Những scandal bảo mật rúng động năm 2016

Giới công nghệ chưa bao giờ được an bình và năm 2016 cũng không phải ngoại lệ với hàng loạt sự cố bảo mật làm đau đầu nhiều người trong cuộc.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Từ vụ hack Yahoo lớn nhất lịch sử công nghệ tới nạn phần mềm tống tiền trở thành trào lưu, giới ngân hàng như ngồi trên chảo lửa bởi hệ thống giao dịch bị tấn công (hack)… đã vẽ lên bức tranh bảo mật không mấy sáng sủa trong năm qua.

Cơn địa chấn Yahoo

Hồi đầu tháng 9-2016, Yahoo đã khiến cả giới công nghệ phải sốc khi tiết lộ ít nhất 500 triệu tài khoản người dùng đã bị tin tặc xâm nhập.

Tại thời điểm đó, vụ xâm phạm an ninh này được coi là sự kiện đánh cắp dữ liệu cá nhân lớn nhất trong lịch sử công nghệ.

Yahoo sau đó tiếp tục tiết lộ rằng vụ hack thực tế đã xảy ra từ năm 2014, và chỉ bị phát hiện vào năm 2016. Điều đó có nghĩa tin tặc đã ra vào hệ thống của công ty này như đi chợ.

Thế nhưng, cơn ác mộng thực sự vẫn chưa kết thúc bởi giữa tháng 12 này, Yahoo tiếp tục gây sốc khi công bố về một vụ hack cực lớn vào khoảng tháng 8-2013.

Vụ hack Yahoo có quy mô lớn nhất lịch sử ngành công nghệ.

Các tin tặc khi đó đã lấy đi dữ liệu của khoảng 1 tỷ khách hàng Yahoo, gấp đôi quy mô vụ hack công bố hồi tháng 9 trước. Điều đó cho thấy số phận người dùng trong thời đại kỹ thuật số luôn trong thế ngàn cân treo sợi tóc.

Vấn nạn phần mềm tống tiền

Một trong những vấn đề bảo mật nổi cộm trong năm 2016 là nạn mã hóa dữ liệu tống tiền. Tin tặc sử dụng phần mềm chuyên dụng để mã hóa tệp tin của nạn nhân, sau đó đòi tiền chuộc rồi mới "trao trả" dữ liệu.

Một loạt các phần mềm tống tiền được chỉ mặt điểm tên bao gồm: Locky, DMA Locker, Surprise, và một biến thể có tên Ranscam – lấy tiền chuộc nhưng lại xóa luôn cả dữ liệu.

Thậm chí có cả phần mềm tống tiền trên di động. Tháng 7-2016, các nhà nghiên cứu bảo mật phát hiện một biến thể của Locky có thể hoạt động ngay cả khi thiết bị đang offline (không kết nối internet).

Bắt cóc, tống tiền trở thành trao lưu trong giới bảo mật.

Một nghiên cứu công bố tháng 8-2016 của Malwarebytes cho biết quá nửa doanh nghiệp tại Mỹ từng là nạn nhân của phần mềm tống tiền.

“Dội bom” hệ thống tên miền Internet

Tháng 10-2016, một mạng botnet cỡ lớn đã tấn công từ chối dịch vụ DDoS vào Dyn, nhà cung cấp hệ thống tên miền lớn của thế giới.

DNS là hệ thống định tuyến trang web giúp phân giải các trang web kiểu như google.com thành địa chỉ giao thức Internet như 172.217.21.110 để máy tính có thể đọc được.

Nếu không có DNS, trình duyệt web không thể tìm thấy website mà người dùng muốn tìm. Đợt tấn công DDoS nhắm vào Dyn đã khiến hàng loạt trang web lớn như Twitter, GitHub, và Netflix bị sập cả ngày.

Mạng máy tính ma (botnet) dùng để tấn công Dyn ở trên được tạo ra từ khoảng 100.000 thiết bị kết nối gia đình, chủ yếu là webcam và đầu ghi hình số DVR bị nhiễm phần mềm độc hại Mirai.

Apple bỏ rơi QuickTime

Từng một thời là “con cưng” của Apple và là một trong những phần mềm không thể thiếu trên PC, thậm chí đóng vai trò quan trọng thời kỳ đầu xem video trên iTunes, nhưng QuickTime vẫn không tránh khỏi số phận hẩm hiu.

Hồi đầu năm nay, sau khi phát hiện hai lỗ hổng nghiêm trọng trong phần mềm này, Apple đã quyết định ngừng hỗ trợ QuickTime cho Windows. Điều đó có nghĩa nếu bạn vẫn cài đặt QuickTime trên Windows thì hãy nên gỡ bỏ nó ngay lập tức.

Đánh cắp thẻ tín dụng dễ như bỡn

Các biện pháp bảo mật thẻ tín dụng xem chừng không an toàn như bạn vẫn nghĩ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle, Anh đã phát hiện ra cách thức đoán biết số CVV trên thẻ tín dụng dễ như trở bàn tay.

Có được số CVV, kẻ xấu có thể mở khóa các mã bí mật trên thẻ tín dụng và coi như toàn bộ tài khoản của bạn đã nằm trong tay kẻ khác. Với phương pháp của các chuyên gia bảo mật trên, chỉ cần vỏn vẹn 6 giây là đã thực hiện được điều này.

Bạn nên cẩn thận với thẻ tín dụng của mình.

Mạng máy tính Đảng Dân chủ Mỹ bị hack

Từ vụ hack này, Wikileaks đã tiết lộ tài liệu bao gồm 20.000 e-mail và hàng nghìn tài liệu của các nhân viên Ủy ban Quốc gia Dân chủ Mỹ.

Những tiết lộ đó đã dẫn tới nhiều scandal sau đó, chẳng hạn người ta biết về nỗ lực chống đối của DNC với chiến dịch ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton của Bernie Sanders. Chủ tịch DNC, Debbie Wasserman Schultz, đã buộc phải từ chức sau sự cố này.

Một nhóm hacker tự xưng là Guccifer 2.0 đã lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng các nhà điều tra người Mỹ tin rằng thủ phạm thực sự đằng sau có liên quan tới người Nga.

Cuộc chiến Apple - FBI

Tháng 12-2015 đã xảy ra vụ tấn công khủng bố tại San Bernardino, California, làm 14 người chết và bị thương 22 người. Đầu năm 2016, FBI đã yêu cầu Apple trợ giúp mở khóa chiếc iPhone mà kẻ khủng bố (đã bị bắn chết) sử dụng, nhưng Apple từ chối.

FBI phải trả 1,3 triệu USD tiền công mở khóa iPhone.

Căng thẳng giữa Apple và FBI leo thang cho đến khi cả hai kéo nhau ra tòa. Phiên tòa đang diễn ra thì FBI bỏ ngang vì có người giúp mở khóa chiếc iPhone. Có tin, FBI đã phải trả 1,3 triệu USD để mở khóa chiếc iPhone này.

NSA lộ mặt

Tháng 8-2016, một nhóm tin tặc ẩn danh tên là Shadow Brokers tuyên bố có trong tay các công cụ hack từ Equation Group, một tổ chức gián điệp mạng có liên quan tới Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Shadow Brokers cho biết, các công cụ tấn công trên được thiết kế cực kỳ tinh vi có khả năng lây nhiễm vào firmware thiết bị và nằm yên trong đó ngay cả khi hệ điều hành được cài mới hoàn toàn.

SWIFT bị hack, các ngân hàng lớn thế giới báo động khẩn

Một vụ đánh cắp 81 triệu USD từ ngân hàng Bangladesh có liên quan tới phần mềm giao dịch SWIFT đã làm rúng động giới ngân hàng.

Cuối tháng 5-2016, hàng chục ngân hàng lớn trên khắp thế giới đã lập đội điều tra xem hệ thống SWIFT có phải đã bị bẻ khóa hay không.

Tháng 7-2016, tổ chức vận hành hệ thống SWIFT đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ giới bảo mật bên ngoài để tăng cường khả năng an toàn cho hệ thống giao dịch này.

Theo Người Lao động