Những chiêu ‘lách’ trần sở hữu của chủ ngân hàng

Khi bị áp trần sở hữu cổ phần, các cổ đông lớn của một số ngân hàng vi phạm vượt trần đã miễn cưỡng thực hiện bán bớt cổ phần. Nhưng, họ lại “xé” nhỏ số cổ phần, bán cho nhiều “người thân” hoặc tổ chức không thuộc diện “bên liên quan”…
Một số cổ đông lớn bán cổ phần “từ tay trái sang tay phải” nhằm “lách” trần sở hữu tại ngân hàng
Một số cổ đông lớn bán cổ phần “từ tay trái sang tay phải” nhằm “lách” trần sở hữu tại ngân hàng

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2015 (VBF) ngày 30/11, Nhóm công tác ngân hàng đã đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc siết chặt các quy định về sở hữu cổ phần, điều kiện, giới hạn cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhất là, việc ban hành Thông tư 36 là “một bước tiến lớn để nâng cao tiêu chuẩn an toàn và minh bạch trong hoạt động của TCTD, hạn chế cổ phần chéo và đẩy mạnh việc tái cấu trúc ngân hàng”.

Áp trần thì lại… lách trần

Theo Luật các TCTD năm 2010, từ năm 2011, các cổ đông buộc phải giảm sở hữu về dưới 5% (với cá nhân), dưới 15% (với tổ chức). Đồng thời, đảm bảo tổng sổ hữu của nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 20%. 

Thực tế, tình trạng vi phạm vượt trần sở hữu cổ phần ngân hàng vẫn diễn ra khá phổ biến, kéo dài nhiều năm qua. Đơn cử, đầu năm 2014, ông Trầm Bê, Chủ tịch HĐQT Southernbank và các thành viên gia đình vẫn sở hữu tổng cộng hơn 20,1% vốn tại đây. Trong đó, ông Trầm Bê nắm 8,36% cổ phần, con gái Trầm Thuyết Kiều, Phó Tổng giám đốc nắm 7,36% vốn… là đều vi phạm sở hữu.

Tương tự, bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BacABank cũng sở hữu vượt trần với tỷ lệ 6,99% vốn (tại thời điểm 30/6/2013). Bà Tư Hường, cổ đông quyền lực của NamABank sở hữu hơn 14% vốn điều lệ và đến cuối năm 2012, mới giảm tỷ lệ xuống còn 5%. Song, tổng sở hữu của bà Tư Hường và các thành viên gia đình vượt trên 27%...

Tại Ngân hàng Quốc tế VIB, một số cổ đông lớn đã từng vi phạm tỷ lệ sở hữu, như: ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT từng nắm tới 13,6% vốn điều lệ. Cùng với vợ ông- bà Trần Thị Thảo Hiền (nắm 4,9%) thì tổng sở hữu của hai cổ đông này chiếm tới 18,5% vốn ngân hàng. Đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, hai cổ đông mới bán bớt cổ phần, trong đó, ông Vỹ giảm sở hữu về 4,99%, bà Hiền giảm về 0%.

Khi vợ chồng ông Vỹ bán ra hơn 13% cổ phần, thì gia đình “bên ngoại” của ông Vỹ lại tích cực “ôm” vào tới 10,21% cổ phần. Cụ thể, ông Trần Nhất Minh, Thành viên HĐQT (anh vợ ông Vỹ) liên tục mua - bán cổ phiếu và đến 30/6, tỷ lệ sở hữu là 0%. Nhưng bố mẹ ông Trần Nhất Minh đã mua tổng cộng 41,85 triệu cổ phiếu VIB, chiếm tỷ lệ 9,85%. Chị dâu ông Vỹ - bà Lê Thị Huệ trở thành cổ đông mới của VIB với tỷ lệ sở hữu 4,98%. Tổng sở hữu của 4 cổ đông gia đình ông Vỹ là 19,82% - vẫn “vừa vặn” dưới mức trần 20%.

Động thái chuyển cổ phần sở hữu từ “tay trái sang tay phải” khiến giới đầu tư cho rằng chỉ là động thái “chạy” trần sở hữu, lách quy định siết tín dụng đối với nhóm cổ đông liên quan theo Thông tư 36.

 Thiếu chế tài xử lý

 Với thực trạng vi phạm vượt trần sở hữu, Nhóm công tác ngân hàng VBF cho rằng, ngân hàng và khách hàng đang rất khó xác minh thông tin về nhóm khách hàng liên quan nên chưa đảm bảo sự tuân thủ pháp luật. NHNN cần sửa đổi định nghĩa về người có liên quan phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Hoặc cần hướng dẫn cách xác định những đối tượng kiểm soát hạn mức vay duy nhất.

Lo ngại này là có cơ sở khi không ít chủ ngân hàng đến nay vẫn phớt lờ quy định về giới hạn sở hữu, chây ỳ không chịu giảm tỷ lệ sở hữu. Trường hợp cổ đông lớn thoái vốn, thì lại tìm cách “xé” nhỏ cổ phần, chuyển nhượng lại cho “người thân” trong gia đình để đảm bảo mỗi cá nhân nắm không quá 5%, nhóm người liên quan nắm không quá 20%. 

Sẽ rất khó xác định tổng sở hữu thực sự của cổ đông lớn nếu họ sang tên cổ phần cho những “người thân” như anh/chị/em dâu, anh/chị/em chồng, cô/dì/chú/bác của bên nhà vợ/chồng, hay họ hàng không thuộc định nghĩa “người liên quan”. Hoặc cổ đông tổ chức nắm sở hữu lớn nhưng lại không còn là bên liên quan của Chủ tịch, Phó Chủ tịch ngân hàng…

Như tại Ngân hàng VIB, vợ chồng ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT chỉ nắm khoảng 0,53%, chị dâu ông Sơn – bà Đinh Thị Thanh Ký nắm 2,67%. Còn bên liên quan - Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại hệ thống quốc tế (Nettra - vợ ông Sơn là cổ đông nắm 5% vốn) sở hữu tới 14,9% vốn tại VIB. Tổng sở hữu của nhóm này hiện lên tới 18,1% vốn ngân hàng.

Được biết, cổ đông lớn Nettra có liên quan tới 3 cổ đông Đặng Khắc Vỹ, Đặng Văn Sơn, Đỗ Xuân Hoàng – Thành viên HĐQT (ông Hoàng và thành viên gia đình nắm 6,56%). Như vậy, chỉ 3 gia đình cổ đông chủ chốt này và cổ đông Nettra đã nắm tổng cộng tới… 44,48% vốn ngân hàng VIB.

Một trường hợp khó xác định sở hữu là uỷ quyền cho cổ đông cá nhân, tổ chức không liên quan một tỷ lệ cổ phần nhất định. Đơn cử, cổ đông lớn nhất - CtyCP Đầu tư Châu Thổ sở hữu 14,99% vốn điều lệ VPBank. Cuối năm 2011, Techcom Capital (thuộc Techcombank) nắm 7,7 triệu cổ phần (tỷ lệ 1,53% vốn) VPBank. Đây là số cổ phần nhận uỷ thác từ Công ty Châu Thổ nên tính chung, cổ đông lớn này nắm tới 16,99% vốn tại VPBank. 

Dường như, quy định áp trần sở hữu và siết chặt tín dụng đang “bỏ lọt” những nhóm cổ đông có quan hệ thân thiết với cổ đông nội bộ, bên liên quan của lãnh đạo chủ chốt. Thực tế, quyền lực chi phối ngân hàng vẫn nằm trong tay cổ đông dù họ không “đứng tên” trên cổ phần và chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì vi phạm “vượt trần”

Theo TBTC