Những khu đô thị nào chìm trong biển nước sau mưa lớn ở Hà Nội?

VietTimes -- Cơn mưa sáng ngày 13/7 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, khiến cuộc sống của người dân hoàn toàn bị đảo lộn. Đây là một yếu tố quan trọng để người mua nhà ở thực cũng như các nhà đầu tư cân nhắc, lựa chọn...
Nhiều khu đô thị chìm trong biển nước sau cơn mưa lớn ở Hà Nội.Ảnh Tri thức trẻ

Tuy nhiên, không phải lần đầu tiên Hà Nội rơi vào cảnh này, dù 10 năm qua Hà Nội đã chi đến 8.000 tỷ đồng chống ngập. Cơn mưa rạng sáng ngày 13/7 chỉ kéo dài vài tiếng song cũng khiến cho nhiều con phố, tuyến đường ở Hà Nội ngập sâu. Trong đó, đặc biệt là khu đô thị như An Khánh (Hoài Đức), dọc theo đại lộ Thăng Long.

Tại khu vực đường gom dân sinh, Đại lộ Thăng Long nước ngập sâu cả mét, các phương tiện ùn ứ kéo dài, “chôn chân” hàng tiếng đồng hồ. Tính đến khoảng 11h cùng ngày, nước vẫn chưa có dấu hiệu rút, nhiều phương tiện bị chết máy buộc phải dắt bộ, quay đầu tìm đường đi mới.

Tại nút giao Thiên Đường Bảo Sơn với Đại lộ Thăng Long, nhiều đoạn ngập sâu tới 60 cm khiến hướng đi Hà Nội bị tắc nghẽn. Ảnh Tri thức trẻ

Theo phản ánh của người dân sống tại các khu chung cư Thăng Long Victory, Gemek và An Khánh Golden hầu như năm nào mùa mưa người dân cũng chịu cảnh ngập lụt liên miên. Cách đây 1 năm khu vực này cũng chứng kiến cảnh tượng ngập lụt nghiêm trọng hơn.

Nhất là trận mưa ngày 25/5/2016, Đường Đại Lộ Thăng Long ngay đoạn qua khu chung cư Thăng Long Victory ngập đến nửa xe máy, rất nhiều người đã phải đi vòng vào trong khu đô thị An Khánh nhưng tình hình cũng không khá hơn là mấy.

Cảnh ngập mênh mông tại khu vực An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh Dân trí
Nguyên nhân của tình trạng này, theo nhân viên công ty thoát nước cho biết có thể là do mưa liên tiếp nhiều ngày, nước trên các sông mương không kịp rút, kết hợp với nước thải từ các khu đô thị dồn ra. 
Ngoài ra, còn có thể do các khu chung cư này có nhiều rác thải, theo dòng nước khi mưa đổ vào các hố ga thoát nước làm nghẽn miệng cống nên nước rút chậm, gây ngập úng.
Rác thải tại Khu đô thị An Khánh. Ảnh Dân trí

Ngoài khu vực Nam An Khánh, hàng loạt khu đô thị khác của Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh tương tự, có thể kể đến như là khu đô thị Resco (Cổ Nhuế) - bắc Từ Liêm, Chân cầu vượt đường sắt Yên Nghĩa - Hà Đông (trước khu đô thị The Spark), đoạn ngã tư chung cư Keangnam, khu đô thị Văn Phú - Hà Đông, đoạn đường Vũ Trọng Phụng - Thanh Xuân.

Một trường mầm non trong khu đô thị bị cô lập trong biển nước. Ảnh Dân trí
Hầm dân sinh ngập lún bánh xe sau cơn mưa sáng 13/7/2017.Ảnh Tri thức trẻ

Giải thích điều khó hiểu khi hàng loạt các khu đô thị lớn vừa mới đưa vào hoàn thiện nhưng vẫn ngập lụt, giới chuyên gia cũng cho rằng, xảy ra tình trạng này là do các chủ đầu tư chỉ quan tâm đầu tư vào nhà ở dự án để thuận lợi thanh khoản mà lơ là việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu.

Đồng thời, các khu chung cư, khu đô thị mới này đều nằm ở phía Tây; Tây Nam, khu vực trước đây là các hồ ao, ruộng lúa, không có cốt nền chuẩn của từng khu vực nên mới xảy ra tình trạng này.
Hơn nữa, hầu hết các khu đô thị này đều không có hồ điều hòa để giảm tải lưu lượng nước mặc dù theo quy định khi xây dựng đô thị ít nhất phải để lại 20% diện tích để làm hồ điều hòa, đường đi lại và công viên cây xanh.