Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 30 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, bị đề nghị truy tố "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng tội danh trên còn có Trần Anh Quang, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An; Nguyễn Khắc Mẫn, nguyên Phó Tổng giám đốc và 24 người khác.
Cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Ngoài ra, có 2 bị can bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là ông Dương Văn Thái, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, và ông Lê Ô Pích, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Duy Hưng, bị xác định là chủ mưu, cầm đầu trong việc tổ chức thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm trong quá trình đấu thầu tại 5 dự án xây dựng tại 4 tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng).
Các dự án gồm: Gói thầu số 17 Dự án cầu Đồng Việt; gói thầu số 26 dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; gói thầu số 2 dự án cầu Vĩnh Tuy; gói thầu số 13 dự án đường ven sông Hạ Long - Đông Triều; gói thầu XD01, XD02 dự án quốc lộ 14E.
Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 120 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng, hưởng lợi bất chính hơn 98 tỷ đồng.
Bị can Trần Anh Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An có vai trò thực hành, giúp sức cho Nguyễn Duy Hưng trong hành vi vi phạm đấu thầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Theo kết luận điều tra, ông Dương Văn Thái, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, chịu cáo buộc gây thiệt hại tài sản Nhà nước 96 tỷ đồng tại 2 gói thầu ở địa phương này, hưởng lợi bất chính 900 triệu đồng.
Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 96 tỷ đồng và được hưởng lợi bất chính 4 tỷ đồng.
Riêng bị can Phạm Thái Hà, bị xác định trục lợi số tiền 750 triệu đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 96 tỷ đồng tại 2 gói thầu ở Bắc Giang.
Quá trình điều tra vụ án, các bị can, đối tượng liên quan tự nguyện nộp khắc phục hơn 102 tỷ đồng và 90.000 USD. Cơ quan điều tra phong tỏa 7 tài khoản/sổ tiết kiệm trị giá hơn 32 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền đã thu hồi, phong tỏa là hơn 134 tỷ đồng và 90.000 USD, đã vượt toàn bộ thiệt hại của vụ án là 120 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An cho thấy việc "chạy thầu" - tức tìm kiếm sự thỏa thuận, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu, là một thực trạng rất phổ biến.
Để trúng thầu, đại đa số các doanh nghiệp phải có "quan hệ", chấp nhận chi tiền "cơ chế" cho lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, xem đây là một phần tất yếu của quá trình đấu thầu, thi công dự án.
Cơ quan điều tra cho rằng ông Dương Văn Thái thành khẩn khai báo về toàn bộ hành vi sai phạm, có đơn tố cáo hành vi sai phạm của cá nhân liên quan, giúp làm rõ bản chất vụ án.
Theo kết luận điều tra, nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm của ông Thái là chịu tác động, can thiệp từ ông Phạm Thái Hà, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Ông Thái thực hiện hành vi sai phạm với mục đích thu hút vốn đầu tư, vì sự phát triển của địa phương. Tuy có nhận quà, tiền, nhưng không yêu cầu, không thỏa thuận và đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi và hậu quả, thiệt hại của dự án Đồng Việt đã được khắc phục hoàn toàn.

Bộ Công an kiến nghị EVN kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu sau vụ án Tập đoàn Tuấn Ân

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh điều tra vụ sữa giả, thuốc giả
