Nhượng quyền trong lĩnh vực đường sắt: Bước đi chậm chạp

Trong khi “xã hội hóa”, nhượng quyền khai thác hàng không, hàng hải đã đạt được một số kết quả, thì đường sắt mới bắt đầu khởi động quá trình này. Sự khởi đầu đó cũng chậm chạp, dè dặt như sự lạc hậu của ngành này trong dòng chảy của thời cuộc.
Đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua đường Phạm Văn Đồng, TPHCM
Đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua đường Phạm Văn Đồng, TPHCM

Mới tính nhượng quyền những thứ dễ nhất

Ngành đường sắt Việt Nam đã có từ thời Pháp thuộc, đến nay vẫn do Tổng công ty Đường sắt (TCTĐSVN) độc quyền quản lý, khai thác và kinh doanh. Trong đề án huy động vốn kết cấu hạ tầng ngành đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tháng 12-2014, có hai lĩnh vực được phép xã hội hóa nhằm tái cơ cấu đầu tư, đó là xã hội hóa kinh doanh, khai thác các công trình như nhà ga, kho hàng, các khu dịch vụ và nhượng quyền khai thác các tuyến đường sắt.

Trong sự yếu kém toàn diện của ngành đường sắt suốt những năm qua thì người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự chậm đổi mới tại các nhà ga và tuyến đường sắt, cho dù hàng năm ngân sách rót hàng ngàn tỉ đồng vào Tổng công ty Đường sắt (tính luôn cả vốn ODA hàng năm giải ngân vào các dự án cải tạo đoạn, tuyến, thông tin liên lạc trên các tuyến đường sắt).

Ở đây chưa đề cập đến việc xã hội hóa ngành đường sắt qua hình thức kêu gọi nhà đầu tư vào xây mới, kinh doanh khai thác và quản lý các tuyến đường sắt, nhà ga đang chuẩn bị xây dựng. Chỉ một việc xã hội hóa dưới hình thức thí điểm khai thác các cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành đường sắt cũng đã cho thấy rõ sự dè dặt và thiếu quyết liệt của ngành này so với các lĩnh vực giao thông khác.

Lấy ví dụ trong ba danh mục có thể kêu gọi nhượng quyền đầu tư gồm: nhà ga, kho bãi và khai thác đoạn tuyến đường sắt hiện có thì việc bán quyền khai thác kho bãi là đơn giản nhất. Nói đơn giản là cho thuê kho bãi và TCTĐSVN vẫn thu được tiền, thay vì thu hàng năm thì thu luôn một món tiền nhiều năm có tổng giá trị lớn hơn nhiều từ tài sản được Nhà nước giao quản lý.

Trong khi ấy thì lĩnh vực kinh doanh nhà ga, vận tải trên các tuyến đường sắt vẫn chưa tính đến việc bán quyền khai thác. Ở hai lĩnh vực then chốt này của ngành đường sắt, việc xã hội hóa mới thực sự cần thiết do tác động trực tiếp đến quyền được phục vụ của hàng chục triệu khách hàng chọn phương thức vận tải này mỗi năm. Nâng cao tính cạnh tranh dịch vụ ở đây mới cho thấy bộ mặt của ngành đường sắt có thay đổi đáng kể hay không. Bởi nếu TCTĐSVN còn độc quyền ở đó thì sự thay đổi, cho dù đã có nhưng không lớn.

Tách bạch quyền quản lý và quyền khai thác

Trong nhiều phát biểu tại các cuộc họp về nhượng quyền khai thác cơ sở hạ tầng ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nhấn mạnh nhiều lần quan điểm của bộ là sẽ mời các nhà đầu tư tư nhân vào kinh doanh, khai thác các lĩnh vực của ngành giao thông. Nhà nước chỉ làm những việc mà tư nhân không được làm (do liên quan đến an ninh, quốc phòng) hoặc tư nhân không muốn làm. Mục đích là để tách bạch vai trò quản lý mang tính điều tiết của Nhà nước tại các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ và đường sắt.

Ba lĩnh vực theo thứ tự vừa nêu đang trong giai đoạn chuyển biến rất rõ rệt với việc các nhà đầu tư tư nhân đã và đang tham gia đầu tư, quản lý, khai thác, dẫn đến sự cạnh tranh khá quyết liệt và Nhà nước chỉ giữ vai trò điều phối, bảo đảm “chạy” đúng quy định.

Riêng lĩnh vực đường sắt thì việc xuất hiện của các nhà đầu tư ngoài TCTĐSVN không phải là không có (như bán quyền khai thác một số đội tàu du lịch tuyến Hà Nội - Sapa) nhưng hiệu quả không rõ rệt và không tác động gì lớn đến sự thay đổi của ngành này. Bằng chứng là tư nhân vào khai thác một số đoạn, tuyến nhưng dịch vụ hạ tầng của ngành đường sắt rất kém, giá vé đắt nên sau khi đường bộ (như Hà Nội - Lào Cai thông tuyến) hay hàng không giá rẻ cạnh tranh mạnh thì hành khách tất nhiên không chọn dịch vụ của ngành đường sắt nữa, dẫn đến doanh thu trên một số tuyến vận tải chính sụt giảm mạnh.

Vấn đề của TCTĐSVN hiện nay là cần tách bạch quyền của doanh nghiệp được giao quản lý khai thác kết cấu hạ tầng với quyền kinh doanh vận tải. Tức là doanh nghiệp được giao quản lý hạ tầng đường sắt chỉ nên tập trung vào quản lý việc đấu thầu, khai thác, cho thuê chứ không trực tiếp kinh doanh hoặc không nên liên kết, góp vốn với doanh nghiệp khác để kinh doanh vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt mà mình được giao quản lý.

Các giải pháp được nêu tại Đề án xã hội hóa về kinh doanh vận tải đường sắt cũng đã nhấn mạnh việc tách bạch giữa doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sắt.

Việc tách bạch quyền quản lý và quyền kinh doanh này đã từng được đưa vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), dự kiến trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới. Nhưng không rõ vì lý do gì mà dù được sự ủng hộ của các bộ, ngành có liên quan nhưng giờ chót Bộ GTVT lại rút khỏi nội dung sửa đổi vấn đề quan trọng này.

Chỉ khi nào việc tách bạch quyền quản lý của TCTĐSVN với quyền khai thác kinh doanh của doanh nghiệp khác được thực hiện thì ngành đường sắt mới thực sự thay đổi. Nếu không, việc mời tư nhân vào nhượng quyền mấy bãi hàng như đang triển khai chỉ là thay đổi bề nổi.

Theo TBKTSG