Những điều nhỏ nhặt ít người biết cho thấy sự tinh tế của Apple

Việc Apple chú ý vào những tiểu tiết và làm chúng tinh tế hơn đã tạo nên ngôn ngữ thiết kế riêng cho sản phẩm của họ.

Steve Jobs đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra các sản phẩm tối giản, thân thiện và trên hết là dễ sử dụng. Đó là nguyên tắc giúp Apple khác biệt với phần còn lại của thế giới công nghệ.

"Phải mất rất nhiều công sức để thực sự hiểu điều gì đó một cách đơn giản và đưa ra các giải pháp hợp lý", Steve Jobs từng nói với Smithsonian Magazine.

Sự để tâm của Apple trong từng chi tiết thể hiện ở toàn bộ sản phẩm của công ty, từ cục nam châm đóng mở nắp hộp AirPods đến những cải tiến trong phần mềm của iPhone.

Cơ chế đóng nắp hộp AirPods

Người dùng có bao giờ chú ý đến việc chiếc AirPods bật tắt chỉ bằng một cái búng tay không? Hay chiếc tai nghe nằm gọn trong hộp một cách dễ dàng?

Tai nghe AirPods dễ dàng nằm gọn trong hộp nhờ vào thiết kế hình phễu và nam châm. Ảnh: Business Insider.

“Một trong những điều khiến chúng tôi tranh cãi nhiều nhất là cách định hướng tai nghe khi người dùng đặt vào hộp. Tôi yêu chi tiết đó. Người dùng sẽ không biết chúng tôi đã thử đi thử lại bao nhiêu lần đâu. Thật sự tự hào vì chúng tôi đã thiết kế và phát triển nó", Jony Ive, Giám đốc thiết kế Apple chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với trang GQ.

Theo Business Insider, những chi tiết trên đều được cân nhắc rất cẩn thận trong quá trình thiết kế. Các chi tiết này mang đến cho người dùng cảm giác hoàn thiện, cao cấp khi sử dụng một sản phẩm tai nghe như AirPods.

Đèn báo ngủ "biết thở" trên MacBook

Năm 2002, Apple được cấp bằng sáng chế cho Breathing Status LED Indicator (đèn LED báo trạng thái dạng nhịp thở).

Đèn báo trạng thái trên MacBook đời cũ sẽ nhấp nháy theo nhịp thở của con người. Ảnh: Declan TM.

Trên những chiếc MacBook đời cũ, người dùng có thể thấy đèn này nhấp nháy theo nhịp chậm mô phỏng trạng thái ngủ của con người. Từ đó mang tới "cảm giác hấp dẫn về mặt tâm lý" cho chủ sở hữu của laptop.

Thay vì sáng liên tục, đèn báo trên một số dòng MacBook sẽ nhấp nháy giống như nhịp thở của con người. Nó thể hiện sự kết nối giữa người dùng với thiết bị, trong cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Chiếc quạt "biết lắng nghe"

Khi người dùng gọi trợ lý ảo Siri trên máy tính Mac, thiết bị sẽ tự động làm chậm tốc độ quạt bên trong để có thể nghe giọng nói của người dùng tốt hơn.

Biểu tượng đèn pin bật và tắt

Biểu tượng đèn pin trong bảng điều khiển sẽ thay đổi công tắc khi được mở.

Khi bật đèn pin từ Control Center trên iPhone, biểu tượng công tắc nhỏ trên đèn cũng gạt lên, mô phỏng chiếc đèn pin thực tế. Chi tiết này nhỏ nhặt đến mức người dùng không thể nhận ra nó.

Apple Card đổi màu theo thói quen tiêu tiền

Apple Pay chưa sử dụng được tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại Mỹ nếu người dùng sử dụng thẻ này trên iPhone sẽ thấy nó đổi màu theo thói quen chi tiêu của từng người.

Apple Card sẽ thay đổi màu theo thói quen tiêu dùng của từng cá nhân. Ảnh: Cumanagement.

Apple ghi nhận các giao dịch trên Apple Card và hiển thị bằng biểu đồ, dựa trên mặt hàng, nó sẽ có màu khác nhau. Ví dụ: màu cam thể hiện cho đồ ăn thức uống, màu hồng cho những hoạt động giải trí...

Không chỉ trong biểu đồ, màu sắc ấy cũng được thể hiện trên chiếc thẻ ảo. Chẳng hạn, trong tháng này người dùng đi ăn quá nhiều, chiếc thẻ sẽ hiện màu cam.

Mái vòm kính tại Apple Park được bẻ cong để làm chệch giọt mưa

Kính bên ngoài Apple Park có thể chuyển hướng giọt mưa. Ảnh: Apple.

Trụ sở mới Apple Park hoạt động từ năm 2017 là minh chứng cho đẳng cấp thiết kế của Apple. Không chỉ tổng thể, các chi tiết nhỏ trên "phi thuyền" này cũng được chăm chút. Chẳng hạn mái vòm của tòa nhà được đặt nghiêng sao cho những hạt mưa rơi thẳng xuống đất thay vì bám vào kính.

Nút Caps Lock trên MacBook

Hãy thử nhấn nút "Caps Lock" trên MacBook Air hoặc MacBook Pro, người dùng có thể nhận thấy rằng không có gì xảy ra. Đó là bởi tính năng Caps Lock sẽ chỉ bật nếu người dùng giữ phím lâu hơn một chút. Đây là biện pháp phòng ngừa việc người dùng có thể bấm nhầm phím khi sử dụng.

Mặt đồng hồ hoa nở trên Apple Watch

Một sự thật thú vị là những hình nền chuyển động trên Apple Watch hoàn toàn không phải do máy tính tạo ra mà được quay ngoài đời thực. Táo khuyết đã bỏ ra hàng trăm giờ quay cảnh bông hoa nở để tạo ra hình nền tương ứng trên Apple Watch.

Hoạt cảnh trên Apple Watch được chụp từ bông hoa thật trong hàng trăm giờ.

"Tôi nghĩ rằng hình nền dài nhất đã khiến chúng tôi mất 285 giờ và hơn 24.000 bức ảnh", Alan Dye, Giám đốc thiết kế giao diện người dùng của Apple cho biết.

Đèn vuốt để mở khóa

Ánh sáng trên thanh "vuốt để mở khóa" sẽ sáng theo hướng cần mở.

Từ iOS 9 về trước, trên màn hình khóa thiết bị, dòng chữ "Slide to unlock" luôn có vệt sáng chạy từ trái sang phải giúp người dùng có hướng vuốt đúng hơn. Sau đó, Apple chỉ giữ lại dòng chữ quen thuộc và để nó lấp lánh theo hướng từ trái qua phải để hướng dẫn người dùng vuốt theo đúng hướng. Tuy nhiên, với các màn hình khóa iPhone mới, nhà sản xuất khuyến khích người dùng vuốt lên để mở khóa.

Nút ngắt cuộc gọi "lúc ẩn lúc hiện"

Rất nhiều người dùng iPhone thắc mắc rằng tại sao có lúc cuộc gọi đến lại hiện nút nghe và ngắt, nhưng có lúc chỉ hiển thị thanh trượt để trả lời chứ không có nút ngắt.

Phím từ chối cuộc gọi không xuất hiện khi iPhone đang khóa.

Theo giải thích của Apple, thanh trượt chỉ hiển thị khi điện thoại đang khóa để người dùng không phải nhấn nhầm nút từ chối, nhất là khi để smartphone trong túi quần. Còn nếu thiết bị đã mở, họ có thể tùy chọn nghe hoặc từ chối.

Hình nền con sứa trên Apple Watch

Giống như hình nền bông hoa, hình con sứa trên Apple Watch được kết hợp giữa những cảnh quay chứ không phải tạo ra bởi máy tính. Apple đã xây một bể nước trong studio rồi chụp ở chế độ 300 khung hình/giây để tạo ra những hình ảnh này.

Màn hình của Apple Watch trong suốt như không có viền

Màn hình của chiếc Apple Watch được thiết kế trông giống như một màn hình vô cực. Những bông hoa, con sứa và cánh bướm xuất hiện trông như đang nổi trên màn hình.

Đó chính là tác dụng thị giác của màn hình OLED. Năm 2015, Jony Ive cho biết màn hình này giúp Apple Watch hiển thị màu đen sâu hơn so với iPhone để tạo ra hiệu ứng tràn viền. Đến năm 2017, Apple mới bán ra chiếc iPhone đầu tiên có màn hình OLED là iPhone X.

Theo Zing

http://news.zing.vn/nhung-dieu-nho-nhat-it-nguoi-biet-cho-thay-su-tinh-te-cua-apple-post956719.html