Những lợi thế vị trí “đất vàng” của Ga Hà Nội

VietTimes -- Ga Hà Nội tọa lạc trên diện tích rộng tại số 120 Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, với vị trí đắc địa, thuận lợi về giao thông Ga Hà Nội được xem là cửa ngõ trung tâm phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của TP. Hà Nội.
Ga Hà Nội có diện tích rộng, nằm trên khu vực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa bậc nhất Hà Nội.

Tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 7 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 8/8, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình đã đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố.

Đề xuất này được Thiếu tướng Phạm Xuân Bình đưa ra dựa trên lý do hiện Hà Nội có khoảng 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt.

Ông Bình cho rằng, trên thực tế, hệ thống đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm trong khu vực nội đô đang gây ra nhiều xung đột, gia tăng áp lực giao thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt diễn biến ngày càng phức tạp.

Khu vực sân Ga Hà Nội với diện tích rộng.

Ga Hà Nội trước đây có tên gọi là Ga Hàng Cỏ, do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902, tọa lạc trên diện tích rộng tại số 120 Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm.

Khu vực Ga Hà Nội phía đông giáp với Khu Phố Pháp thuộc quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, phía tây giáp khu vực đông dân cư thuộc quận Đống Đa. Điều kiện tại các khu vực này khá khác biện về mặt hình thái, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Ngã ba Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo đường phố rất thông thoáng.
Khu vực phía sau Ga Hà Nội là đường Trần Quý Cáp.

Ga Hà Nội có vị trí giao thông vô cùng thuận lợi bởi nằm ngay tại điểm giao cắt giữa 02 tuyến đường phố lớn có mặt đường rộng của TP. Hà Nội là Trần Hưng Đạo và Lê Duẩn. Tại vị trí này hiếm khi xảy ra tình trạng tắc đường.

Chi nhánh vận tải đường sắt Hà Nội cũng nằm trong khuôn viên Ga Hà Nội.

Ngoài ra, xung quanh Ga Hà Nội có nhiều công trình và thắng cảnh văn hóa như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Cung Hữu nghị Việt – Xô và một số viện bảo tàng, biệt thự cổ kiểu Pháp.

Theo Bảng giá đất của UBND TP. Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 96/2014/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội với loại đất thương mại, dịch vụ thì đường Lê Duẩn với vị trí 1 có giá trên 43 triệu/m2, vị trí 2 là trên 19 triệu/m2, vị trí 3 là 15 triệu/m2, vị trí 4 là 13 triệu/m2; Với loại đất giá cao nhất ở vị trí 1 trên đường Lê Duẩn giá 80 triệu/m2 và giá thấp nhất là vị trí 4 là trên 26 triệu/m2.
Giao thông tại nút Lê Duẩn và Trần Hưng Đạo lúc 17h chiều không có tình trạng ùn tắc.