Những nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam

VietTimes – Không chỉ sở hữu khối tài sản khổng lồ, những nữ doanh nhân này còn có tầm ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam và được vinh danh trên trường quốc tế.

Nhân dịp Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, VietTimes gửi tới quý độc giả bài tổng hợp chân dung của những 'nữ tướng' thành đạt nhất trên thương trường Việt Nam hiện tại.

Anh hùng Lao động Thái Hương

Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất của giới doanh nhân Việt Nam. Bà Hương hiện là Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (Mã CK: BAB).

Trong các năm 2015 - 2016, bà Thái Hương liên tục góp mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn. Năm 2019, bà Thái Hương tiếp tục được vinh danh là nữ doanh nhân quyền lực ASEAN.

Ngoài ra, bà Thái Hương còn là nữ doanh nhân Việt Nam đầu tiên giành được giải vàng hạng mục “nữ doanh nhân của năm” của International Bussiness Awards thuộc hệ thống giải Stevie và được Forbes liệt vào danh sách người phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có tầm ảnh hưởng nhất 2022.

Đặc biệt, năm 2020, bà Thái Hương đã được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.

Bằng khát vọng cống hiến mãnh liệt, bà Thái Hương đã tìm ra 'chìa khoá vàng' cho nông nghiệp Việt Nam là công nghệ cao kết hợp với khoa học quản trị đan xen nhau, mở đầu là dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa” có tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD.

Trên cương vị thuyền trưởng của Tập đoàn TH, bà Thái Hương đã dẫn dắt tập đoàn này theo hướng xây dựng hệ sinh thái thực phẩm sạch và kiên trì theo đuổi những giá trị thực, vì sức khỏe và hạnh phúc con người.

Tập đoàn TH đã đưa người nông dân thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất hàng hóa đạt chất lượng quốc tế, làm cho người nông dân có quyền tự hào về mảnh đất của họ. Từ kinh nghiệm này bà tiếp tục đưa thương hiệu TH ra thế giới, kiến tạo những dự án ở Liên bang Nga và Úc.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện là nữ doanh nhân, nữ tỉ phú USD người Việt duy nhất được Forbes ghi nhận đến thời điểm hiện tại.

Bà Thảo hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch thường trực HDBank, Chủ tịch HĐQT Sovico Group.

Trên sàn chứng khoán, bà Thảo trực tiếp nắm giữ gần 75 triệu cổ phiếu HDB và 47,4 triệu cổ phiếu VJC. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny – doanh nghiệp do bà Thảo làm Chủ tịch – cũng sở hữu tới 154,7 triệu cổ phiếu VJC.

Tạm tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/10, lượng cổ phiếu HDB và VJC liên quan tới CEO Vietjet Air có tổng giá trị lên tới 23.238 tỉ đồng.

Cũng phải lưu ý rằng, con số nêu trên vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với khối tài sản 3,1 tỉ USD của bà Thảo được công bố theo số liệu thời gian thực của Forbes.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga

Bà Nguyễn Thị Nga, hay còn gọi là Madame Nga sinh năm 1955, là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Bà Nga từng theo học nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.

Hiện tại, bà Nguyễn Thị Nga là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn BRG – tập đoàn đa ngành hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sân golf, khách sạn; đồng thời cũng là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – Mã CK: SSB).

Madame Nga hiện trực tiếp nắm giữ 72,1 triệu cổ phiếu SSB. Bên cạnh đó, ông Lê Hữu Báu – chồng bà Nga – nắm giữ 69 triệu cổ phiếu SSB; ông Lê Tuấn Anh – con trai bà Nga – nắm giữ 44,7 triệu cổ phiếu SSB; bà Lê Thu Thủy – con gái bà Nga – nắm giữ 48 triệu cổ phiếu SSB.

Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ - pháp nhân do bà Nga làm Chủ tịch HĐTV – cũng sở hữu tới 103,3 triệu cổ phiếu SSB.

Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/10, lượng cổ phiếu SSB liên quan tới doanh nhân Nguyễn Thị Nga có tổng giá trị hơn 10.000 tỉ đồng.

Doanh nhân Mai Kiều Liên

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris (Pháp), được mệnh danh là “nữ tướng sữa” hay “người đàn bà thép”, hiện đang đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã CK: VNM).

Với tài năng kinh doanh cùng khả năng lãnh đạo xuất chúng, bà Mai Kiều Liên được bầu chọn là một trong những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư.

Bà Liên cũng là phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Năm 2019, bà còn được tạp chí Forbes vinh danh trong top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Hiện tại, bà Mai Kiều Liên sở hữu 6,4 triệu cổ phiếu VNM. Tính theo thị giá đóng cửa cổ phiếu VNM phiên giao dịch ngày 12/10 ở mức 71.600 đồng/cp, khối tài sản của bà Liên có giá trị khoảng 458 tỉ đồng.

Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung

Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957, được mệnh danh là “Nữ tướng vàng thời trang” với vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Mã CK: PNJ) và từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Dưới sự lãnh đạo của bà Dung, thương hiệu PNJ đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng nể ở cả thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, PNJ cũng là đơn vị kiểm nghiệm kim cương đạt chất lượng ngang tầm với nhà kiểm định hàng đầu tại Mỹ là GIA.

Nữ Chủ tịch PNJ hiện đang nắm giữ 6,67 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương với khối tài sản 700,7 tỉ đồng, tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu PNJ tại ngày 12/10 là 105.000 đồng/cp.

Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh

Sinh năm 1952, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được biết đến là Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh REE (Mã CK: REE). Bà Thanh gia nhập REE từ năm 1982 với vị trí kỹ sư, sau đó bà được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc REE khi mới 30 tuổi.

Một trong những bước ngoặt của REE dưới sự điều hành của bà Thanh là việc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản với Tòa nhà văn phòng E-town 1 (quận Tân Bình, TPHCM). Sau đó, REE tiếp tục đầu tư xây dựng tòa nhà E-town 2, 3, 4, lần lượt hoàn tất vào cuối năm 2006 và 2008.

Hiện tại, bà Nguyễn Thị Mai Thanh sở hữu hơn 43,3 triệu cổ phiếu REE. Số cổ phiếu này có giá trị thị trường khoảng 3.322 tỉ đồng, theo giá chốt phiên giao dịch hôm 12/10.

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh

Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961, được mệnh danh là “nữ hoàng” cá tra khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (Mã CK: VHC) – doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ cá tra, cá basa.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tài chính Kế toán TP. HCM, bà Khanh bắt đầu công tác tại Sở Tài chính tỉnh An Giang khi mới 23 tuổi. Hai năm sau, bà làm kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Đến năm 25 tuổi, bà Khanh làm Phó Giám đốc công ty này.

Năm 30 tuổi, bà Khanh chuyển sang làm Phó Giám Đốc Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang và làm trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Fideco ở tuổi 35.

Năm 1997, bà Trương Thị Lệ Khanh thành lập VHC. Đến năm 2007, công ty này chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và chính thức niêm yết cổ phiếu tại sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vào cuối năm đó.

Hiện tại, bà Trương Thị Lệ Khanh đang nắm giữ hơn 79 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ sở hữu 43,16% vốn điều lệ. Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/10, số cổ phiếu VHC của bà Khanh có giá trị khoảng 6.078 tỉ đồng.

Doanh nhân Phạm Thu Hương

Sinh năm 1969, bà Phạm Thu Hương được biết đến là vợ của tỉ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC).

Tại Vingroup, bà Hương đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, đồng thời đứng tên sở hữu gần 170 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 4,39% vốn điều lệ. Số cổ phiếu này có giá trị thị trường lên tới 10.196 tỉ đồng, tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu VIC tại ngày 12/10 là 60.000 đồng/cp.

Người em gái của bà Hương là bà Phạm Thúy Hằng cũng đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup. Cá nhân bà Hằng đứng tên gần 113,5 triệu cổ phiếu VIC, tương đương với khối tài sản trị giá 6.809 tỉ đồng.

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Yến

Bà Nguyễn Hoàng Yến sinh năm 1963, là phu nhân của ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan.

Giống như bà Phạm Thu Hương – vợ của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Hoàng Yến cũng là phu nhân hiếm hoi trực tiếp tham gia và điều hành doanh nghiệp cùng chồng.

Ngoài chức vụ thành viên HĐQT Tập đoàn Masan, bà Yến còn tham gia điều hành một loạt công ty thành viên trong hệ sinh thái Masan Group như CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – Mã CK: MCH), CTCP Masan, CTCP Masan PQ và là thành viên HĐQT CTCP VinaCafe Biên Hòa (VCF).

Bà Nguyễn Hoàng Yến hiện đang nắm giữ 50,8 triệu cổ phiếu MSN và 894.712 cổ phiếu MCH. Số cổ phiếu này có tổng giá trị thị trường khoảng 4.191 tỉ đồng./.