|
Nhân sự cấp cao của Apple trong một cuộc họp. |
Apple luôn là điều thú vị đối với giới truyền thông và công chúng. Ngày 20/12 vừa qua, đài CBS của Mỹ đã có buổi phỏng vấn ban lãnh đạo công ty tại talkshow “60 phút với Apple”. Hàng loạt nhân sự cấp cao của công ty đã trả lời các vấn đề liên quan đến sản phẩm, nghĩa vụ đóng thuế của Apple với nước Mỹ, thách thức của Táo khuyết tại thị trường Trung Quốc.
Apple đã đồng ý cho CBS tiến gần đến những bí mật của mình để có phóng sự chân thật nhất về đế chế Táo khuyết dưới thời Tim Cook. Ê-kíp thực hiện chương trình đã lồng ghép việc phỏng vấn ban lãnh đạo công ty tại sân khấu với những phóng sự ngắn từ bên trong "lãnh địa" Apple, bắt đầu từ thời điểm tháng 9/2015 khi hãng giới thiệu hàng loạt sản phẩm mới.
Cuộc phỏng vấn đã tái hiện lại lịch sử Apple và 4 năm Tim Cook chèo lái công ty. Cùng với đó là hình ảnh quen thuộc của Steve Jobs tại buổi giới thiệu sản phẩm mới. Từ những chiếc Macintosh thời kỳ sơ khai đến iPhone - thiết bị đưa Apple đến đỉnh vinh quang.
|
Tim Cook trả lời phỏng vấn đài CBS. |
Tim Cook chia sẻ về những điều thần kỳ mà công ty đã tạo ra, chiếc iPhone mạnh gấp 12.000 lần Macintosh hay áp lực của việc vượt qua hình mẫu của Steve Jobs để lại cho nội bộ Apple lẫn công chúng. Qua lời kể của vị CEO, Steve Jobs là người đặc biệt, có một không hai trên trái đất. Đến mức, DNA của ông đã hòa quyện với Apple.
Mặc dù được Apple đồng ý nhưng ê-kíp thực hiện vẫn không thể tiếp cận sâu hơn vào những cuộc họp của công ty. Họ đã bị từ chối tham gia vào cuộc họp của ban lãnh đạo, nhưng được phép phỏng vấn những người nắm vai trò quản lý chủ chốt.
CBS đã phỏng vấn Eddy Cue - người tạo ra iTunes, Jony Ive - giám đốc thiết kế các sản phẩm của Apple và nền tảng iOS, hay Jeff Williams - người nắm giữ vị trí giám đốc tác nghiệp của Apple.
Jony Ive, người có vị trí quan trọng nhất tại Apple đã gặp gỡ ê-kíp tại studio thiết kế công nghiệp của công ty. Nơi đây có thiết kế tương tự như các cửa hàng của Apple với các cửa kính sử dụng khung thép không gỉ, phong cách thiết kế tối giản, những mảng tường trắng, những dãy bàn gỗ dài...
|
Studio thiết kế công nghiệp của Apple. |
Dưới quyền Ive là 22 nhà thiết kế và chỉ 2 người rời công ty sau 15 năm. Lần đầu tiên báo chí tiếp cận được gần như thế với những người tạo nên thành công của Apple nhưng vô hình trước công chúng.
Đây là nơi Ive và cộng sự tạo ra bản vẽ, nguyên mẫu của những chiếc iPhone, iPad hay MacBook trước khi gửi ra nước ngoài sản xuất. Với iPhone 6 và 6 Plus, đội ngũ đã tạo ra 10 phiên bản khác nhau.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà đội ngũ gặp phải đó chính là camera trên iPhone, với khoảng 200 thành phần khác nhau của module, Apple cần tới 800 người để làm tất cả mọi công đoạn, theo chia sẻ của Graham Townsend, giám đốc mảng phần cứng và máy ảnh của Apple.
Angela Ahrendts, người quản lý chuỗi các cửa hàng bán lẻ của Apple đã trả lời về hệ thống bán lẻ, trải nghiệm khách hàng khi đến mua sắm tại Apple và về giá trị của công ty.
Phil Schiller, Phó chủ tịch phụ trách Marketing cũng có những cuộc trao đổi với người dẫn chương trình. Ông nói về giá trị của Apple, về sản phẩm của công ty cũng như thừa nhận rằng chính các sản phẩm của hãng đang cạnh tranh trực tiếp với nhau. "iPhone quá tuyệt vời khiến người dùng không cần đến iPad. iPad quá mạnh mẽ để bạn không cần đến máy tính xách tay và máy tính xách tay quá hoàn hảo để chúng ta không cần đến những chiếc máy bàn truyền thống. Việc cạnh tranh sẽ thúc đẩy chung cho toàn bộ ngành sản xuất".
|
Apple Watch - sản phẩm đầu tiên mang dấu ấn của Tim Cook. |
Về sản phẩm mới nhất Apple Watch, đây cũng là sản phẩm đầu tiên mang dấu ấn của Tim Cook trên cương vị CEO. Việc Apple không báo cáo doanh số bán hàng của thiết bị khiến nhiều người hoài nghi về sự thành công của sản phẩm. Tim Cook cũng thừa nhận rằng chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên của hãng chưa phải là hoàn hảo và họ cần phải thay đổi để chúng gần thân thiện với người dùng hơn.
Bên cạnh đó là câu chuyện về chiếc Apple TV và Tim Cook gợi ý rằng hãng sẽ nhảy vào lĩnh vực này. Ngoài ra, về việc phát triển xe hơi, vị CEO đã từ chối trả lời một cách hài hước: "Một trong những điều tạo nên Apple đó là chúng tôi còn bí mật hơn cả CIA".
Tim Cook cũng chia sẻ hàng loạt khúc mắc từ những người làm chương trình. Đầu tiên, vị CEO cho rằng thuế tại Mỹ quá cao và điều đó là không hợp lý. Mặc dù ông rất muốn công ty đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhưng chính phủ cần có những thay đổi sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Không chỉ Apple mà nhiều công ty khác cũng đã tìm cách tránh bị chính phủ áp thuế.
Theo ê kíp của chương trình, có hơn 1 triệu người Trung Quốc tham gia vào việc sản xuất ra những sản phẩm của Apple. Cook lý giải tại sao Apple chọn Trung Quốc làm nơi sản xuất các thiết bị của hãng mà không phải Mỹ. Không phải là do chi phí nhân công, đơn giản vì Mỹ không đủ đáp ứng lực lượng lao động mà Táo khuyết cần. Ngoài ra, trọng tâm về giáo dục giữa Mỹ và Trung Quốc là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Lực lượng lao động tại đây đáp ứng được những yêu cầu mà công ty cần.
Ông lảng tránh những vấn đề của đối tác Foxconn: câu chuyện nhân công tự tử, lương thấp, môi trường lao động không an toàn, sử dụng lao động trẻ em... Tuy nhiên, Tim cho rằng Apple có trách nhiệm giám sát cũng như cải thiện môi trường lao động tại các công ty đối tác.
Tim Cook cũng thể hiện sự quan tâm đến thị trường Trung Quốc, trong vòng bốn năm ông đã đến đây chín lần. Doanh số tại quốc gia tỷ dân đã tăng gấp đôi trong năm 2014.
Ông cũng thể hiện quan điểm về những vấn đề liên quan đến câu chuyện bảo mật của nền tảng iOS, giải thích lý do tại sao Apple từ chối yêu cầu mở máy của chính phủ nhiều nước: "Chúng tôi luôn luôn hợp tác với chính phủ nhưng việc mở khóa thiết bị đã thuộc về phạm trù đạo đức và riêng tư của mỗi cá nhân khi sử dụng sản phẩm. Apple không thể phân loại những mục đích tốt và xấu khi chúng bị xâm nhập. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang hợp tác với chính phủ nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố".
Theo Zing