|
Một buổi họp của CTCP KOSY. (Ảnh: Kosy) |
Tuy nhiên, “soi” kỹ báo cáo tài chính cho thấy KOSY cũng đang gặp phải những rủi ro nhất định khi kinh doanh không mang lại tiền. Mà một trong những nguyên nhân là do nguồn vốn bị chiếm dụng bởi các đối tác – những doanh nghiệp đang và đã từng có quan hệ thân thiết với Chủ tịch KOSY.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng
Xuất phát điểm là một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, năm 2011, KOSY đã chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS), lấy đây là điểm tựa phát triển. Đến năm 2016, Công ty bắt đầu triển khai nhiều dự án BĐS như Khu đô thị KOSY - Lào Cai, Khu đô thị KOSY - Bắc Giang, Khu đô thị KOSY - Gia Sàng (TP. Thái Nguyên)…
Để huy động nguồn tài chính đầu tư, từ năm 2016 đến nay, KOSY đã có ba lần tăng vốn, trong đó đáng chú ý là thương vụ phát hành cổ phiếu diễn ra vào cuối tháng 7/2018. Cụ thể, KOSY đã chào bán riêng lẻ thành công 62,25 triệu cổ phần KOS, qua đó nâng vốn điều lệ từ 415 tỷ đồng lên 1.037 tỷ đồng.
Gia tăng quy mô đầu tư cũng đã có những tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của KOSY. Kết thúc năm 2018, KOSY ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng 69,8%, từ 26,5 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của KOSY trong 4 năm gần nhất.
|
Diễn biến doanh thu và lợi nhuận ròng của KOSY giai đoạnh 2014 - 2018 (Nguồn: KOSY, Đơn vị: tỷ đồng)
|
Tiềm ẩn rủi ro
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng đột biến nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của KOSY vẫn đang trong trạng thái âm. Năm 2018 con số này âm tới 532 tỷ đồng. Còn trong năm 2016 và 2017 lần lượt âm 139,5 tỷ đồng, 98 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia thuộc Hiệp hội Kế toán Kiểm toán Tài chính Việt Nam, báo cáo lưu chuyển tiền tệ rất quan trọng để phản ánh chất lượng doanh thu, lợi nhuận của một doanh nghiệp, vì nó chỉ ra được tiền đi đâu về đâu, tại sao cả năm làm ăn có lãi mà trong năm thường xuyên thiếu tiền.
Nếu dòng tiền từ HĐKD nhiều năm liên tục âm sẽ cho thấy những rủi ro lớn đến khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn trong kỳ. Thậm chí việc thiếu tiền cũng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Không khó để nhận ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt dòng tiền kinh doanh xuất phát từ việc nguồn vốn của KOSY đang bị các đối tác chiếm dụng.
Cụ thể, tính tới ngày 31/12/2018, số dư trả trước cho người bán ngắn hạn trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của KOSY là 509,9 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng của Hạ tầng Thủ đô và KPT Việt Nam chiếm tới 458,3 tỷ đồng, tăng 294,4 tỷ đồng so với đầu năm.
Có thể thấy, Hạ tầng Thủ đô và KPT Việt Nam hẳn phải là một đối tác quan trọng và có uy tín với KOSY.
|
Giá trị ghi nhận khoản mục Trả trước cho người bán ngắn hạn có liên quan tới Hạ tầng thủ đô và KPT Việt Nam trên BCTC năm 2018 của KOSY. (Nguồn: KOSY) |
Theo dữ liệu của VietTimes, những cổ đông sáng lập của Hạ tầng Thủ đô hay KPT Việt Nam đều ít nhiều có liên quan đến ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch của KOSY.
Đơn cử như Hạ tầng Thủ đô, một doanh nghiệp được thành lập cuối năm 2015 với các cổ đông sáng lập gồm: Bà Dương Thị Vinh - mẹ đẻ ông Cường (sở hữu 30%); Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – em gái ông Cường và Công ty Cổ phần Đầu tư KOSY (một pháp nhân độc lập với CTCP KOSY pháp nhân do bà Thảo làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật) sở hữu 70%. Đến ngày 27/7/2018, các cổ đông này đã thoái toàn bộ vốn tại Hạ tầng Thủ đô.
Còn KPT Việt Nam là một công ty do KOSY nắm giữ 18,8%. Hai cổ đông còn lại là Nguyễn Đức Trang nắm giữ 40,5% và Phạm Thị Thắng sở hữu phần còn lại. Lưu ý, bà Thắng là kế toán trưởng của KOSY
Sự từng góp mặt của các thành viên trong gia đình chủ tịch KOSY tại Hạ tầng Thủ đô và KPT Việt Nam – những doanh nghiệp đã được KOSY tin tưởng tạm ứng nhiều trăm tỷ đồng - có thể đặt ra những băn khoăn về bản chất của giao dịch giữa hai doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, các giao dịch kinh tế này sẽ là hoàn toàn bình thường và không có vấn đề gì, khi nó đảm bảo tính minh bạch, sự hợp lý, hợp pháp và tuân thủ các nguyên tắc thị trường./.