Trước bê bối vô cùng nghiêm trọng liên quan đến Cambridge Analytica, Facebook và 50 triệu tài khoản người dùng, mạng xã hội lớn nhất hành tinh mới đây đã tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp mạnh tay với những nhà phát triển cố tình lách luật.
Theo Businessinsider, sở dĩ Facebook phải có động thái mạnh tay như vậy vì ngày càng có nhiều nhà phát triển đi quá đà, bất chấp những chính sách nghiêm ngặt của Facebook.
Đơn cử như trường hợp của Aleksandr Kogan, nhà nghiên cứu tại ĐH. Cambridge, người đã tạo ra ứng dụng thu hút khoảng 300 ngàn người sử dụng. Ứng dụng này yêu cầu người dùng phải cung cấp các dữ liệu về bản thân, bạn bè của họ.
Điều đáng nói là Kogan đã bán số dữ liệu ông thu thập được cho công ty Cambridge Analytica, tức bên thứ ba, bất chấp vi phạm chính sách. Kết quả là vụ bê bối thu thập tới 50 triệu tài khoản Facebook bất ngờ bị phanh phui và kéo theo rất nhiều bên liên quan phải chịu trách nhiệm.
Trước sức ép từ dư luận, giới chức Mỹ và Châu Âu, cuối cùng ông chủ Facebook cũng xuất hiện và khẳng định sẽ vạch ra những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng lạm dụng dữ liệu cá nhân. Một trong những giải pháp đáng chú ý là việc Facebook sẽ tạo sức ép không hề nhỏ tới các nhà phát triển.
Dưới đây là những biện pháp mạnh tay mà Facebook sẽ áp dụng với các nhà phát triển trong thời gian tới.
- Thanh lọc ứng dụng có nghi vấn lạm dụng dữ liệu cá nhân
Facebook đang lên kế hoạch kiểm tra toàn bộ các ứng dụng đã truy cập vào cơ sở dữ liệu người dùng, trước khi mạng xã hội này có sự thay đổi đầu tiên vào năm 2014 nhằm hạn chế quyền truy cập dữ liệu cá nhân.
Facebook hứa hẹn sẽ sớm thông báo tới tất cả người dùng từng bị thu thập dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Facebook sẽ tiến hành thanh lọc và xóa bỏ các ứng dụng có biểu hiện lạm dụng dữ liệu cá nhân.
- Hạn chế quyền truy cập dữ liệu cá nhân của nhà phát triển
Trong thời gian tới, các ứng dụng bên thứ ba sẽ chỉ truy cập được tên, ảnh đại diện, địa chỉ email của người dùng. Với các thông tin khác, nhà phát triển sẽ phải có giấy phép từ Facebook. Đặc biệt, các ứng dụng mà người dùng không còn dùng trong vòng 3 tháng sẽ bị Facebook "cắt" quyền truy cập dữ liệu.
- Trao quyền được biết nhiều hơn cho người dùng
Để quyền lợi của người dùng được đảm bảo tối đa, Facebook sẽ sớm cung cấp một công cụ trên News Feed, cho phép mọi người có thể vô hiệu hóa các ứng dụng mà họ từng cấp quyền truy cập dữ liệu cá nhân trước đây.
Bên cạnh đó, Facebook sẽ treo thưởng nóng cho những cá nhân tìm được lỗ hổng bảo mật liên quan đến các ứng dụng bên thứ ba đang lạm dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.
Những thay đổi quyền riêng tư mới nhất của Facebook được kỳ vọng sẽ xoa dịu làn sóng dư luận ngày càng lớn. Tuy nhiên, Facebook hay các nhà phát triển cũng chính là người phải chịu tác động không hề nhỏ.
Vụ bê bối liên quan đến Cambridge Analytica khiến lòng tin của người dùng về Facebook ngày càng suy giảm
Theo hãng phân tích Marketingdive, những biện pháp hạn chế truy cập dữ liệu có thể ảnh hưởng rất lớn tới sức sáng tạo của các nhà phát triển ứng dụng. Bởi lẽ các ứng dụng Facebook phụ thuộc phần lớn vào lượng dữ liệu cá nhân của người dùng.
Thêm vào đó, biện pháp mới của Facebook nhiều khả năng sẽ khiến tốc độ phát triển nội dung mới chậm đi trông thấy do các nhà phát triển phải chờ Facebook cấp quyền truy cập cho họ.
Nhưng trên hết, việc đề cao sự riêng tư và bảo mật của Facebook trong lúc này là hướng đi sáng suốt hơn bao giờ hết bởi lẽ, người dùng mạng xã hội rất quan tâm tới việc dữ liệu cá nhân của họ có bị thu thập hoặc giao dịch trái phép hay không.
Theo một khảo sát của trang The Verge thực hiện vào cuối tháng 10/2017, có khoảng 57% người dùng trả lời không tin tưởng vào Facebook, 49% cho rằng Facebook đang xậm phạm quyền riêng tư của họ và 31 % khẳng định, Facebook đang đòi hỏi quá nhiều thông tin của họ.
Số lượng người dùng Facebook hoạt động hàng ngày tại Mỹ và Canada lần đầu tiên giảm từ mức 185 triệu xuống 184 triệu người dùng vào Q4/2017. Rõ ràng, nếu muốn duy trì và phát triển, Facebook sẽ buộc phải đặt người dùng lên trên hết.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư