Móc nối lấy dự án
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án sai phạm đấu thầu xảy ra ở Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Ông Nguyễn Duy Hưng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An, bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, ông Hưng có vi phạm về đấu thầu ở 5 dự án gồm: cầu Đồng Việt (Bắc Giang), cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Vĩnh Tuy 2, đường ven sông Hạ Long - Đông Triều (Quảng Ninh), quốc lộ 14E. Liên quan ông Hưng là hàng loạt sai phạm của nhiều cán bộ tại Ban quản lý dự án ở Hà Nội, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh và Cục Đường bộ Việt Nam.
Quá trình thực hiện các dự án, ông Hưng đều tạo ra "cơ chế" chi tiền cho cán bộ Nhà nước để sớm được nghiệm thu, thanh toán. Ông chủ tập đoàn Thuận An bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 120 tỷ đồng và hưởng lợi bất chính 98 tỷ đồng.
Cụ thể, tại gói thầu số 26 trên cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, đoạn qua địa bàn Tuyên Quang.
Theo kết luận điều tra, nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Văn Huy (ở Tuyên Quang) có quen biết nhau từ trước. Thông qua Huy, năm 2011, bị can Hưng quen biết Trần Viết Cương, khi đó là Giám đốc Ban quản lý dự án Tuyên Quang (BQLDA).

Khoảng tháng 5/2021, khi có thông tin BQLDA Tuyên Quang chuẩn bị đấu thầu Gói thầu số 26 Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, ông Huy đề nghị Hưng sử dụng Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu thi công để cho các Đội thi công của Huy có việc làm còn Tập đoàn Thuận An sẽ cung cấp vật tư đầu vào, quản lý chất lượng.
Bị can Hưng đồng ý nên tới BQLDA gặp Trần Viết Cương, xin tham gia thi công Gói thầu số 26. Tuy nhiên, qua trao đổi về giá dự toán, Hưng nói giá thấp và đề nghị nâng giá dự toán nhưng Cương không đồng ý vì không thể điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Do đó, Nguyễn Duy Hưng có ý kiến Tập đoàn Thuận An sẽ không làm toàn bộ Gói thầu 26.
Sau đó, ông Cương gọi điện mời ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Hiệp Phú và ông Nguyễn Ngọc Đình, Chủ tịch Công ty Đầu tư và xây dựng Thành Hưng (Công ty Thành Hưng) đến phòng làm việc để cùng bàn việc liên danh với Tập đoàn Thuận An thi công Gói thầu số 26. Tuy nhiên, do giá thấp nên Công ty Thành Hưng từ chối.
Ông Hiệp từ Công Ty Hiệp Phú muốn có thêm đơn vị cùng tham gia liên danh cho đủ năng lực nên Trần Viết Cương giới thiệu, đề nghị ông cùng Nguyễn Duy Hưng làm việc với ông Lại Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty Licogi 14 để thống nhất làm hồ sơ đấu thầu và thi công Gói thầu số 26.
Tại buổi làm việc này, Nguyễn Duy Hưng và ông Phạm Quang Hiệp đều hiểu là Trần Viết Cương đã đồng ý cho 3 công ty cùng liên danh đấu thầu để thi công gói thầu số 26, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Sau cuộc gặp, ông Cương đã chỉ đạo cấp dưới tiết lộ dự toán chi tiết Gói thầu số 26 cho nhóm Thuận An. Doanh nghiệp này cùng Công ty Hiệp Phú và Licogi 14 lập liên danh, tham gia đấu thầu.
Quá trình thầu, các bị can dùng “quân xanh, quân đỏ” thông thầu nên liên danh của Thuận An – Hiệp Phú – Licogi 14 trúng thầu giá hơn 90 tỷ đồng vào tháng 8/2021.
Sau khi liên danh của Thuận An trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng thống nhất, đồng ý giao cho ông Nguyễn Văn Huy quản lý, điều hành 3 đội thi công, nhà thầu phụ thực hiện thi công toàn bộ phần khối lượng công việc của Tập đoàn Thuận An nhưng phải cắt lại 14% tiền “cơ chế”, gồm 5% chi phí quản lý thu trên hợp đồng, và 9% Hưng thu ngoài.
Thực hiện thỏa thuận trên, Huy được giao làm Giám đốc điều hành thi công Dự án và đưa 3 đội thi công trên thực hiện phần công việc của Tập đoàn Thuận An.
Cựu Giám đốc BQLDA nhận 12,5 tỷ đồng, trả lại 5,8 tỷ đồng
Quá trình thi công, theo thỏa thuận, Nguyễn Duy Hưng thu 4 tỷ đồng tiền ngoài hợp đồng của các nhà thầu. Ngoài ra, để có tiền chi cho BQLDA, Hưng đã thu 5,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào (nâng giá hoá đơn) của nhà cung cấp vật liệu.
Theo chỉ đạo của Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Văn Huy đã 2 lần nhận tiền từ Tập đoàn Thuận An đưa cho Trần Viết Cương tổng số tiền 8 tỷ đồng. Ngoài ra, Trần Viết Cương 2 lần nhận của ông Phạm Quang Hiệp 2,5 tỷ đồng, 1 lần nhận của ông Lại Xuân Hùng số tiền 2 tỷ đồng. Tổng cộng Cương nhận từ 3 nhà thầu liên danh là 12,5 tỷ đồng.
Từ những hành vi trên, các bị can Nguyễn Duy Hưng, Trần Viết Cương bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các ông Nguyễn Văn Huy, Phạm Quang Hiệp, Lại Xuân Hùng không bị xử lý hình sự.
Quá trình điều tra, ông Hiệp thừa nhận khi liên danh cùng Thuận An đã chi 2,5 tỷ đồng cho Trần Viết Cương. Quá trình thi công Gói thầu số 26, doanh nghiệp Hiệp Phú của ông bị lỗ hơn 11 tỷ đồng, không được hưởng lợi gì.
Còn ông Lại Xuân Hùng khai có đưa cho Trần Viết Cương 2 tỷ đồng sau khi liên danh trúng thầu. Quá trình thi công, Licogi 14 bị lỗ hơn 12,7 tỷ đồng, không được hưởng lợi gì.
Kết luận điều tra thể hiện, bị can Nguyễn Duy Hưng, khai đã thỏa thuận với bị can Nguyễn Văn Huy về việc sử dụng pháp nhân Tập đoàn Thuận An tham gia Gói thầu số 26. Theo đó, Huy đưa ba đội thi công, còn Thuận An cung cấp vật tư, quản lý chất lượng và thu phí ngoài hợp đồng.
Hưng sau đó thông đồng với Trần Viết Cương, để dàn xếp cho Thuận An trúng thầu từ trước khi tổ chức đấu thầu. Ông chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị hồ sơ “quân xanh, quân đỏ”, điều chỉnh hồ sơ tài chính sau ngày mở thầu để hợp thức hóa việc trúng thầu.
Bị can Trần Viết Cương khai phù hợp với diễn biến hành vi phạm tội nêu trên. Sau khi được liên doanh nhà thầu đưa 12,5 tỷ đồng, ông Cương trả lại cho ông Huy 5,8 tỷ đồng, còn 6,7 tỷ đồng ông Cương nộp khắc phục vào tài khoản tạm giữ của cơ quan cảnh sát điều tra.

Hàng loạt cựu quan chức, lãnh đạo đơn vị hưởng lợi trong vụ Thuận An
