|
PMI ngành sản xuất Viêt Nam của Nikkei |
Nikkei vừa công bố báo cáo mới nhất về chỉ số Nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam.
Theo đó, PMI Việt Nam trong tháng 7 đã giảm nhẹ từ mức 55,7 điểm (tháng 6) xuống còn 54,9 điểm, nhưng đây vẫn là một trong những mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.
Nikkei cho biết, mặc dù PMI VN giảm nhẹ trong tháng nhưng số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất tiếp tục tăng với mức độ đáng kể. Trong đó, tốc độ tăng số lượng đơn hàng xuất khẩu mới đã nhanh hơn, và chỉ kém một chút so với kỷ lục ghi nhận trong tháng 5.
Các công ty đã đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng bằng cách tiếp tục tăng sản lượng trong tháng. Mức độ tăng giá được cho là mạnh hơn, mặc dù đã chậm lại so với tháng liền trước. Cả ba lĩnh vực thị trường khảo sát đều có sản lượng tăng, đứng đầu là lĩnh vực hàng hóa trung gian.
Sản lượng tăng mạnh đã khiến lượng công việc tồn đọng trong tháng 7 giảm tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù mức giảm này là rất nhẹ. Điều này dẫn đến việc các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng.
Bên cạnh đó, nhóm khảo sát của Nikkei cho biết tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn cao trong đầu quý 3, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu. Việc chuyển gánh nặng chi phí tăng sang cho KH đã làm giá cả đầu ra tiếp tục tăng, với tốc độ tăng chỉ thay đổi một chút so với tháng 6.
Ngoài ra, những dữ báo về số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong 12 tháng tới đã làm tăng mức độ lạc quan về tăng sản lượng. Mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng so với tháng trước khi có gần 51% số người trả lời khả sát dự báo sản lượng sẽ tăng.
Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại HIS Markit – công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định: “Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn ở mức cao trong tháng 7 khi lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hỗ trợ cho mức tăng trưởng tổng thể trong kỳ khảo sát mới nhất là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh hơn. Trong khi đó, mức độ lạc quan về tương lai được phản ánh bởi mong muốn tăng hàng tồn kho của các công ty để sẵn sàng tiếp tục tăng sản lượng và tiếp tục tăng mạnh số lượng việc làm”./.