Theo thời gian sử dụng, có rất nhiều nguyên nhân khiến smartphone trở nên chậm. May mắn thay, phần lớn những nguyên nhân này có thể xử lý và ngăn chặn được nếu có kiến thức phù hợp. Dưới đây là một số lý do dẫn đến tình trạng này.
Ứng dụng chạy nền
Chúng ta thường cài đặt nhiều ứng dụng, và có lẽ sau đó quên xóa bớt những thứ hiếm khi hay chẳng bao giờ dùng đến. Nhiều ứng dụng trong số đó yêu cầu tài nguyên nền, làm mới dữ liệu, kết nối mạng, hay giám sát một số phần nào đó của hệ thống trong nền để phục vụ những mục đích nhất định.
Bạn có thể áp dụng một số cách như sau: Xóa bỏ các ứng dụng cũ và không được sử dụng là một cách bảo trì hệ thống quan trọng và rất đơn giản. Thật may mắn, các phiên bản Android gần đây càng tạo điều kiện dễ dàng hơn bao giờ hết, cung cấp các công cụ dọn dẹp bộ nhớ trong có thể tự động xóa các ứng dụng bạn không sử dụng đến trong thời gian dài.
Để kiếm tra những dịch vụ nào hiện đang chạy trên điện thoại của bạn, bạn cần kích hoạt "Developer Options" bằng cách gõ 7 lần vào phần số bản dựng nằm trong Setting > About phone. Từ đó bạn vào Developer Options và bấm vào "Running services”. Một cách khác đó là bạn có thể chạy ứng dụng theo dõi dịch vụ như Greenify hoặc Servicely để xem những dịch vụ này ảnh hưởng đến tài nguyên hệ thống và thời lượng pin theo thời gian như thế nào. Điều này sẽ giúp xác định những ứng dụng tồi tệ nhất để gỡ bỏ nhằm cải thiện hiệu năng.
Bộ lưu trữ đầy và sự phân mảnh
Tốc độ ghi của các ổ flash NAND (bộ nhớ lưu trữ trong) sẽ bị chậm đi khi bạn lấp đầy nó, có thể đây là lý do tại sao điện thoại của bạn có cảm giác khá chậm chạp. Điều này có thể do sự tồn đọng của các ứng dụng, những bức ảnh và video không được xóa đi trong nhiều năm...
Android sẽ hiển thị một thông báo khi bạn hết bộ nhớ, cung cấp các tùy chọn để dọn dẹp các tập tin media và ứng dụng không sử dụng. Tốt nhất bạn nên chủ động xử lý tình hình trước khi nó xảy ra, có thể bằng cách tự mình xóa bỏ các tập tin bằng tay hay sử dụng tính năng dọn dẹp bộ nhớ tích hợp trong điện thoại.
Thậm chí nếu bạn không thấy một trong những thông báo "dọn dẹp bộ nhớ" nói trên, thì bộ nhớ bị rối loạn bởi các ứng dụng lâu năm và đã bị xóa nhưng vẫn có thể làm chậm hệ thống. Chúng ta vẫn hay gọi điều này là "phân mảnh". Phân mảnh cũng xảy ra vì các vùng bộ nhớ bị lỗi.
Bộ nhớ flash và ổ SSD không có các bộ phận di dời như các ổ cứng cũ, do đó sự giảm sút hiệu năng đọc ngẫu nhiên không phải là vấn đề, nhưng tình trạng độ trễ tăng lên khi truy xuất dữ liệu từ các khối không được tổ chức sẽ có thể xảy ra. Việc theo dấu các tập tin đã bị phân mảnh trên một ổ đĩa rất lớn có thể làm tăng thời gian quét và lỗi hiệu suất đáng kể cho việc ghi dữ liệu lên một ổ flash bị phân mảnh khi tìm không gian trống trên một ổ đĩa như vậy là không hề dễ dàng.
Android và các trình điều khiển ổ đĩa đã làm khá tốt việc giữ cho bộ nhớ flash không bị trở nên quá phân mảnh thông qua phương thức được gọi là trimming. Tuy nhiên, khi bộ nhớ bị lấp đầy, sẽ rất khó để di chuyển và lưu các tập tin hay ứng dụng mới vì thiếu không gian trống. Nếu bộ nhớ của bạn bị đầy hay chậm chạp, bạn có thể sử dụng factory reset để xóa sạch nó, trừ khi ổ đĩa flash đó đã quá cũ.
Tốt hơn hết bạn nên lưu ảnh, nhạc, phim và các tập tin vào một thẻ microSD thay vì lên ổ flash, bởi thẻ microSD có thể thay thế được sau một thời gian dài sử dụng. Lưu trữ đám mây cũng là một lựa chọn tốt khác cho các tập tin lớn như nhạc, video...
Tuổi thọ pin
Pin cũng là một trong những vấn đề lớn nhất đối với các thiết bị điện tử cầm tay. Sau từ hai đến ba năm hoạt động, dung lượng pin sẽ giảm xuống, và thiết bị của bạn sẽ không còn hoạt động tốt trong một ngày sau mỗi lần sạc đầy nữa. Một phần khác trong quá trình già đi này là sự nội kháng ngày càng tăng của các phim điện cực bên trong viên pin.
Sự nội kháng có hai tác động lên hiệu năng. Kháng trở càng cao sẽ khiến điện áp đầu ra giảm sút khi thiết bị cần một dòng điện cao. Đây gọi là tình trạng "sụt điện áp". Năng lượng bị lãng phí này sẽ chuyển thành nhiệt, khiến pin và linh kiện bên trong máy bị ấm lên ảnh hưởng xấu hiệu năng.
CPU khá nhạy cảm với nhiệt độ, do đó chức năng quản lý năng lượng điện thoại có thể làm giảm tốc độ của bộ vi xử lý nếu điện thoại trở nên quá nóng vì pin cũ. CPU và bộ nhớ chạy ở xung nhịp cao cũng đòi hỏi dòng điện mạnh hơn và do đó gây ra tình trạng sụt điện áp cao hơn. Một viên pin quá cũ sẽ không cung cấp đủ dòng điện cần thiết và một điện áp ổn định, nghĩa là tốc độ tối đa sẽ bị giảm hoặc gây ra các lỗi thực thi nghiêm trọng.
Lỗi bộ nhớ
Cũng như pin bị chai, bộ nhớ flash và RAM cũng chịu tác động của thời gian. Bộ nhớ flash được xếp loại dựa trên số chu kỳ ghi tối đa. Nguyên nhân là bởi quá trình ghi/xóa làm hỏng lớp oxide giữ electron trong cell bộ nhớ flash NAND và sẽ khiến chúng không ổn định. Cũng như pin, dung lượng bộ nhớ giảm theo thời gian. Điều này còn nghiêm trọng hơn khi đi kèm với vấn đề phân mảnh nói trên, và nó làm tăng số lượng lỗi ghi theo thời gian, mà theo định nghĩa của người dùng tức là bộ nhớ bị chậm đi.
Vòng đời của bộ nhớ tùy thuộc vào lượng dữ liệu mới mà bạn lưu vào đó. Nói chung, hầu hết chúng hoạt động tốt trong 2 hay 3 năm. Nhiều chip khác có thể kéo dài từ 5 đến10 năm.
Cập nhật hệ điều hành và ứng dụng
Một thuyết rất phổ biến khác cho là thiết bị chậm đi khi chúng có tuổi thọ cao, các hệ điều hành như Android và iOS, cũng như các ứng dụng chạy trên chúng ngày một đòi hỏi tài nguyên nhiều hơn sau khi được cập nhật nhằm tận dụng lợi thế của các phần cứng mới và tốt nhất. Do đó, các smartphone cũ với phần cứng lỗi thời không thể theo kịp tốc độ của các phần mềm. Một số ứng dụng trở nên nặng nề theo thời gian khi nhiều tính năng được thêm vào hơn. Ví dụ như, Facebook ngày nay chứa đầy những thứ trôi nổi so với cách đây 5 năm.
Theo VnMedia