghìn tỷ đồng

Tại báo cáo kiểm toán 2013 về báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho biết hoạt động của một số doanh nghiệp giảm sút so với năm 2012.

Các Tập đoàn, Tổng công ty được kiểm toán có tổng tài sản nguồn vốn đến 31/12/2013 là 507.998 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 384.325 tỷ đồng; lợi nhuận trong công ty liên kết, liên doanh 7.000 tỷ đồng; tổng chi phí 333.153 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế 58.172 tỷ đồng; các khoản thuế và khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước 13.912 tỷ đồng.

Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh tăng: tổng tài sản, nguồn vốn 4.437 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 3.574 tỷ đồng; tổng chi phí 2.563 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế 975 tỷ đồng; số còn phải nộp ngân sách 3.550 tỷ đồng.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều Tập đoàn, Tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn.

Cụ thể, tại Viettel, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu); DATC 507,21 tỷ đồng; VEAM: công ty mẹ 440,35 tỷ đồng; công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam 88 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại VEAM 87,94 tỷ đồng.

Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - TNHH MTV: công ty mẹ 318,5 tỷ đồng (chiếm 41,64%); Công ty cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh 38 tỷ đồng (chiếm 25,32%).

Tổng công ty Viglacera 168,75 tỷ đồng, Tổng công ty Dược Việt Nam 101,8 tỷ đồng; công ty mẹ SONADEZI 17,5 tỷ đồng (chiếm 52,17%); Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội 55 tỷ đồng (chiếm 28,43%); Công ty cổ phần Kim khí TP Hồ Chí Minh 28,46 tỷ đồng (chiếm 9,59%)...

Các doanh nghiệp có nợ khó đòi lớn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên 594,87 tỷ đồng (chiếm 93% nợ phải thu), Công ty mẹ 54,9 tỷ đồng (chiếm 8,3%).

VEAM 293 tỷ đồng (chiếm 18,87%). DOFICO 126 tỷ đồng (chiếm 22%). HANDICO 109,7 tỷ đồng (chiếm 7,2%). VICEM 92 tỷ đồng. SAMCO: Công ty mẹ 24,96 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cảng sông TP. HCM 12 tỷ đồng...

Trong khi đó, công ty mẹ - TCT Xây dựng Đường thủy - CTCP 1,26 tỷ đồng; VTC: Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số 1,09 tỷ đồng là những đơn vị đã xoá nở phải thu khi chưa đủ điều kiện.

Hàng loạt doanh nghiệp trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định như trích lập không đầy đủ: DATC 47,47 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV 30,46 tỷ đồng; Công ty cổ phần Điện tử Biên Hòa thuộc Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam 3,15 tỷ đồng...

Trích vượt có VEAM: Công ty mẹ 11,96 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Veam 2,57 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi như HANDICO: Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội 10,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội 10,57 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 là 33,35 tỷ đồng...

Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - TNHH MTV: Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Tân Định nợ Công ty mẹ từ năm 2011 số tiền 18,59  tỷ đồng; Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Các đơn vị nợ Công ty mẹ gồm: Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên 53,48 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tôn mạ VNSteel Thăng Long 12,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa Trúc Thôn 8,16 tỷ đồng là những doanh nghiệp nợ trong nội bộ một số Tổng công ty với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số các đơn vị quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, còn để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển , trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa đúng quy định, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang không có nguồn bù đắp.

Một số Tổng công ty đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; một số đơn vị trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ...

Theo Bizlive