Nigeria
Vào tháng 6/2021, Nigeria đã ra lệnh cấm Twitter sau khi mạng xã hội này xóa một đoạn tweet của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari.
Vài tháng trước khi có lệnh cấm, Twitter đã chọn Ghana làm địa điểm đặt văn phòng đầu tiên ở châu Phi, bỏ qua thị trường tiềm năng Nigeria, vì thế điều này khiến Nigeria “không hài lòng”.
|
anh cover.jpg |
Tuy nhiên, vào ngày 13/1, Nigeria đã dỡ bỏ lệnh cấm này sau khi Twitter đồng ý đáp ứng một số điều kiện, bao gồm việc mở văn phòng tại địa phương, bổ nhiệm đại diện ở quốc gia và phải trả thuế nội địa.
Trong khi Nigeria hiện có thể truy cập Twitter mà không cần sử dụng mạng riêng ảo (VPN), một số quốc gia khác vẫn tiếp tục chặn quyền truy cập vào các trang mạng xã hội chính thống.
Trung Quốc
Facebook và Twitter đã bị chặn ở Trung Quốc từ năm 2009. Ngoài Facebook, WhatsApp và Instagram cùng thuộc công ty mẹ Meta cũng bị chặn tại quốc gia này. Việc Trung Quốc hạn chế các nền tảng truyền thông nước ngoài và kiểm duyệt chặt chẽ được mệnh danh là Vạn lý tường lửa (Great Firewall).
WeChat, một hệ thống nhắn tin đa năng do Tencent phát triển, là giải pháp thay thế được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Ứng dụng nhận được nhiều hậu thuẫn từ chính phủ kể từ khi ra mắt vào năm 2011.
WeChat độc quyền về thông tin người dùng với hàng triệu mini-app trong đó. Mini-app là các ứng dụng có dung lượng nhỏ có thể chạy ngay trên giao diện của ứng dụng chính, thực hiện các chức năng như thanh toán hóa đơn, đặt lịch hẹn với bác sĩ hay nộp phiếu lý lịch tư pháp. Vào năm 2017, WeChat đã tiết lộ kế hoạch phát triển chứng minh thư điện tử thay thế cho thẻ căn cước giấy.
Mặc dù ứng dụng chia sẻ video TikTok được phát triển bởi công ty ByteDance của Trung Quốc, người dùng Trung Quốc không thể tải bản quốc tế TikTok thông thường, thay vào đó sử dụng bản “song sinh” Douyin. Douyin giống hệt TikTok từ giao diện đến tính năng, có thêm các hạn chế như chặn nội dung quốc tế và giới hạn trẻ em sử dụng.
Ấn Độ
Khi TikTok ra mắt ở Ấn Độ vào năm 2016, quốc gia này đã trở thành một trong những thị trường lớn nhất của ByteDance, sau Trung Quốc. Theo dữ liệu được công bố vào tháng 4/2020, 30% lượt tải xuống của TikTok đến từ Ấn Độ. Ứng dụng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khu vực, giúp nhiều người trong nước có thể dễ dàng truy cập.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2020, Ấn Độ đã cấm TikTok cùng với 58 ứng dụng di động khác, với lý do các ứng dụng này gây ảnh hưởng đến các vấn đề như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng của quốc gia này.
Ứng dụng WeChat của Trung Quốc cũng bị chặn. ByteDance đã thu hẹp các hoạt động tại Ấn Độ, về cơ bản là rút khỏi quốc gia này kể từ lệnh cấm.
Iran
Facebook và Twitter đã bị cấm ở Iran kể từ năm 2009. Một số người dùng đã “lách luật” bằng cách sử dụng các mạng ảo cá nhân (VPN) để truy cập, việc này có thể bị coi là phạm tội nếu bị phát hiện. Vào năm 2020, Iran tuyên bố đang hợp tác với Trung Quốc để tạo ra một mạng Internet toàn quốc của Iran, có thể đưa ra các biện pháp kiểm soát giống với Great Firewall của Trung Quốc.
Triều Tiên
Triều Tiên chính thức chặn Facebook và Twitter vào năm 2016, đồng thời thông báo rằng bất kỳ ai cố gắng truy cập hay chia sẻ những dữ liệu tiêu cực sẽ bị phạt nặng.
Trước khi có lệnh cấm, rất ít người Triều Tiên có quyền truy cập vào web toàn cầu và hầu hết bị giới hạn trong mạng nội bộ. Việc chính thức chặn các trang mạng xã hội gây khó khăn với những người nước ngoài khi chia sẻ thông tin từ Triều Tiên ra thế giới bên ngoài.
Turkmenistan
Quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ cấm các nền tảng truyền thông xã hội của phương Tây cũng như các mạng phổ biến của Nga. Ngoài việc chặn Facebook và Twitter, Turkmenistan, quốc gia phần lớn theo đạo Hồi, yêu cầu công dân thề theo Kinh Qur'an khi đăng ký kết nối Internet tại nhà rằng họ sẽ không truy cập VPN. Học sinh được yêu cầu ký vào các tuyên bố cam kết không sử dụng Internet để truy cập các trang web bị cấm.
Theo Vietnamnet