Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang), chiều 14/3 hơn 20 nhà máy ở Khu công nghiệp Hlaing Tharyar, Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, đã bị tấn công và đốt phá, nhiều nhân viên người Trung Quốc bị thương và một số nhân viên bị mắc kẹt trong một thời gian. Các cơ sở bị đốt phá bao gồm các xưởng may mặc, các nhà máy gia công và sản xuất thiết bị phụ trợ. Hầu hết các đối tượng đốt phá đi xe máy cầm theo thanh sắt, rìu và can xăng, sau khi xông vào nhà máy, đầu tiên chúng đập phá, uy hiếp nhân viên trực nhà máy, sau đó phóng hỏa đốt nhà máy, kho hàng. Hiện tại, vẫn chưa thể xác định được danh tính của kẻ đốt phá.
Vào lúc 21h30, ngày 14/3, giờ Bắc Kinh, phóng viên CCTV đưa tin các xưởng sản xuất, nhà kho, ký túc xá và xe cộ thuộc hơn 20 nhà máy ở Yangon, Myanmar đã bị thiêu rụi, một số cửa hàng dọc phố cũng bị đập phá; nhiều nhân viên trực các nhà máy bị thương; ít nhất một nhà máy đã bị những kẻ đốt phá chiếm giữ. Do những kẻ đốt phá được trang bị vũ khí và một số người dân đã dựng rào chắn dọc đường vào khu vực này nên lực lượng cứu hỏa địa phương cho biết rất khó khăn trong công tác cứu nạn. Những người cứu hỏa tại hiện trường đều là nhân viên của nhà máy tự dập lửa.
Nhà xưởng bị phóng hỏa (Ảnh: Sina). |
Theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc, tối ngày 14/3, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã đưa ra tuyên bố về việc các doanh nghiệp vốn Trung Quốc tại Myanmar bị đập phá, cướp bóc và đốt cháy. Tuyên bố nói, chiều 14/3, nhiều nhà máy do Trung Quốc làm chủ tại Khu công nghiệp Hlaing Tharyar ở Yangon, Myanmar đã bị bọn tội phạm tấn công, cướp bóc và đốt phá, nhiều nhân viên người Trung Quốc bị thương và một số nhân viên bị mắc kẹt trong một thời gian.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã lập tức liên hệ với Phòng Thương mại Doanh nghiệp Trung Quốc Myanmar và các công ty liên quan, đồng thời nhanh chóng yêu cầu cảnh sát địa phương thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho các công ty và nhân viên do Trung Quốc tài trợ. Đại sứ quán cũng một lần nữa đưa ra lời nhắc nhở về an toàn đối với các doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar.
Xe hơi của chủ doanh nghiệp Trung Quốc bị đập phá (Ảnh: Sina). |
Người phát ngôn sứ quán Trung Quốc nói, chính sách thân thiện của Trung Quốc đối với Myanmar là hướng tới tất cả người dân Myanmar. Hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - Myanmar luôn dựa trên nguyên tắc cùng có lợi và kết quả đôi bên cùng hưởng lợi, đặc biệt chú trọng đến việc mang lại lợi ích cho người dân địa phương ở Myanmar. Phần lớn các công ty bị ảnh hưởng lần này thuộc ngành dệt may, đầu tư của các công ty Trung Quốc vào lĩnh vực này đã tạo ra gần 400.000 việc làm tại Myanmar. Hành động của những kẻ vi phạm pháp luật cũng gây tổn hại đến lợi ích của người dân Miến Điện.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar nêu rõ, tính chất của vụ đập phá, cướp bóc và đốt phá này là rất tồi tệ. Trung Quốc yêu cầu Myanmar thực hiện các biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, điều tra và xử lý các thủ phạm có liên quan theo quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar. "Chúng tôi kêu gọi người dân Myanmar hãy bày tỏ yêu cầu một cách hợp pháp, không được kích động hoặc lợi dụng để phá hoại mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Myanmar”.
Người Myanmar tụ tập bên ngoài nhà máy Trung Quốc bị đốt (Ảnh: Getty). |
Trong một đoạn video lan truyền trên Internet, phóng viên Thời báo Hoàn cầu thấy cửa kính trong nhà máy tên Mỹ Kiệt bị đập vỡ, lửa khói bùng lên dày đặc bên trong nhà máy; có người vội vàng cầm bình cứu hỏa chạy tới, ai đó hô to bằng tiếng Trung: "Nhanh dập lửa, nhanh dập lửa".
Một nhà kinh doanh ngành dệt may ở Myanmar nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu, hai công ty đầu tiên bị đập phá và phóng hỏa, một là Hoàn Cầu - một liên doanh Trung Quốc - Myanmar sản xuất quần áo; nhà máy còn lại là Mỹ Kiệt, là một doanh nghiệp dệt may 100% vốn Trung Quốc sản xuất các phụ kiện quần áo. Do lo ngại về an toàn, người này không dám tiết lộ tên tuổi cho các phóng viên. “Vừa rồi, chúng tôi đã nhận được tin từ nhiều công ty vốn Trung Quốc nói rằng hơn 20 công ty đã bị đập phá và phóng hỏa ở các mức độ khác nhau”. Người này nói tình hình hiện đang phát triển theo “hướng không thể kiểm soát”. “Tình hình vẫn chưa dừng lại, vẫn đang lan rộng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, ông này nói.
Tin nhắn đe dọa đốt phá công ty Trung Quốc được chia sẻ (Ảnh: Huanqiu). |
Khu công nghiệp Hlaing Tharyar nằm ở ngoại ô phía tây của Yangon, là khu công nghiệp phát triển sớm nhất và là một trong những khu công nghiệp phát triển nhất ở Yangon. Khu công nghiệp Hlaing Tharyar đã thu hút một số lượng lớn các doanh nghiệp vốn Trung Quốc đến đầu tư và xây dựng nhà máy tại đây, chủ yếu trong các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may.
Lỗ Đồng (Lu Tong), một doanh nhân đã hoạt động ở Myanmar nhiều năm, nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu ông sống ở Khu công nghiệp Hlaing Tharyar, chỉ cách nơi xảy ra vụ việc một hoặc hai km. “Chiều nay, tôi ở cổng cộng đồng cũng nhìn thấy lửa khói bốc lên nghi ngút”. Ông nói những người Trung Quốc đang ở Yangon “hiện rất lo sợ và không biết phải làm gì tiếp theo”.
Người biểu tình Myanmar mang khẩu hiệu phản đối Trung Quốc ủng hộ chính quyền quân sự (Ảnh: The Irrawaddy). |
Nhà doanh nghiệp Trung Quốc giấu tên nói ở trên cũng nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu rằng Phòng Lãnh sự và Văn phòng Kinh tế và Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã thành lập một nhóm WeChat liên lạc khẩn cấp với tất cả các công ty bị nạn để thống kê tình hình thực tế của tất cả các công ty bị cướp phá và bị đốt. Nhưng ông đồng thời cho rằng cảnh sát địa phương “hiệu quả rất kém” trong vấn đề này bởi vì “đơn giản là cảnh sát địa phương ở Yangon không thể quản lý được xã hội vào thời điểm này”.
Phóng viên của Thời báo Hoàn cầu lưu ý rằng ngay từ hai ngày trước khi vụ đập phá xảy ra, đã có những lời đe dọa có tổ chức trên mạng xã hội địa phương nhằm "biến thành tro" các nhà máy của người Trung Quốc. Vào ngày 12/3 theo giờ địa phương, một tài khoản tên là "Kyaw Win" được xác nhận là “người sáng lập và Giám đốc điều hành Mạng lưới Nhân quyền Myanmar (BHRN)” đã đăng một thông điệp cảnh báo trên Twitter, nói rằng “nếu một dân thường bị giết trong cuộc biểu tình, một nhà máy Trung Quốc sẽ bị biến thành tro”. Đoạn tweet này đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ, trong đó có tài khoản nổi tiếng mang tên Milk Tea Alliance Myanmar (Liên minh trà sữa Myanmar) với lời nhắn “Chúng tôi yêu người Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc không phải là bạn của Myanmar!”.
Hình ảnh nhà máy Trung Quốc bị đốt được phát trên CCTV. |
Theo phóng viên Thời báo Hoàn cầu, Mạng lưới Nhân quyền Myanmar (BHRN) được đăng ký chính thức vào năm 2015 và có trụ sở chính tại London. Tổ chức này tuyên bố “cam kết bảo vệ nhân quyền, quyền của người thiểu số và tự do tôn giáo ở Myanmar”.
Cũng cần lưu ý, vào cuối tháng 2 đã có nhiều chuyến bay không đăng ký chở hàng từ Côn Minh hạ cánh xuống Yangon bị nghi ngờ chở các thiết bị dùng cho chống biểu tình đến giúp chính quyền quân sự; Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đưa ra lời giải thích được cho là thiếu thuyết phục rằng các chuyến bay này “chở hải sản”. Sau đó, một số người biểu tình Myanmar đã trương khẩu hiệu “Hãy mang hải sản của các người đi”, “Ủng hộ Myanmar, đừng ủng hộ chế độ độc tài” bằng các thứ tiếng Anh, Myanmar và Trung Quốc.
Đêm muộn ngày 14/3, quân đội Myanmar thông báo qua Đài truyền hình MRTV: quân đội đã ban bố lệnh giới nghiêm và tiến vào tiếp quản khu công nghiệp Hlaing Tharyar.
Hình ảnh các công ty Trung Quốc ở Myanmar bị tấn công, đốt phá (Theo Huanqiu). |