|
Ông Đỗ Minh Phú phát biểu tại một đại hội cổ đông của TPBank sau khi tái cơ cấu thành công. Ảnh: TPB. |
Chủ tịch TPBank - Đỗ Minh Phú
Cái duyên làm "banker" đến với ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI khi Ngân hàng Tiên Phong (TPBank - tên cũ là TienPhongBank) đang khó khăn, nằm trong danh sách những nhà băng yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Với tiềm lực có sẵn nhờ thành công từ mảng kinh doanh vàng, ông Đỗ Minh Phú nhanh chóng đổ vốn vào, thay đổi lại bộ máy, ban điều hành và bắt tay tái cơ cấu lại toàn bộ TPBank.
Khi đó, nhiều người cho rằng doanh nhân sinh năm 1953 này đang "lao vào đá" khi lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng đã hết thời lãi "khủng" trước đây. Ngược lại, ông chủ DOJI lại cho rằng chính nhu cầu tái cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống đã giúp những doanh nhân như ông có cơ hội sở hữu tấm giấy phép kinh doanh ngân hàng, đặc biệt khi cơ quan quản lý gần như không cho phép mở mới nhà băng.
Chủ tịch KienLong Bank Võ Quốc Thắng
Cũng như ông Đỗ Minh Phú, ông Võ Quốc Thắng (người hay được biết đến với tên gọi Bầu Thắng) chưa từng kinh doanh ngân hàng cho tới khi ông xuất hiện tại Đại hội cổ đông năm 2013 của Ngân hàng Kiên Long (KienLong Bank) rồi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
|
BầuThắng quyết định lấn sân thêm mảng ngân hàng khi là Chủ tịch KienLong Bank. |
Lý giải về quyết định bỏ vốn vào ngân hàng, vị doanh nhân từng là Đại biểu Quốc hội cho rằng ông muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, sự tham gia vào KienLong Bank của Bầu Thắng được xem là một bước chuẩn bị cho con trai. Hiện Võ Quốc Lợi, con trai sinh năm 1988 của ông Võ Quốc Thắng đang là cổ đông cá nhân lớn thứ hai tại KienLong Bank với hơn 14 triệu cổ phần. Trong khi đó, ông Thắng vẫn không nắm cổ phần nào của ngân hàng dù đang là Chủ tịch.
Chủ tịch VietABank - Phương Hữu Việt
|
Chủ tịch VIetA Bank Phương Hữu Việt hiện là đại biểu quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Tương tự, ông Phương Hữu Việt cũng mới chính thức làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Á từ đầu năm 2011 khi cá nhân ông và Tập đoàn Việt Phương do ông làm chủ bỏ vốn vào nhà băng này trong tình cảnh ngân hàng đứng trước áp lực buộc phải tăng vốn lên trên 3.000 tỷ đồng.
Ông Phương Hữu Việt (sinh năm 1964) cũng là một trong những doanh nhân Việt thành danh từ Đông Âu. Tập đoàn Đầu tư Việt Phương của ông là cổ đông lớn nhất của VietABank với 36 triệu cổ phần. Hiện tổng số cổ phần ông Phương Hữu Việt và tập đoàn này nắm tại VietABank chiếm 17% vốn điều lệ của ngân hàng.
Ông Việt còn là đại biểu Quốc hội, từng là Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Ông Trầm Bê - Sacombank và Southern Bank
Khác với 3 doanh nhân trên, ông Trầm Bê hiện không là Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng nào nhưng lại được trong giới xem như ông chủ thực sự đứng sau Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Cái tên Trầm Bê được nhiều người nói đến sau cuộc đổi chủ đình đám mang hơi hướng bị thâu tóm của Sacombank năm 2012. Trước đó, ông vốn là một doanh nhân kỹ tính và kín tiếng, gần như không xuất hiện trên truyền thông.
|
Ông Trầm Bê vốn kín tiếng trước cuộc đổi chủ tại Sacombank năm 2012. |
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2015 của Sacombank cho thấy ông Trầm Bê đang là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, con trai Trầm Khải Hoà là thành viên Hội đồng quản trị. Tổng sở hữu của cá nhân ông Bê cùng các con trai, con gái và con rể là hơn 84,2 triệu cổ phần, tương đương 7% vốn điều lệ Sacombank. Trong khi đó tại Southern Bank, một người con trai khác của ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân đang là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng sở hữu của cả gia đình tại đây lên đến 21% vào thời điểm quý III năm 2013.
Giải quyết sở hữu chéo, quy hai nhà băng về một chủ cũng là một trong những lý do khiến cuộc sáp nhập của Sacombank - Southern Bank được thúc đẩy nhanh hơn.
Theo VnE