|
Trong bài trước, BizLIVE đã phản ánh tình trạng nhiều người dùng điện thoại di động phải trả hàng triệu đồng khi đi du lịch, công tác ở nước ngoài có sử dụng dịch vụ roaming điện thoại. Rất nhiều trường hợp, người dùng phải chịu "ngậm đắng nuốt cay" móc hầu bao để trả tiền cho nhà mạng khi vô tư sử dụng điện thoại mà không cảnh giác.
Nắm rõ tình trạng thuê bao
Việc chuyển vùng quốc tế hiện nay đã được các nhà mạng trong nước tối giản hoá quy trình, người dùng chỉ cần thực hiện từ 1 đến 2 bước cơ bản qua SMS hoặc mã USSD là có thể đăng ký được việc chuyển vùng của mình.
Một số nhà mạng còn tự động kích hoạt chuyển vùng quốc tế khi thuê bao di chuyển sang nước ngoài. Chính vì sự đơn giản này mà nhiều người dùng thường bỏ qua các quy định về tính phí của nhà mạng.
Tin nhắn tự động thông báo đã cho thuê bao Mobifone khi đi ra nước ngoài
Hiện nay với 3 nhà mạng lớn trong nước, Mobifone sẽ tự động kích hoạt chuyển vùng quốc tế cho khách hàng trong khi Vinaphone và Viettel phải thực hiện đăng ký qua tin nhắn SMS. Việc đăng ký này khách hàng phải thực hiện khi đang ở Việt Nam. Khi đã ra nước ngoài thì vẫn có cách đăng ký trực tuyến qua Internet.
Chủ động hủy roaming khi về nước
Mặc định các nhà mạng thường duy trì thời gian mở dịch vụ chuyển vùng quốc tế cho khách hàng trong thời gian 30 ngày. Nếu người dùng về nước sớm hơn thời gian đó thì dịch vụ sẽ không tự huỷ khi trở về nước nên ở khu vực biên giới, rất có thể điện thoại của người dùng vẫn đang bắt sóng của mạng di động nước bạn.
Người dùng nên chủ động nhắn tin huỷ dịch vụ chuyển vùng đến tổng đài để khi thực hiện cuộc gọi hay bất kỳ hoạt động phát sinh cước phí nào cũng không bị tính mức giá khi ở nước ngoài.
Làm gì cũng bị tính tiền
Khi chuyển vùng quốc tế, hầu hết các hoạt động của khách hàng đều bị tính phí, kể cả nhận cuộc gọi. Tất cả các mạng di động trong nước hiện nay khi chuyển vùng khách hàng đều sẽ bị tính cước theo block 1 phút. Như vậy những cuộc gọi có thời lượng chỉ vài chục giây cũng sẽ phải trả tiền cước cho cả phút. Điểm đáng lưu ý nữa là cước cuộc gọi của từng nước là khác nhau. Hiện nay Viettel, Mobifone và Vinaphone đang chia các nước trên thế giới thành 5 vùng ứng với 5 mức giá khác nhau.
Khi khách hàng có nhu cầu di chuyển đến nước nào thì nên nghiên cứu kỹ mức giá cuộc gọi khi ở nước này. Một số nước có mức giá khá “chát”. Bạn sẽ phải trả hơn 100.000 đồng cho mỗi phút gọi điện thoại ở đó.
Hãy cân nhắc khi sử dụng data ở nước ngoài
Sử dụng dữ liệu (2G/3G) ở nước ngoài cũng mất một chi phí “cắt cổ” cho các thuê bao di động. Mức giá rẻ nhất hiện nay là khoảng 300.000 đồng cho mỗi 1MB dữ liệu. Chính vì vậy, một lời khuyên cho các khách hàng là hãy suy nghĩ thật kỹ khi kích hoạt dữ liệu.
Hiện nay Vinaphone đã có dịch vụ cảnh báo mức data đã sử dụng và có thể tự động khoá data khi khách hàng sử dụng đến một mức nào đó. Viettel cũng đã ra mắt một ứng dụng cho phép khách hàng kiểm soát mức độ sử dụng cuộc gọi, tin nhắn và dữ liệu của mình khi chuyển vùng.
Mua gói cước phù hợp với nhu cầu
Một cách khác là mua gói cước dữ liệu của nhà mạng trong nước có thể tiết kiệm khoảng một nửa con số trên.
Bên cạnh gói cước về dữ liệu, các nhà mạng có những gói cước về cuộc gọi và tin nhắn nhằm giúp người dùng kiểm soát được mức sử dụng của mình. Ví dụ Mobifone có gói cước chuyển vùng quốc tế với mức giá thấp nhất từ 500.000 đồng, khách hàng sẽ có được cung cấp một số phút gọi và nghe cùng với số lượng tin nhắn nhất định. Tránh cho khách hàng phát sinh thêm cước ngoài mong muốn.
Một quảng cáo gói cước roaming của Mobifone
Tuy nhiên các gói cước này thường được quy định chỉ có hiệu lực khi điện thoại của khách hàng thu sóng của một nhà mạng được quy định trước. Khách hàng khi mua gói cước nên tham khảo kỹ các thông tin trước khi thực hiện để tránh việc đã mua gói cước rồi nhưng vẫn bị tính phí như chuyển vùng thông thường.
Mua sim của nước mình đến
Đây thật sự là một giải pháp rất tiết kiệm nhất khi đi du lịch. Nếu tính chi phí cho việc đăng ký và sử dụng dịch vụ roaming có thể tốn tới cả triệu đồng mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thì việc mua một chiếc sim điện thoại tại nước đến là một giải pháp tiết kiệm hơn rất nhiều.
Trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội về du lịch, mọi người thường hay chia sẻ với nhau về kinh nghiệm sử dụng điện thoại tại nước mình đến. Một trong những kinh nghiệm này là tìm mua loại sim được bán riêng cho khách du lịch. Thường các loại sim này không yêu cầu người dùng phải đăng ký gì, chỉ cần mua và sử dụng.
Ví dụ như ở Singapore, hãng di động Singtel của nước này có bán sim cho khách du lịch đến đây với mức giá cực kỳ hấp dẫn vào khoảng 15 SGD” (tương đương 250.000 đồng). Thẻ sim này được nhà mạng tại Singapore quảng cáo là phù hợp cho việc du lịch trong 5 ngày với 30 phút gọi ra ngoài Singapore và 100GB dữ liệu.
Đây là một mức sử dụng khổng lồ, đảm bảo cho bạn có thể sử dụng smartphone cho những nhu cầu tải bản đồ cho việc du lịch và thực hiện các dịch vụ OTT để tiết kiệm chi phí cho các cuộc gọi quốc tế.
Do các nhà mạng thường bán gói kit cho khách du lịch bao gồm tiền SIM và một ít tiền trong tài khoản. Ví dụ ở Trung Quốc, một SIM được bán với giá khoảng 150 NDT, trong đó 100 NDT tiền SIM, chỉ có 50 NDT tiền trong tài khoản nghe gọi. Với những khách đi du lịch, thời gian sử dụng ngắn chỉ vài ba ngày, trong khi thời gian sử dụng SIM dài ngày sẽ là rất lãng phí. Vì vậy, nhiều người có thói quen lên các diễn đàn du lịch xin hoặc mua lại các SIM cũ của nước sắp đến đã qua sử dụng của những người đi về trước. Đây cũng là một cách tiết kiệm tiền đáng kể.
Nhắn tin SMS qua mạng
Nếu bạn có thể vào WIFI miễn phí, bạn cũng có thể tranh thủ nhắn tin qua mạng. Hiện một tin nhắn SMS nếu gửi thông thường là 7.000-16.000 đồng, nhưng nếu bạn có thể truy cập vào các trang web của nhà mạng, bạn có thể thực hiện nhắn tin miễn phí (chịu quảng cáo, mỗi nhà mạng cho miễn phí khoảng 10 tin nhắn/ngày) hoặc trả mức phí khoảng 250 đồng/SMS.
Việc nhận SMS là thông thường là miễn phí, nên người dùng vẫn có thể trao đổi thông tin với người thân mà không tốn kém.
Các nhà mạng thường cho phép người dùng SMS (có kèm quảng cáo) miễn phí trên website
Theo Bizlive