Vấn đề đặt ra là còn bao nhiêu cái tên trong hệ thống 31 ngân hàng (không tính ngân hàng 0 đồng, bị kiểm soát và ngân hàng chính sách) vẫn duy trì lượng lãi dự thu lớn và chịu nhiều sức ép khi "deadline" áp dụng chuẩn Basel II đang cận kề.
Thước đo đong đếm nợ xấu
Tập hợp dữ liệu sau đây của Nhadautu.vn sẽ giúp bạn đọc có thêm góc nhìn về một chủ đề nhạy cảm của giới "buôn tiền".
Đầu tiên, phải hiểu lãi dự thu là lãi dự tính thu được trên một khoản vay theo hợp đồng tín dụng. Theo quy định của Bộ Tài chính, sau 6 tháng, lãi dự thu nếu chưa thu được hoặc khi chuyển nợ quá hạn thì phải thoái ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ngân hàng không chuyển nhóm nợ, và theo đó cũng không thoái lui lãi, với hai lý do: nợ xấu tăng cao và lợi nhuận suy giảm.
Bởi vậy, nhiều ngân hàng cứ "treo" lãi dự thu từ năm này qua năm khác. Giả dụ lãi dự thu tích tụ trong 3 năm với lãi suất 10%/ năm. Thì 100 đồng lãi dự thu sẽ tương ứng với khoảng 333 đồng nợ gốc. Điều nguy hiểm là số nợ gốc này theo quy định phải là nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn). Lãi dự thu càng lớn, sức khỏe tài chính của nhà băng đó càng cần lưu tâm.
Quý IV/2018, sau khi được phê duyệt phương án tái cơ cấu và áp lực Basel II đang ngày một lớn hơn, Vietinbank đã "cắn răng" cắt đứt "cục máu đông", thoái khoảng 7.500 tỷ đồng lãi dự thu cũng như chấp nhận để nợ xấu tăng mạnh (do chuyển nhóm nợ).
Tại ngày 31/12/2018, lãi phải thu của Vietinbank co về còn hơn 6.900 tỷ đồng, tương đương 0,59% tổng tài sản, là tỷ lệ thấp nhất hệ thống, còn hơn cả ngân hàng được đánh giá "khỏe" nhất là Vietcombank (0,69%). Con số này thể hiện tính toán của lãnh đạo Vietinbank: sẵn sàng lùi lại một bước để củng cố nền tảng, trước khi trở lại "đường đua" trong thời gian tới.
Tới cuối năm 2018, tổng tài sản của 31 ngân hàng (không tính ngân hàng 0 đồng, bị kiểm soát và ngân hàng chính sách) khoảng 9,3 triệu tỷ đồng, trong đó lãi dự thu gần 181.600 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 1,96% và gấp 2,4 lần tổng lợi nhuận sau thuế cả hệ thống ngân hàng tạo ra trong năm vừa qua.
Về phần mình, hai ngân hàng còn lại trong nhóm "Big 4" là BIDV và Agribank đều duy trì tỷ lệ lãi dự thu cao hơn tương đối, lần lượt là 0,91% và 1,05%. Nợ xấu nhiều năm trở lại đây vẫn là bài toán không dễ có lời giải với hai ngân hàng triệu tỷ nêu trên.
Trong khối các ngân hàng không có vốn nhà nước chi phối, 5 đơn vị có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản thấp hơn 1%, 15 nhà băng từ 1-3%, 7 ngân hàng trên 3%, trong đó có 3 cái tên vượt xa số còn lại là PVCombank, SCB và Sacombank.
"Vua" lãi dự thu
Sau 5 năm hợp nhất từ PVFC và Western Bank, dù đã nỗ lực rất nhiều song PVCombank vẫn gặp không ít khó khăn. Tới cuối Quý II/2018, lãi phải thu của nhà băng này là 12.378 tỷ đồng, tương đương 9,49% tổng tài sản; nghĩa rằng cứ 100 đồng tài sản thì có 9,49 đồng lãi dự thu, đi kèm với một lượng không nhỏ nợ gốc. Dĩ nhiên với đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, PVCombank sẽ được gia hạn phân loại nợ và thoái dần khoản lãi phải thu. Đây là một cơ sở cho thành viên của Tập đoàn PVN tăng tốc cải thiện trong thời gian tới.
Cũng là hợp nhất ngân hàng, nhưng trường hợp của SCB có nhiều khác biệt. Sau khi về cùng "một nhà" với Tín Nghĩa Bank và Đệ Nhất Bank cuối năm 2011, SCB lập tức trở thành nhà băng tư nhân có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống. Tuy nhiên, một lượng lớn tài sản lại là các tài sản "chết", tức là tài sản không sinh lời (dù vẫn phải trả chi phí tiền gửi), trong đó có lãi dự thu.
Tỷ lệ lãi phải thu trên tổng tài sản của SCB đã có thời điểm chạm đỉnh 18% (đầu năm 2014), trước khi giảm về 10% (cuối năm 2016) và 9,08% cuối Quý III/2018. Xu hướng này phần nào phản ánh những cố gắng xử lý nợ xấu của ban lãnh đạo SCB. Tuy nhiên chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan, khi mà con số tuyệt đối lãi dự thu vẫn tăng liên tục qua các năm, tới cuối Quý III/2018 đã lên mức 45.349 tỷ đồng, chiếm tới 1/4 tổng lãi phải thu của các hệ thống ngân hàng.
Với Sacombank, "gam màu" trở nên sáng hơn đáng kể từ sau khi có sự tham gia của ông Dương Công Minh với vai trò Chủ tịch HĐQT, cũng không thể bỏ qua chức năng giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Lãi dự thu của Sacombank giảm liên tục trong hai năm qua, từ 25.336 tỷ đồng đầu năm 2017 về còn 23.155 tỷ đồng cuối năm 2018. Tỷ lệ tương đối so với tổng tài sản giảm từ 7,6% về 5,7%.
Dĩ nhiên là thương số này vẫn còn rất cao so với mặt bằng chung, và nếu đặt cạnh tỷ lệ Tài sản có khác xấp xỉ 12%, không khó để thấy hơn ba năm còn lại trong nhiệm kỳ HĐQT Sacombank của "ông chủ" Him Lam Group hãy còn rất nặng nề.
(*) Số liệu sử dụng trong bài được khai thác từ báo cáo tài chính công bố năm 2018. Riêng Agribank và PVCombank lấy tới cuối tháng 6/2018, của SCB và Nam A Bank tính tới cuối tháng 9/2018.
Theo Nhadautu
Link gốc: https://nhadautu.vn/nhung-phien-ban-vietinbank-quy-iv-2018-d19274.html