|
Những thăng trầm của các công ty công nghệ Trung Quốc tại Việt Nam |
Có rất nhiều lý do để xem Việt Nam như là mảnh đất tiềm năng để các startup và các công ty công nghệ, trong đó có Trung Quốc thử sức, trước khi tiến tới việc mở rộng sang các thị trường lớn hơn.
Theo Phòng thương mại Mỹ Việt Nam (AmCham Việt Nam), tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi từ năm 2014 đến năm 2020, tức từ 12 triệu lên 33 triệu. Trong khi đó chi phí ở Việt Nam được xem là khá rẻ, bao gồm chi phí lao động, sinh hoạt và tiếp thị cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chỉ số Big Mac vào tháng 1/2017 cho thấy rằng Big Mac ở Việt Nam chỉ tốn 2,66 USD, so với 5,06 USD ở Mỹ và 2,83 USD ở Trung Quốc (Big Mac được xem như một thước đo đánh giá một đồng tiền có đang ở mức giá trị phù hợp hay không. Trong trường hợp này là giá một chiếc bánh kẹp Big Mac của cửa hàng McDonald). Ngoài ra, theo Turicum Investment Management, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt qua Trung Quốc vào năm 2020.
Những lợi thế đó đã khiến nhiều công ty công nghệ tại Trung Quốc mở rộng quy mô sang thị trường Việt Nam, bắt đầu từ những năm 2000. Các công ty Trung Quốc thường đặt trụ sở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm thương mại và văn hoá lớn nhất Việt Nam.
Tencent
Tập đoàn Tencent được biết đến với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, giải trí, Internet, dịch vụ giá trị gia tăng điện thoại di động và hoạt động các dịch vụ quảng cáo trực tuyến tại Trung Quốc. Tập đoàn công nghệ này đặt trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Theo Brand Finance, năm 2016, giá trị thương hiệu của Tencent rơi vào khoảng 210 tỷ nhân dân tệ. Với mức giá trị này, tập đoàn Tencent đã chính thức nằm trong nhóm 10 tập đoàn/công ty công nghệ lớn nhất thế giới trong đó bao gồm Apple và Alphabet.
Tại châu Á, Tencent là một trong những tập đoàn có giá trị thị trường lớn nhất.
Năm 2012, ứng dụng WeChat của Tencent đã thu hút tới một triệu người dùng ở Việt Nam, nhưng cuối cùng ứng dụng này đã bị người dùng Việt tẩy chay vào cuối năm 2013 do chứa bản đồ hình lưỡi bò, các ứng dụng OTT khác như Viber, Line, Whatsapp, KakaoTalk cũng suy giảm lượng người dùng Việt Nam trong khoảng thời gian này.
Trong những năm tiếp theo, WeChat cũng có những bước tiến nhưng rất ít và gần như đã bị loại bỏ tại thị trường Việt Nam. Trang Facebook chính thức của WeChat ở Việt Nam từ năm 2014 tới nay vẫn chỉ có hơn 30.000 lượt like, status mới nhất cũng từ năm 2014.
WeChat bị tẩy chay tại Việt Nam vì chứa bản đồ hình lưỡi bò
Dù không có cửa cho Wechat, nhưng các khoản đầu tư khác của Tencent ở Việt Nam thông qua việc mua cổ phần doanh nghiệp lại rất thành công. Đó là việc "chống lưng" cho Garena - nhà phân phối nhiều tựa game lớn ở Việt Nam và mua cổ phần tại VNG, công ty công nghệ sở hữu nhiều dịch vụ trực tuyến phổ biến như Zalo, MP3 Zing, Baomoi, Zing News, trang thương mại điện tử 123mua...
Cụ thể, từ năm 2008, Tencent đã mua lại 20,02% cổ phần một công ty game trực tuyến của Việt Nam. Tiếp đó, năm 2011, Tencent công bố trong báo cáo cổ đông năm 2011 rằng đang có vốn tại một công ty game trực tuyến chưa niêm yết ở Đông Nam Á với tỉ lệ sở hữu năm 2010 là 30,02%, năm 2011 là 31,25%. Báo cáo này không chỉ đích danh VNG nhưng theo những dữ kiện và con số doanh thu thì nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định đó là VNG.
Thêm vào đó, cơ cấu ban giám đốc của VNG hiện cũng có thành viên từng làm việc cho Tencent: ông Johnny Shen, Phó Tổng Giám Đốc phụ trách về Tài Chính đã làm việc cho VNG từ năm 2008, trước đó ông làm việc cho công ty tài chính Tencent Holdings. Vấn đề là thời gian ông Shen gia nhập VNG đúng lúc công ty này mua 20,02% cổ phần của một công ty game trực tuyến của Việt Nam năm 2008. Ngoài ra, thông tin cổ đông của VNG cũng chỉ rõ Tencent là cổ đông lớn, nhưng không cho biết tỉ lệ sở hữu.
Tencent được cho là đang sở hữu phần lớn thương hiệu VNG
Theo Forbes, Tencent cũng đang là cổ đông lớn nhất của Garena (trụ sở ở Singapore, nay đổi tên thành Sea), startup có giá trị nhất Đông Nam Á và là một trong những công ty dẫn đầu thị trường game Việt Nam. Game Liên minh huyền thoại mà Garena đang gặt hái thành công tại Việt Nam là một trong những tựa game mà Tencent đang sở hữu. Tencent đang nắm 85% cổ phần của Riots Game, chính là nhà phát triển game Liên minh huyền thoại (League of Legends).
Giới phân tích cho rằng, với quyền kiểm soát việc phát hành game Liên minh huyền thoại như đã nêu trên, thì giá nhập game này về Việt Nam bao nhiêu là do Tencent quyết định. Do đó lợi nhuận của nhà phát hành game này tại Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào quyết định của Tencent. Giá đầu vào cao thì lợi nhuận cho nhà phát hành tại Việt Nam sẽ thấp, cho Tencent sẽ cao, và ngược lại. Hiện thị trường Việt Nam chỉ có Garena Vietnam độc quyền phát hành game Liên minh huyền thoại, và cũng là con bài chủ lực của công ty này.
Baidu
Baidu hiện là tập đoàn cung cấp dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên mạng lớn nhất Trung Quốc, với giá trị thương hiệu vào khoảng 218 tỷ nhân dân tệ. Giống như Tencent, Baidu cũng có những bước đi nhằm thâm nhập thị trường Việt Nam.
"Google Trung Quốc" đã đặt chân sang Việt Nam từ tháng 7/2012 và nhanh chóng vấp phải trở ngại đầu tiên. Theo đó, nhiều người dùng phản ánh rằng khi truy cập vào mạng xã hội "Baidu Trà đá quán" (thời điểm chưa được cấp phép) hoặc các website của Baidu thì đều được yêu cầu cài đặt thêm một số ứng dụng vào máy tính (dạng như những plug-in) để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ. Một số người dùng còn cho biết khi họ truy cập vào những trang này thì Windows hay trình duyệt đưa ra lời cảnh báo trang không an toàn; còn phần mềm diệt virus báo đã phát hiện có virus xuất hiện trong máy.
Giao diện của mạng xã hội Baidu Trà đá quán
Còn phần mềm nghe nhạc TTPlayer, một trong số những dự án của Baidu tại Việt Nam, cũng tự ý can thiệp vào máy tính của người dùng. Qua kiểm tra của phóng viên, hầu hết những dự án này đều âm thầm can thiệp vào máy tính thông qua việc cài đặt phần mềm, thay đổi trang chủ trên trình duyệt Internet... mà không cần tới sự cho phép của họ.
Sau đó vài tuần, Baidu chính thức giới thiệu mạng xã hội Tieba tại Việt Nam, nhưng ngay lập tức bị truyền thông và cộng đồng mạng chỉ trích bởi sử dụng tên gọi "Baidu Tieba" thay vì "Baidu Trà đá quán" như lần quảng cáo trước đó. Ngoài ra, mạng xã hội này sử dụng tên miền quốc tế thay vì tên miền .vn hay .com.vn và khi người dùng truy cập vào các tên miền trước kia của "Baidu Trà đá quán" thì đều được tự động trỏ về tên miền quốc tế tieba.
Bên cạnh đó, Baidu còn cung cấp dịch vụ hỏi đáp thông tin trực tuyến và mạng tìm kiếm, các dịch vụ tiện ích trực tuyến hao123. Tuy nhiên, các dịch vụ này đến nay hầu như không có người sử dụng tại Việt Nam.
Alibaba: Lazada và SF Express
Alibaba, với giá trị thương hiệu khoảng 240 tỷ nhân dân tệ, một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với thị phần tính riêng tại Trung Quốc đã lên tới gần 80%. Tại Mỹ, Alibaba đang nắm 5,6% cổ phần trong công ty nhóm mua Groupon, và cũng có cổ phần trong dịch vụ gọi xe Lyft (đối thủ lớn nhất của Uber tại Mỹ).
Tháng 4/2016, Alibaba thông báo đã đầu tư 1 tỷ USD vào công ty Lazada, nhằm mở rộng sang thị trường Đông Nam Á, với 6 thị trường trọng điểm là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Lazada đã bị Trung Quốc thâu tóm vào năm 2016
Alibaba đã bỏ ra 500 triệu USD vào các cổ phiếu mới phát hành của Lazada, và thêm 500 triệu để mua lại cổ phần từ các cổ đông trong Lazada. Với mức định giá của Lazada là khoảng 1,55 tỷ USD, và với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD thì Alibaba sẽ nắm trọn tới hơn 64% cổ phần tại Lazada.
Lazada được thành lập năm 2012 bởi Rocket Internet của Đức. Riêng tại thị trường Việt Nam, Lazada là sàn thương mại điện tử lớn nhất, cung cấp sản phẩm trên nhiều ngành hàng khác nhau như nội thất, điện thoại máy tính bảng, thời trang và phụ kiện, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, đồ chơi và đồ dùng thể thao.
Đầu năm 2017, Lazada Việt Nam công bố đẩy mạnh dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Liền sau đó, SF Express, "gã khổng lồ vận chuyển" từng được Alibaba khởi xướng từ năm 2013 với cái tên Cainiao Network, cũng công bố kế hoạch mở rộng sang thị trường Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
SF Express chuyên kinh doanh mảng giao hàng xuất nhập khẩu cấp tốc cho các cá nhân và doanh nghiệp địa phương. Đơn vị này hiện đã có dịch vụ xuất hàng từ Việt Nam đi Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Canada và Úc. Hiện tại, doanh nghiệp này có 36 máy bay vận tải, khoảng 15.000 xe các loại và gần 80.000 nhân viên giao hàng. Tính đến năm 2016, lãi ròng của SF Express đã hơn 600 triệu USD và được mệnh danh là "FedEX Trung Quốc".
Kingsoft
Công ty phần mềm Kingsoft được thành lập năm 1989 bởi Lei Jun (CEO Xiaomi), có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm 2007, tại Việt Nam, Kingsoft lần đầu ra mắt phần mềm văn phòng Kingsoft Office (nay có tên WPS Office), bộ phần mềm diệt virus và một loạt game online.
Giao diện phần mềm Writer trong bộ WPS Office
Mặc dù giá bán rẻ hơn so với Microsoft (bộ WPS Office có giá bản quyền rẻ hơn 5 triệu đồng) nhưng tình hình kinh doanh của KingSoft cả phần mềm văn phòng và diệt virus xem ra là ảm đạm. Các phần mềm diệt virus của Kingsoft cũng gần như không còn được Kingsoft phát triển, bởi phiên bản mới nhất cũng đã ra mắt từ năm 2011. Đại diện kinh doanh của Pacisoft cho biết hiện công ty đã bán được khoảng 5000 license của WPS Office tại thị trường Việt Nam, các khách hàng lớn nhất có thể kể tới là VNPT và Vinaphone. Tuy vậy Pacisoft hiện chưa có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh tình hình kinh doanh của WPS Office.
Có lẽ thành công lớn nhất của Kingsoft tại Việt Nam là ở mảng game. Trong nhiều năm qua, công ty đã giới thiệu một loạt các tựa game trực tuyến như Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế, Chùy thử tam quốc, Linh vực… Trong đó chỉ tính riêng tựa game Võ lâm truyền kỳ dù đã có hơn 10 năm tuổi nhưng vẫn mang lại doanh thu 60 tỷ đồng/năm cho nhà phân phối VNG.
Didi Chuxing
Didi Chuxing là kết quả của sự sát nhập giữa 2 hãng taxi lớn tại Trung Quốc là Didi Dache và Kuaidi Dache hồi đầu năm 2015. Dù vậy, startup có tuổi đời khá trẻ này lại là một đại gia thực sự trong lĩnh vực ứng dụng đặt xe và cho thuê xe tư.
Sau khi mua lại Uber Trung Quốc hồi tháng 8/2016, DiDi Chuxing chiếm tới 99% thị phần nội địa, cung cấp khoảng 11 triệu chuyến xe một ngày và giá trị thương hiệu ước tính khoảng 238 tỷ nhân dân tệ. Những nhà đầu tư lớn nhất của DiDi Chuxing có thể kể tới là Tencent, Alibaba và Apple.
Cùng thời điểm này, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp chiếc xe gắn mác Didi Vietnam chạy trên đường phố Hà Nội. Điều đó khiến cho nhiều người tin rằng, startup của Trung Quốc sẽ nhảy vào thị trường Việt Nam. Tuy vậy phía Didi Chuxing đã bác bỏ nguồn tin này.
Bức ảnh gây tranh cãi về việc Didi Chuxing hoạt động tại Việt Nam.
Một thời gian sau, Didi Chuxing tiếp tục đầu tư hơn 600 triệu USD vào Grab, dịch vụ chia sẻ chuyến đi rất nổi tiếng tại Việt Nam có trụ sở ở Malaysia. Sau thương vụ này, có thể coi DiDi Chuxing đã trở thành "người nhà" của Grab khi là cổ đông lớn thứ 2 của dịch vụ gọi xe này, sau SoftBank.
Didi Chuxing là đơn vị dẫn đầu cùng Softbank trong vòng huy động mới của ứng dụng chia sẻ xe Grab. Đây được cho là bước đi đầy áp lực dành cho Uber.
Về phần mình. Grab đặt chân vào Việt Nam từ tháng 2/2014 với tên gọi GrabTaxi. Sau 3 năm cạnh tranh với Uber tại Việt Nam, dường như lợi thế đang nghiêng về phía Grab. Trong khi phải tới tháng 4/2017 Uber mới được thừa nhận pháp lý tại Việt Nam thì đề án thí điểm của Grab đã được Bộ GTVT chấp thuận từ đầu năm 2016.
Grab, từ chỉ gói gọn trong dịch vụ taxi, nay đã phát triển tới 4 mô hình vận tải, gồm GrabTaxi (bao gồm cả taxi và xe không nhãn giống Uber), GrabCar, GrabBike và GrabExpress (chở hàng) tại thị trường Việt Nam. Ước tính Grab hiện có hàng chục ngàn tài xế (cả xe máy, ô tô) tại thị trường Việt Nam.
Huawei, Oppo, Vivo, Lenovo, Meizu
Bên cạnh các công ty phần mềm, dịch vụ trực tuyến, thị trường Việt Nam cũng đón nhận nhiều sản phẩm di động từ các công ty phần cứng Trung Quốc, có thể kể tới những cái tên như Oppo, Huawei, Xiaomi, Lenovo, Oppo, Vivo… Vào thời điểm mới gia nhập thị trường Việt Nam, hầu như tất cả các thương hiệu smartphone Trung Quốc đều áp dụng chung một chiến thuật: bán sản phẩm cấu hình cao với giá thành rẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi phải bỏ một lượng tiền lớn cho quảng cáo và truyền thông, giá thành các smartphone Trung Quốc đã tăng cao hơn.
Oppo có độ phủ sóng lớn tại thị trường Việt Nam
Trong số các công ty điện thoại kinh doanh ở Việt Nam, thành công nhất là Oppo. Công ty này không tiếc tiền chi cho quảng cáo: Ồ ạt xuất hiện trên truyền hình, mạng xã hội, báo chí, thuê các nghệ sĩ ăn khách nhất trong giới giải trí làm đại diện, mở mạng lưới bán hàng từ thành thị đến nông thôn... Kết quả là theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GFK, tính đến tháng 8/2016, Oppo đã chiếm 27,2% thị phần smartphone Việt Nam, sau Samsung với 35,4% thị phần, tiếp sau đó là Apple với 7,1% thị phần. Cộng cả 3 hãng lớn thì thị phần chiếm đến 70% tổng thị trường smartphone, đẩy hàng chục thương hiệu khác về mức 30%.
Các công ty Huawei và ZTE từ lâu là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn cho các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Tuy nhiên, về mảng smartphone thì các công ty này cùng những tên tuổi khác như Xiaomi, Lenovo, Meizu... lại không thu hút được sự chú ý nhiều, một phần do không chi nhiều cho các hoạt động quảng bá.
Những năm gần đây, không thể phủ nhận chất lượng sản phẩm, dịch vụ hàng hoá công nghệ Trung Quốc đã được cải thiện dần dần. Tuy nhiên, những rào cản về tâm lý của người tiêu dùng đối với hàng Trung Quốc vẫn còn, và những lo lắng, e ngại của người dùng Việt cũng không phải là không có căn cứ. Nhất là có nhiều vụ việc liên quan đến lén theo dõi, lấy thông tin người dùng gửi về Trung Quốc. Đơn cử như website Baidu cài phần mềm vào máy tính người dùng, Wechat và điện thoại Xiaomi chứa bản đồ hình lưỡi bò, máy tính Lenovo và hơn 30 thương hiệu khác của Trung Quốc (SoftWinners, RockChip, WorryFree…) cài sẵn phần mềm gián điệp ngay từ khi xuất xưởng, hay như điện thoại Redmi Note... bí mật gửi thông tin theo dõi người dùng đến máy chủ đặt tại Trung Quốc.
Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư