|
Ninh Thuận muốn EVN tiếp tục huy động 40% công suất của nhà máy ĐMT 450MW |
Ngày 13/10, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành liên quan đến việc kiến nghị chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW do Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Trungnam Thuận Nam) làm chủ đầu tư.
Trước đó, hôm 5/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì họp và có kết luận về việc khai thác công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời 450MW.
Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ công thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Trungnam Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời 450MW, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Đến ngày 7/10, thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ và phân công của Bộ Công thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã có văn bản số 2016/ĐL-NLTT, yêu cầu EVN "thực hiện khai thác, huy động trên cơ sở thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định pháp luật có liên quan".
"Tuy nhiên đến nay EVN chưa có ý kiến chính thức việc tiếp tục khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời 450MW của Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (nhà đầu tư)", văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ.
Ngày 11/10, UBND tỉnh Ninh Thuận nhận được văn bản của Trungnam Thuận Nam kiến nghị EVN tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện tại dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến ngày 31/8/2022, công ty mua bán điện thuộc EVN có văn bản số 6082 thông báo ngừng huy động công suất chưa có giá điện. Trung Nam Thuận Nam cho biết, việc dừng khai thác công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời 450MW từ ngày 1/9/2022 gây thiệt hại cho dự án khoảng gần 2 tỉ đồng/ngày.
Nên biết, trong thời gian chờ bàn giao Trạm biến áp 500kV Thuận Nam cho EVN, dự án điện mặt trời 450MW tiếp tục chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chi phí quản lý vận hành trạm biến áp 500kV Thuận Nam.
"Việc này làm cho Nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện việc trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng theo phương án tài chính của dự án", thành viên của Trungnam Group cho hay.
Nhằm giải quyết dứt điểm kiến nghị của nhà đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biết, quan tâm, chỉ đạo EVN sớm giải quyết nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế xã hội./.