Những diễn biến bất ngờ của nền kinh tế thế giới trong nửa đầu năm

VietTimes – Trong ấn tượng của nhiều người, ba quốc gia đứng đầu thế giới về GDP là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản; nhưng thực tế sau những biến động của tình hình quốc tế, điều này hiện đã không còn đúng.
Khoảng cách về GDP giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nới rộng (Ảnh: Sohu).

Trang chuyên đề Kinh tế - Tài chính của báo điện tử Trung Quốc Sohu ngày 25/8 đã đăng bài nhan đề: “Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gia tăng! GDP Đức vượt Nhật lên hạng 3, GDP Nga gây bất ngờ” phân tích về vấn đề này. Theo bài viết, trong những năm gần đây, khoảng cách GDP giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng được thu hẹp. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng GDP của Trung Quốc sớm hay muộn sẽ vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, xét theo số liệu GDP nửa đầu năm nay, tình hình đã có những bất ngờ nằm ngoài dự đoán.

Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục nới rộng

Trên thực tế, trong nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, với mức tăng hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ là 2,3%. Tuy nhiên, tỷ trọng GDP của Trung Quốc so với GDP của Mỹ lại giảm xuống còn khoảng 65% (năm ngoái là 70%). Nguyên nhân khiến khoảng cách về GDP giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gia tăng là do Fed liên tục tăng lãi suất và đồng USD liên tục tăng. Có hai mặt cần xem xét quanh việc Fed tăng lãi suất.

Một là, tỷ lệ lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao. Bằng cách liên tục tăng lãi suất, có thể giảm lạm phát xuống, điều này càng có lợi cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Mặt khác là việc Fed liên tục tăng lãi suất đã dẫn đến sự tăng giá trị của đồng USD, và một lượng lớn tiền vốn có thể quay trở lại Mỹ. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi mà còn làm vỡ bong bóng tài sản ở một số quốc gia khác, dẫn đến xảy ra khủng hoảng kinh tế và tài chính ở các quốc gia này.

Chính vì sự tăng giá liên tục của đồng USD và sự mất giá liên tục của đồng NDT đã dẫn đến khoảng cách GDP giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, Fed không thể nâng lãi suất mãi. Trong thời gian tới đây, Fed có khả năng ngừng tăng lãi suất nếu lạm phát trong nước được kiểm soát. Khi đó, tỷ giá đồng NDT sẽ ngừng giảm và phục hồi, khoảng cách về quy mô nền kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ có thể lại được thu hẹp hơn.

Vượt qua Nhật, Đức đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới (Ảnh: Sohu).

GDP của Đức vượt Nhật Bản

Trong một thời gian rất dài trước đây, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, GDP của Đức đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba. Nguyên nhân chính khiến GDP của Đức vượt qua Nhật Bản là do lạm phát trong nước ở Đức cao và trình độ phát triển kinh tế của Nhật Bản suy giảm.

Từ đầu năm nay, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, giá các nguyên liệu thô như dầu, khí tự nhiên liên tục tăng cao, dẫn đến lạm phát cao ở Đức và hiện tượng “phù thũng” tăng trưởng GDP ở Đức. Đồng thời, nền kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi "dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm", tiêu dùng liên tục sụt giảm, tăng trưởng kinh tế luôn xuất hiện xu thế giảm.

Dân số già hóa đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Nhật (Ảnh: 6parrk).

GDP của Nga gây bất ngờ ngoài dự đoán

Trong mắt rất nhiều người, sau xung đột Nga-Ukraine, Nga bị các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế gay gắt và trục xuất nước này ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, nền kinh tế Nga chắc hẳn đã chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, GDP của Nga đã vượt 2 nghìn tỉ USD vào năm 2022 và GDP bình quân đầu người đã đạt tới 15.000 USD.

Có hai lý do khiến nền kinh tế Nga tăng trưởng thay vì suy giảm: một là sau khi xung đột bùng phát, giá năng lượng trên thị trường quốc tế tăng mạnh và Nga lại trở thành nước xuất khẩu năng lượng lớn. Thứ hai là lạm phát đã xảy ra ở Nga và giá cả tăng mạnh cũng đã đẩy GDP tăng lên đáng kể.

Nền kinh tế Nga đang hưởng lợi từ việc giá năng lượng trên thế giới tăng (Ảnh: Sohu).

Theo phân tích của các chuyên gia, khoảng cách GDP giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nới rộng, nhưng đây chỉ là tạm thời và nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Đối với Đức hay Nhật Bản, ai sẽ trở thành quốc gia có GDP lớn thứ ba thế giới vẫn chưa rõ ràng, do tình hình phát triển của hai nền kinh tế lớn Nhật Bản và Đức hiện đều không được tốt.

Ngoài ra, GDP của Nga tăng lên chứ không giảm, chủ yếu do hưởng lợi từ sự tăng giá năng lượng toàn cầu và lạm phát trong nước. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của Nga tương đối đơn nhất, không có nhiều không gian để tăng trưởng kinh tế trong tương lai, một khi giá năng lượng giảm, những ngày tốt đẹp của Nga sẽ qua đi.

Theo Sohu