Những “mảnh ghép” tỷ đô trong cái bắt tay của hai tỷ phú

VietTimes -- Khi “cờ đã đến tay”, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ nắm quyền chi phối trong cách lắp các “mảnh ghép” được định giá tỷ đô như Masan Consumer Holdings (MCH) và Công ty VinCommerce (VCM) nhằm xây dựng một doanh nghiệp hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Sau khi đạt được thỏa thuận nguyên tắc, thương vụ hợp tác giữa Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ đã dần lộ diện những con số cụ thể.

Theo tóm tắt của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VDSC), Masan đã nhận 83,74% cổ phần của CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) - doanh nghiệp sở hữu cả VinCommerce và VinEco. Đồng thời, tập đoàn này đã phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty mới là công ty con của Masan cho bên bán cổ phần VCM.

Pháp nhân mới sẽ sở hữu 83,74% cổ phần Công ty VCM và 85,7% cổ phần Masan Consumer Holdings (MCH). Trong đó, Masan sẽ sở hữu 70% cổ phần của công ty mới nói trên trong khi Vingroup và các bên bán khác của VCM sẽ nắm giữ tổng cộng 30%.

Số cổ phần tương đương với 16,26% vốn điều lệ ở VCM hiện do nhóm nhà đầu tư của quỹ GIC của Chính phủ Singapore nắm giữ. Cách đây không lâu, nhà đầu tư này đã chi ra 500 triệu USD để sở hữu số cổ phần tại VCM, tương đương với việc định giá doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi cửa hàng VinMart và VinMart+ ở mức 3,075 tỷ USD.

Trong khi đó, MCH của Masan cũng được một nhà đầu tư ngoại khác là Shingha Asia Holding định giá tới 4,2 tỷ USD. Thương vụ đầu tư được thực hiện từ đầu năm 2016. Cụ thể, Shingha Asia Holding đã chi 600 triệu USD để mua cổ phần của MCH để nắm giữ 14,3% vốn của doanh nghiệp này.

Thương vụ hợp tác tỷ đô giữa tập đoàn của 2 tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Việc pháp nhân mới chỉ nắm giữ lần lượt 83,74% cổ phần của VCM và 85,7% cổ phần của MCH cho thấy các nhà đầu tư ngoại, dù đánh giá cao tiềm năng của từng doanh nghiệp, lại muốn đứng ngoài trong thương vụ đầy tham vọng của Masan và Vingroup.

Có thể các nhà đầu tư ngoại, vì nhiều lý do, chỉ muốn tập trung đầu tư vào mảng bán lẻ (chuỗi VinMart, VinMart+) hoặc lĩnh vực hàng tiêu dùng (thịt mát, nước mắm, bia, mì gói,…).

Dù khối ngoại có thể hiện “khẩu vị” khác biệt, nhưng ở thương vụ trên, quyền chi phối và quyết định cho hướng đi của doanh nghiệp vẫn thuộc về Masan và Vingroup.

Mới đây, Masan đã tổ chức buổi điện đàm (conference call) trong đó có thảo luận về thương vụ sáp nhập MCH, VCM và VinEco.

Phía ban lãnh đạo tập đoàn cho biết, tính đến cuối năm 2019, VinCommerce vận hành 3.022 cửa hàng, trong đó có 134 siêu thị Vinmart (1.500-5.000 m2/cửa hàng) và 2.888 cửa hàng Vinmart+ (siêu thị mini, 80-100 m2/cửa hàng).

Doanh nghiệp này hiện đang ghi nhận EBITDA ở mức âm 2,1 nghìn tỷ đồng (biên EBITDA ở mức -8%), với doanh thu cả năm 2019 đạt 26 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,13 tỷ USD). Hiện chỉ có hoạt động của VinCommerce tại Hà Nội đang tiến gần đến điểm hòa vốn EBITDA, một phần nhờ sức mạnh thương hiệu của đối tác Vingroup.

Bước sang năm 2020, Masan đặt mục tiêu cải thiện biên EBIDTA của VinCommerce lên mức từ -3% đến 0%. Bên cạnh đó, kế hoạch doanh thu của VinCommerce dự kiến sẽ tăng hơn 64%, đạt mức 42 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,82 tỷ USD).

Tăng trưởng doanh thu của VinCommerce được kỳ vọng sẽ đến từ sự tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (SSSG) từ 24 - 25% và đóng góp từ các cửa hàng VinMart, VinMart+ được mở mới trong năm 2019.

Trong năm 2020, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng, việc mở rộng chuỗi VinMarrt, VinMart+ sẽ diễn ra có chọn lọc. Cụ thể, Masan dự kiến sẽ mở mới từ 20-30/300-500 cửa hàng Vinmart/Vinmart+ trong khi đóng cửa từ 0-10/150-300 cửa hàng Vinmart/Vinmart+ hoạt động không hiệu quả./.