Mất từ vài chục phút đến một tiếng dạo qua các trang bán hàng trực tuyến hay mạng xã hội, người tiêu dùng đã có thể sắm tương đối hàng hóa Tết, thay vì phải chạy đôn chạy đáo khắp các chợ hay siêu thị như trước đây. Công nghệ hiện đại đang giúp các bà nội trợ tiết kiệm được thời gian không nhỏ cho việc sắm Tết.
Tiện lợi mua bán
Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chị Thu Hương (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) lướt qua mạng xã hội facebook của một số người bạn để tìm mua thực phẩm, hàng hóa cho Tết, tránh việc đến sát Tết mới cập rập đi mua. Trên nhiều mạng xã hội của bạn bè, hàng hóa rao bán đa dạng từ các sản vật nội địa như cam Tuyên Quang, bánh chưng Tranh Khúc... đến đồ ngoại như bánh kẹo, hạt hướng dương Nga, sôcôla Bỉ...
“Mỗi người bán một loại hàng, chịu khó lướt facebook tôi thấy hàng hóa đa dạng không kém tại siêu thị. Được ngồi một chỗ xem đồ, đặc biệt là hàng của người quen bán nên tôi rất yên tâm”, chị Hương chia sẻ.
Rao bán bánh chưng trên Facebook.
Hiện chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Khắp các mạng xã hội, người người nhà nhà rao bán hàng Tết theo kiểu nhà có gì bán nấy. Nhiều người còn kì công tự muối hành, làm mứt Tết để bán. Do đó, hàng hóa bán qua facebook rất đa dạng và giá khá rẻ so với ngoài thị trường.
Chị Nguyễn Xuân Quỳnh (nhân viên một công ty tại Trung Văn, Hà Nội) rao bán bánh chưng dịp Tết này. Chị Quỳnh bán các loại bánh chưng lạ như bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng gấc, bánh tày... và cả bánh chưng truyền thống. Tuy là hàng Tết nhưng chị Quỳnh giữ nguyên giá bánh như ngày thường (50.000 đồng/chiếc), khách có thể nhận bánh vào ngày tùy chọn.
“Tôi đặt bánh của nhà người quen tại quê Nam Định, sau đó chuyển lên Hà Nội bán cho khách. Khách đặt bánh ban đầu là người quen, ăn thấy ngon nên lại giới thiệu cho bạn bè mua, ai cũng yên tâm về chất lượng”, chị Quỳnh cho biết.
Không chỉ “chợ facebook” sôi động mà trên Internet, có những trang web chuyên bán quà và thực phẩm Tết. Mức giá rất đa dạng từ bình dân đến cao cấp, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Chẳng hạn, trên trang sắm Tết online sendo.vn, các phần quà Tết được đóng gói sẵn, bao gồm rượu, bánh kẹo, mứt, cà phê... với giá từ 200.000 đồng - trên 2 triệu đồng. Ngoài ra, trang web này cũng bán lẻ các mặt hàng như bánh chưng, rượu, các loại hạt khô, quần áo thời trang...
Với ưu điểm tiết kiệm thời gian, dễ so sánh giá cả giữa các mặt hàng, sắm Tết qua mạng đang trở thành lựa chọn của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ và nhân viên công sở. Càng sát Tết, mua bán qua mạng càng trở nên sôi động.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ
Tuy rất tiện lợi nhưng thực tế, khi mua sắm online, người tiêu dùng không được quan sát trực tiếp, cầm, thử và đánh giá sản phẩm. Do vậy, nhiều trường hợp sau khi đặt mua và nhận được sản phẩm mới nhận thấy sản phẩm thật không giống với quảng cáo về tính năng hay chất liệu.
Bà Tôn Minh Hương (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái đã quyết định mua giỏ quà Tết qua mạng do tiện lợi, nhân viên mang đến tận nhà mà giá cũng rất phải chăng. Quan sát bên ngoài, gói quà rất bắt mắt, nếu đem đi biếu thì đảm bảo lịch sự. Tuy nhiên, để cẩn thận, bà Hương nhờ con trai bóc ra xem hạn sử dụng của hàng trong giỏ quà thì mới tá hỏa. Một vài sản phẩm như hộp chè, gói kẹo đã hết hạn sử dụng. Có gói kẹo còn bị chảy.
“Tôi rút kinh nghiệm không bao giờ mua giỏ quà online nữa. Thay vào đó, tôi sẽ mua từng món hàng mình thích, đảm bảo về chất lượng, hạn sử dụng rồi nhờ nhân viên đóng gói cho”, bà Hương nói.
Không chỉ mua hàng trên các website tiềm ẩn rủi ro mà ngay cả việc mua hàng qua các trang facebook bạn bè cũng không an toàn tuyệt đối. Chị Huyền Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ vừa mua một chiếc máy gói nem tự động qua facebook một người bạn. Đang hí hửng Tết này sẽ không phải lọ mọ ngồi gói nem nữa nhưng ai dè, khi sử dụng chiếc máy thì nem thành phẩm không hề vuông vức như clip quảng cáo trên facebook. Cũng may, chị Trang có thể mang đổi máy lấy lại tiền do… là chỗ quen biết.
Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương (cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sắm online cần lưu ý: xác minh lại các thông tin quảng cáo trước khi đưa ra quyết định mua sắm; thận trọng với những sản phẩm sử dụng hàng ngày nhưng giá quá cao; luôn đặt câu hỏi với những sản phẩm được quảng cáo “rất tốt”, “ưu việt”, “số 1 thị trường”; cảnh giác với những sản phẩm không có thương hiệu hoặc thương hiệu không nổi tiếng…
Luật sư Nông Minh Đức cũng đưa ra lời khuyên, người mua hàng online phải nắm rõ và hiểu về các điều kiện nếu muốn trả lại hàng, nhất là với những giỏ hàng có giá trị lớn để không rơi vào hoàn cảnh tiền mất tật mang.
Theo BaoTinTuc