Những trò lừa đảo nhẫn tâm lợi dụng Covid-19 tại Trung Quốc

Nhiều kẻ lừa đảo xem dịch bệnh Covid-19 là cơ hội dụ dỗ 'con mồi' và trục lợi từ tâm lý hoang mang, sợ hãi.

Ảnh minh họa: Internet

Chen Xiaobai, nhà thiết kế đồ họa đến từ thành phố Trường Sa, Hồ Nam (Trung Quốc), bắt đầu điều hành một nhóm WeChat từ đầu tháng 2/2020. Nhóm có tên Nạn nhân của lừa đảo khẩu trang trực tuyến. Nhóm có khoảng 170 thành viên, tất cả đều bị lừa tiền khi cố gắng mua khẩu trang trên mạng trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.

Lừa đảo trực tuyến không còn xa lạ song nỗi sợ hãi xoay quanh Covid-19 và tình trạng khan hiếm khẩu trang mang lại cơ hội khổng lồ cho kẻ xấu tại quốc gia có 800 triệu người dùng Internet. Trung Quốc có 1,4 tỷ dân nhưng năng lực sản xuất khẩu trang hàng ngày chỉ là 22 triệu chiếc dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng. Nhiều người không còn lựa chọn nào ngoài việc tìm tới các kênh riêng tư như nhóm WeChat để mua khẩu trang.

Chen mở nhóm WeChat sau khi cô trở thành nạn nhân của một kẻ lừa đảo vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tin tức về bệnh dịch bắt đầu lan rộng, cô gái 21 tuổi nóng lòng muốn mua khẩu trang cho gia đình. Do mọi nền tảng mua sắm online đều hết hàng, Chen lên Weibo và được một người lạ chào hàng. Trao đổi xong xuôi trên WeChat, cô chuyển 1.000 NDT (3,3 triệu đồng) cho người này qua ứng dụng để mua 100 chiếc khẩu trang và không bao giờ nhận được hàng.

Chen nói dù biết rủi ro, cô vẫn tin tưởng do hắn gọi điện qua WeChat và nói cùng quê. Cô còn tin tưởng hơn sau khi hắn đăng lên WeChat rằng sẽ quyên góp khẩu trang cho Vũ Hán. “Tại sao một người làm từ thiện lại đi lừa đảo người khác cơ chứ”, Chen chia sẻ.

Tính đến ngày 24/2, hơn 7.500 vụ lừa đảo liên quan tới Covid-19 với số tiền lên tới hơn 192 triệu NDT (28 triệu USD) đã được báo cáo tại Đại lục, theo Bộ Công An Trung Quốc và Tencent, công ty điều hành WeChat. Trong số này, 96,9% liên quan tới khẩu trang. Tại Hồng Kông, hàng trăm người cũng rơi vào bẫy của một băng nhóm có tổ chức trên Facebook.

Trả lời tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, 6 nạn nhân – trong đó có Chen – nói họ bị lừa vì khao khát mua được khẩu trang cho gia đình. Trong một số trường hợp, họ muốn quyên góp khẩu trang cho các nhân viên y tế.

Alan Lin, một doanh nhân tại Silicon Valley, nhận định: “Mạng xã hội khiến mọi người nghĩ rằng họ biết và tin tưởng lẫn nhau, song nó cũng có xu hướng khiến mọi người bỏ qua hay quên việc xác minh thông tin quan trọng”.

Lin là nhà sáng lập Hubei United, nhóm tình nguyện viên được mở hồi tháng 1/2020 nhằm giúp các tổ chức phi chính phủ và cá nhân xác minh thông tin vật tư y tế cũng như tiếp cận người ở “tâm dịch” Hồ Bắc, quyên góp khẩu trang cho họ. Anh cho rằng sự thuận tiện của các nền tảng Internet cho phép việc lừa đảo diễn ra với quy mô lớn hơn trước đó.

Ngay cả những người bản thân vô cùng thận trọng cũng tìm cơ hội trên các kênh không chính thống do hoàn cảnh đặc biệt. Đó là trường hợp của Steve Mo, quản lý tại công ty xây dựng ở thành phố Thường Đức, Hồ Nam. Ông muốn mua khẩu trang để phát cho công nhân quay lại làm việc nên bỏ tiền ra để mua 300 khẩu trang trên WeChat.

Doanh nghiệp Trung Quốc thường đóng cửa vào Tết Nguyên đán nhưng năm nay, kỳ nghỉ kéo dài hơn bình thường do dịch Covid-19. Từ giữa tháng 2/2020, đại diện của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia cho biết doanh nghiệp nên trang bị chất khử trùng, máy đo nhiệt độ và khẩu trang trước khi mở cửa lại.

Mo nói không biết phải đi đâu để tìm mua khẩu trang. Thay vì 300 khẩu trang, những gì người đàn ông 44 tuổi nhận được là 2 chai xà phòng, tương tự mọi người trong nhóm WeChat. Điều đó khiến ông giận dữ và lo lắng vì không biết có thể mua đủ khẩu trang cho công nhân kịp thời không.

Ông Mo cho rằng: “Dù 600 tệ không phải vấn đề lớn, lừa đảo khẩu trang diễn ra trên diện rộng tới mức chúng trở thành vấn đề xã hội”.

Ngoài lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử, Trung Quốc còn chứng kiến hacker dùng mã độc và tấn công lừa đảo (phishing) nhằm vào người tìm kiếm thông tin Covid-19 tăng mạnh. Theo Tân Hoa Xã, Trung tâm phản ứng khẩn cấp virus máy tính quốc gia phát hiện hacker lợi dụng các chủ đề như “virus corona mới” để lừa mọi người bấm vào các liên kết trong email, nhóm WeChat và xâm phạm thông tin cá nhân, tài liệu trên máy tính.

Michael Gazeley, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Network Box, nhận xét hacker là những kẻ “vô lương tâm”. Chúng không quan tâm tới dịch bệnh mà thực tế, tình hình càng gây hoang mang, càng nhiều người bấm vào liên kết trước khi kịp câ nhắc và từ đó, hacker càng kiếm được nhiều tiền.

Nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng Trustwave minh họa một trường hợp, trong đó người nhận nhận được email dường như của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) kèm liên kết về các ca nhiễm Covid-19 mới. Tuy nhiên, khi bấm vào, nạn nhân được chuyển tới một trang yêu cầu nhập tên người dùng và mật khẩu Outlook. Một số người nhẹ dạ đã làm theo và trao cho kẻ lừa đảo thông tin của họ.

Theo Gazeley, khoảng 30 đến 35% người dùng chung danh tính cho các dịch vụ khác nhau. Do đó, nếu sập bẫy, mọi thứ của nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ tài khoản ngân hàng đến bảo mật mạng lưới.

Để chống lại các trò lừa đảo như vậy, ứng dụng Alipay của Trung Quốc cung cấp công cụ giúp người dùng xác định mã QR là thật hay lừa đảo. WeChat cũng đóng hàng chục tài khoản bị báo cáo lừa đảo và đề nghị mọi người báo cáo những tài khoản phạm pháp.

Chen hi vọng có thể dùng mạng xã hội để nâng cao nhận thức của mọi người về lừa đảo qua mạng. Cô mở nhóm vì nhiều người xin lời khuyên sau khi cô chia sẻ trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, cô cảnh báo một nhóm hỗ trợ như vậy cũng có rủi ro. “Vì là người duy nhất quản lý nhóm, rất khó để biết mỗi thành viên là nạn nhân thật sự hay đang tìm cơ hội lừa đảo người khác”, cô thừa nhận.

Theo ICTNews

Theo https://ictnews.vietnamnet.vn/internet/nhung-tro-lua-dao-nhan-tam-loi-dung-covid-19-tai-trung-quoc-195604.ict