Nikkei Asia: Việt Nam bùng nổ chuỗi nhà thuốc trong và sau giai đoạn đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Nikkei Asia, người tiêu dùng Việt Nam hiện quan tâm đến chất lượng cũng như giá thành các loại thuốc. Họ dần chuyển sang mua thuốc tại các đại lý do chuỗi lớn điều hành.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu có khoảng 700 cơ sở tại Việt Nam (ảnh: Nikkei Asia)
Chuỗi nhà thuốc Long Châu có khoảng 700 cơ sở tại Việt Nam (ảnh: Nikkei Asia)

Đại dịch Covid-19 đã quét qua Việt Nam, vì thế số lượng nhà thuốc do các chuỗi lớn điều hành cũng tăng theo.

Người dân Việt Nam trước đây thường mua dược phẩm ở các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ - các hộ kinh doanh gia đình. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, khi người dân Việt Nam có ý thức hơn về sức khỏe trong đại dịch, số lượng nhà thuốc do 3 chuỗi lớn điều hành đã tăng gấp 8 lần.

Trong một lần vào mua thuốc tại một đại lý thuộc chuỗi nhà thuốc lớn ở Hà Nội, một nữ nhân viên văn phòng đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy bảng giá thuốc ho ở đây.

"Mức giá này bằng một nửa so với giá thuốc thông thường. Tôi thực sự có thể mua nó với giá rẻ vậy sao?", cô nói.

Nữ nhân viên 35 tuổi cho biết cô thường mua thuốc ở các cửa hàng nhỏ. Nhưng ở chuỗi nhà thuốc lớn này, rất nhiều loại thuốc được giảm giá và họ còn tích điểm cho người mua. Cô nói trong tương lai mình sẽ tới đây mua thuốc khi cần.

Các cửa hàng thuốc nhỏ, độc lập thường là địa chỉ mua dược phẩm quen thuộc của người dân, nhờ sự thuận tiện và niềm nở với khách hàng. Tuy nhiên, các cửa hàng này cũng có một hệ thống giá cả không rõ ràng. Thuốc ở mỗi cửa hàng lại có một mức giá khác nhau.

Đôi khi, những cửa hàng này còn dán lại nhãn sản phẩm (thời hạn lưu hành thuốc). Những yếu tố này đã làm suy giảm mức độ tin tưởng của người mua đối với các cửa hàng nhỏ lẻ.

Trái lại, chuỗi nhà thuốc luôn đưa ra mức giá nhất quán, cũng như giá thấp hơn khi họ tìm cách cạnh tranh với các đối thủ. Các chuỗi nhà thuốc cũng tích cực tham gia bán hàng trực tuyến.

Nữ nhân viên văn phòng cho biết: "Tôi có thể yên tâm mua thuốc tại chuỗi nhà thuốc mà không phải lo lắng về giá cả hay nhãn mác."

Hiện Việt Nam có 3 chuỗi nhà thuốc lớn với 2.400 đại lý. Chuỗi nhà thuốc Pharmacity là lớn nhất với khoảng 1.100 nhà thuốc. Giám đốc điều hành Chris Blank của Pharmacity cho biết công ty có kế hoạch mở rộng lên 5.000 nhà thuốc vào năm 2025.

Chuỗi Long Châu, một chi nhánh của tập đoàn công nghệ FPT, có khoảng 700 nhà thuốc. An Khang, được Thế giới Di Động mua lại, hiện có khoảng 500 cửa hàng.

Các hãng nước ngoài, chẳng hạn như chuỗi Watsons của Hồng Kông và chuỗi Matsumotokiyoshi của Nhật Bản đã thiết lập các cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mức thu nhập tăng và thói quen tiêu dùng thay đổi đang tạo ra những luồng gió tăng trưởng cho các chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam.

Hiện nay, các nhà thuốc ở Việt Nam thường bán dược phẩm và thực phẩm chức năng. Các nhà thuốc có thể bắt đầu giống với các cửa hàng tiện lợi bằng cách cung cấp các loại thực phẩm, mỹ phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày khác.