Những quốc gia xả rác nhiều nhất trên vũ trụ

VietTimes – Không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn mà tàu vũ trụ mang lại cho loài người, nhưng chính những con tàu này và hoạt động của con người trên vũ trụ đang làm bẩn không gian rộng lớn. Số rác thải này sẽ gây ra nhiều nguy cơ đối với các con tàu vũ trụ. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có trách nhiệm và biện pháp giải quyết.
Minh họa tàu vũ trụ ATV của châu Âu phát nổ và bị đốt cháy khi rơi vào bầu khí quyển trái đất (ESA/D. Ducros)

- Có hơn 4.600 vệ tinh di chuyển quanh quỹ đạo trái đất, cùng với hơn 14.000 mảnh tên lửa cũ và các mảnh vỡ tàu vũ trụ.

- Mỹ là quốc gia chủ yếu xả ra các mảnh vỡ trên vũ trụ, tiếp đến là Nga và Trung Quốc.

- Các chuyên gia lo ngại rằng nếu không dọn sạch lượng rác thải trên vũ trụ này có thể dẫn đến số lượng ngày càng tăng các vụ va chạm và ảnh hưởng hiển nhiên mà số rác này có thể gây ra khi con người bay lên vũ trụ.

- Bất cứ thời điểm nào đi nữa, cũng có hàng ngàn vệ tinh di chuyển dày đặc ở các độ cao từ vài trăm dặm cho đến hàng chục ngàn dặm trên đầu chúng ta.

Nhưng trong số những vật thể nhân tạo trên vũ trụ lớn hơn nắm đấm bàn tay, thì các vệ tinh trên quỹ đạo chiếm tỷ lệ thứ yếu. Khoảng 95% số vật thể trên vũ trụ là rác, các trạm vũ trụ đã hết hoạt động, các mảnh tên lửa đã qua sử dụng, các vệ tinh chết, các công cụ mà các nhà du hành làm rơi và nhiều thứ nữa.

Số rác thải vũ trụ nguy hiểm này đang di chuyển nhanh hơn khoảng 10 lần tốc độ của đầu đạn và mất một thời gian dài để va chạm lại với trái đất.

“Các mảnh vỡ này có thể tồn tại hàng trăm năm ở trên vũ trụ”, Bill Ailor, một kỹ sư tàu vũ trụ và là một chuyên gia nghiên cứu các vật quay trở lại bầu khí quyển, cho tờ Business Insider biết.

Tình trạng ngày càng tồi tệ

Chỉ một vụ va chạm trong vũ trụ cũng có thể tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ mới di chuyển với tốc độ rất nhanh, nằm ngoài kiểm soát và sẽ đe dọa đến các tàu vũ trụ khác. Đồng thời, có lẽ có đến 170 triệu mảnh vỡ kích thước lớn hơn 1 milimet – như là những vết sơn lốm đốm và nhiều mảnh bu lông văng ra – di chuyển quanh quỹ đạo trái đất với tốc độ hàng chục ngàn dặm mỗi giờ, theo Cơ Quan hàng không vũ trụ châu Âu cho hay.

“Nhiều quốc gia trong những năm qua đã thấy được rằng khi họ gây ra rác trên vũ trụ, đó sẽ là một nguy cơ cho chính các hệ thống của họ cũng như cho các quốc gia khác”, Ailor, một chuyên gia làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận Aerospace Corporation nói.

Biểu đồ dưới đây do Business Insider vẽ bằng cách sử dụng số liệu từ trang SpaceTrack.org, thể hiện 10 quốc gia có số vật thể bay quanh trái đất lớn nhất tại thời điểm tháng 10.2017.

Nguồn: Business Insider

Biểu đồ này thể hiện Nga đang là quốc gia có số vật thể bay lớn nhất trên vũ trụ, với hơn 6.500 vật thể. Tuy nhiên, Nga không phải là quốc gia gây ra số lượng rác vũ trụ lớn nhất, được thể hiện bằng màu đỏ.

Mỹ đang giữ danh hiệu là quốc gia bẩn nhất trên vũ trụ hiện nay, và cũng chỉ lớn hơn Nga một chút. Nga hiện có 3.961 mảnh vỡ vũ trụ có thể phát hiện được so với Mỹ là 3.999 các mảnh rác do các hoạt động trên vũ trụ của họ gây ra.

Trung Quốc chỉ mới khởi động chương trình vũ trụ của họ, nhưng quốc gia này đã chiếm vị trí thứ 3 về xả rác vũ trụ với 3.475 mảnh vỡ. Nguyên nhân là bởi năm 2007, quốc gia này đã phá hủy một trong những vệ tinh của họ trong một thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh của mình.

Chính thử nghiệm đầy tranh cãi này ngay lập tức tạo ra đến hơn 2.300 mảnh vỡ theo dõi được, hơn 35.000 mảnh vỡ lớn hơn ngón tay cái, và có lẽ cả hàng trăm ngàn mảnh quá nhỏ không thể theo dõi được.

Làm thế nào để dọn sạch rác ngoài vũ trụ?

Đưa các tàu vũ trụ cũ ra khỏi quỹ đạo là yếu tố then chốt để ngăn chặn sự hình thành rác trong vũ trụ, và nhiều cơ quan và tổ chức hàng không vũ trụ hiện nay đang phát triển tàu vũ trụ với các hệ thống để đưa chúng ra khỏi quỹ đạo.

Nhưng ông Ailor và nhiều người khác đang rất mong muốn thúc đẩy phát triển các công nghệ và phương pháp mới có thể tìm kiếm, thu được, và kéo, hoặc dọn dẹp các mảnh vỡ cũ đang tiếp tục tăng lên và tạo ra mối đe dọa cho con người.

“Tôi đã đề xuất một số giải thưởng như là XPRIZE hoặc Grand Challene, ở đó sẽ tôn vinh cá nhân xác định được 3 tàu vũ trụ và tặng một giải thưởng cho tổ chức dọn sạch được chúng”, ông nói.

Mô phỏng lượng rác thải trên vũ trụ (Ảnh ESA)

Mục đích cơ bản là nhằm ngăn chặn tình trạng đến mức cảnh báo, hay còn được gọi là Hội chứng Kessler: khi có quá nhiều vật thể bay trên vũ trụ, một vụ va chạm dẫn đến nhiều vụ khác và các vụ va chạm này thậm chí lại dẫn đến nhiều vụ va chạm dây chuyền nữa – không gian vũ trụ đầy rác với quá nhiều mảnh vỡ trở nên cực kỳ nguy hiểm khi con người rời trái đất bay vào vũ trụ.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề rác vũ trụ lại là từ con người.

“Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Ý tưởng quyền sở hữu trở thành một nhân tố thực sự ở đây. Ví dụ, không có quốc gia nào khác có quyền động đến một vệ tinh của Mỹ. Và nếu chúng ta tiến lại đằng sau một vệ tinh… đó thậm chí có thể được coi là một hành động gây chiến”, ông Ailor nói.

Ông Ailor nói một số người cần phải có trách nhiệm đưa các quốc gia cùng chung tay đồng thuận ký một hiệp ước thể hiện rõ ràng các quyền giải quyết, xử lý rác thải vũ trụ đối với những vật thể đã chết hoặc không được kiểm soát ngoài vũ trụ, giống như luật về sử dụng các đại dương.

“Điều này cần phải trở thành một vấn đề mà ở đó các quốc gia và các tổ chức thương mại có quyền đi sau nó”, ông nói.