|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (viết tắt: VASS) được thành lập từ tháng 11/2003 với quy mô vốn điều lệ 72 tỷ đồng. Trong giai đoạn 7 năm sau đó, song song với việc mở rộng mạng lưới, công ty nhiều lần thực hiện tăng vốn và đạt quy mô vốn điều lệ ở mức 400 tỷ đồng vào tháng 11/2010.
Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2011 - 2012 là quãng thời gian đầy khó khăn với VASS. Đỉnh điểm là tháng 2/2012, khi công ty này mất khả năng thanh toán nợ đến hạn liên quan đến các khoản vay nợ ngân hàng, các khoản nợ khác và phải bán 2 khối tài sản lớn là nhà để tất toán các khoản nợ đến hạn với ngân hàng.
Nguyên nhân là do các khoản đầu tư vào bất động sản và chứng khoán từ năm 2007 - 2008 để lại đã khiến VASS rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính, gặp khó về thanh khoản.
Tới nay, những khoản đầu tư này vẫn còn dấu vết trên Báo cáo tài chính Quý 2/2019 đã kiểm toán của VASS.
Năm 2012, VASS là trường hợp đặc biệt được Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh giảm vốn điều lệ xuống chỉ còn 40 tỷ đồng, đồng thời cho phép nhà đầu tư tư nhân góp vốn thêm 260 tỷ đồng, nhằm tái cấu trúc hoạt động của công ty. Nhà đầu tư đó chính là CTCP Thủ Phủ Tre (nay đổi tên thành CTCP Bamboo Capital - Mã CK: BCG).
Đáng chú ý, việc đầu tư của BCG tại VASS được thực hiện theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa công ty và bà Đỗ Thị Minh Đức. Theo đó, BCG sẽ làm trung gian đầu tư, nắm giữ cổ phần VASS theo yêu cầu của bà Đỗ Thị Minh Đức và sẽ chuyển nhượng lại cổ phần cho cá nhân này sau thời gian ủy thác.
Thông qua một số hoạt động phát hành riêng lẻ cho các cổ đông cá nhân khác, tới năm 2017, quy mô vốn của VASS đã đạt mức 500 tỷ đồng. Dù vậy, BCG vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại VASS. Đây cũng là năm đầu tiên sau một thời gian dài thực hiện tái cơ cấu, VASS mới bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc và được duy trì tới nửa đầu năm 2019.
Công ty cho biết vẫn tập trung vào thị trường bán lẻ ô tô, xe máy, tai nạn con người và đẩy mạnh kinh doanh bảo hiểm qua kênh ngân hàng (nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe cho người vay tín dụng).
Cũng cần lưu ý rằng, tính tới ngày 30/6/2019, số lỗ lũy kế của VASS vẫn lên tới 485,7 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn chủ sở hữu. Có thể thấy, hành trình tái cơ cấu của VASS vẫn còn nhiều gian nan.
|
Hình bóng “Shark” Liên tại VASS
Sau khi thông qua BCG để nắm giữ cổ phần chi phối tại VASS, tới ngày 30/6/2014, bà Đỗ Thị Minh Đức đã trở thành Chủ tịch HĐQT của công ty này.
Được biết, bà Đỗ Thị Minh Đức là em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên) - Chủ tịch Tập đoàn Aqua One và cũng là Chủ tịch của Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ngoài ra, người em gái của “Shark” Liên cũng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các công ty liên quan đến “hệ sinh thái” của Tập đoàn Aqua One.
Mặt khác, một số lãnh đạo cấp cao khác tại VASS cũng từng là nhân sự cấp cao tại CTCP Bảo hiểm AAA do “Shark” Liên sáng lập.
Trong đó, có bà Trương Ngô Sen - Phó Chủ tịch VASS - từng là Giám đốc pháp chế của công ty Bảo hiểm AAA. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc VASS là ông Đặng Điệp Đại Khoa cũng từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc phòng xe cơ giới, Giám đốc phát triển sản phẩm và định phí của Bảo hiểm AAA.
Mối liên hệ giữa VASS và “Shark” Liên còn thể hiện qua một số giao dịch tài chính.
Cụ thể, VASS đã ký hợp đồng với CTCP Nước Aqua One, cung cấp khoản vay có hạn mức không quá 50 tỷ đồng cho công ty này tại mọi thời điểm trong năm nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh. Mức lãi suất ở mức khá “ưu đãi” là 6%/năm, thậm chí còn thấp hơn so với mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Tính tới cuối Quý 2/2019, VASS đã cho CTCP Nước Aqua One vay 32,1 tỷ đồng.
|
Căn nhà 19 Phùng Khắc Khoan (ngã tư Phùng Khắc Khoan - Trần Cao Vân) mà bà Đỗ Thị Kim Liên đã bán cho VASS với giá 380 tỷ đồng. Đây hiện cũng là nơi Công ty CP Nước Aqua One đặt văn phòng. Với diện tích 291,68 m2, tạm tính, khu đất (kèm theo cả công trình nhà) mà "shark" Liên đã bán cho VASS có giá khoảng 1.305 triệu đồng/m2.
|
Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2019, VASS đã chi 380 tỷ đồng cho “Shark” Liên để mua lại căn nhà (5 tầng và 2 tầng hầm) do bà sở hữu, tại số 19 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM (có diện tích 291,68 m2). Mục đích để làm trụ sở chính của VASS.
VASS còn thực hiện đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ 14 (Toàn Mỹ 14) - đơn thị tham gia liên danh với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km 1793+600 đến Km 1824+00 (dự án BOT Quốc lộ 14) - thông qua việc mua lại một phần cổ phiếu của chính Chủ tịch Đỗ Thị Minh Đức tại Toàn Mỹ 14.
Đáng chú ý, khoản đầu tư được thực hiện ngay sau khi BCG thực hiện góp vốn thêm 260 tỷ đồng vào VASS theo hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký kết với bà Đỗ Thị Minh Đức. Do đó, bản chất của giao dịch này là đáng lưu tâm.
Xác định khoản đầu tư chưa phù hợp với quy định, Bộ Tài chính yêu cầu VASS thu hồi trong các biên bản thanh kiểm tra. Tới ngày 30/6/2019, khoản đầu tư của VASS vào Toàn Mỹ 14 chỉ còn ghi nhận số dư 90 tỷ đồng.
Ngoài ra, VASS và "Shark" Liên hiện đang cùng tham gia góp vốn, là cổ đông sáng lập của CTCP Dịch vụ và Đầu tư Lian (Lian IAS).
|
"Shark" Liên tái xuất tron lĩnh vực bảo hiểm với ứng dụng LIAN
|
Lên lịch cho những chuyển biến bên trong VASS
Chuyển biến bên trong nghĩa là sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn của VASS. Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của VASS, các cổ đông tham dự đã biểu quyết thông qua 4 giao dịch thỏa thuận của cổ đông lớn hoặc cổ đông nội bộ mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Trong đó, có 2 giao dịch thỏa thuận giữa BCG và Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus (hiện do bà Đỗ Thị Kim Liên làm người đại diện pháp luật) với tổng số lược cổ phiếu giao dịch là 14 triệu cổ phiếu (tương đương 28% vốn điều lệ của VASS). Bên mua là AAA Plus sẽ không phải thực hiện chào mua công khai.
Hai giao dịch còn lại là việc chuyển nhượng giữa bên bán là ông Tạ Bình Nguyên và bà Trương Ngô Sen, với tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch là 9 triệu cổ phiếu (tương đương 18% vốn điều lệ của VASS), cho CTCP Đầu tư Một Trăm (hiện do bà Đỗ Thị Minh Đức làm người đại diện pháp luật).
Các giao dịch trên dự tính sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2019. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa có những động thái cụ thể cho thấy các giao dịch kể trên đã được thực hiện.
Ngoài ra, cũng tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, các cổ đông đã thông qua việc phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương với 200 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, để nâng vốn của VASS lên mức 700 tỷ đồng.
Trong số 5 nhà đầu tư được dự kiến chào bán trong danh sách, “Shark” Liên là nhà đầu tư sẽ được phân phối nhiều nhất, tới 6,3 triệu cổ phần của VASS.
|
Danh sách các nhà đầu tư mà VASS dự kiến chào bán để tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng
|
Về phương án sử dụng vốn, VASS cho biết số tiền huy động được sẽ được gửi tại các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo cải thiện tình trạng vốn chủ sở hữu, biên khả năng thanh toán và thực hiện chi trả bồi thường bảo hiểm từ tiền lãi thu được./.