Nhóm vũ trang Houthi công bố video đánh chìm tàu chở hàng Hy Lạp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 20/6 theo giờ địa phương, nhóm vũ trang Houthi ở Yemen đã công bố đoạn video với hình ảnh đáng sợ về vụ dùng UAV, xuồng tự sát và tên lửa đánh chìm tàu ​​chở hàng "TUTOR" của Hy Lạp.

Tàu TUTOR xảy ra nổ lớn sau khi bị tấn công (Ảnh: SCMP)
Tàu TUTOR xảy ra nổ lớn sau khi bị tấn công (Ảnh: SCMP)

Trước đó, ngày 12/6 theo giờ địa phương, nhóm vũ trang Houthi thông báo đã tấn công tàu chở hàng "TUTOR" trên Biển Đỏ bằng tàu cao tốc không người lái (USV), máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa đạn đạo.

Vào tối ngày 18/6 theo giờ địa phương, theo Văn phòng Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (United Kingdom Maritime Trade Operations, UKMTO) trực thuộc quân đội Hoàng gia Anh, tàu chở hàng "TUTOR" (MV Tutor) của Hy Lạp bị lực lượng vũ trang Houthi tấn công đã chìm cách Hodeidah, Yemen 66 hải lý về phía Tây Nam.

Đây là lần thứ hai nhóm vũ trang Houthi đánh chìm một tàu chở hàng ở Biển Đỏ kể từ khi họ tuyên bố tấn công các tàu trên tuyến hàng hải này. Trước đó, tàu chở hàng "Rubymar" của Anh đã bị chìm ở vùng biển ngoài khơi Yemen hôm 1/3 sau khi bị trúng tên lửa của nhóm vũ trang Houthi.

Sau khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, lực lượng vũ trang Houthi đã nhiều lần sử dụng máy bay không người lái và tên lửa tấn công các mục tiêu ở Biển Đỏ. Kể từ ngày 12/1 năm nay, lực lượng Mỹ và Anh đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự của Houthi, gây thương vong lớn về người. Một số nước đã lên án hành động của Mỹ và Anh, cho rằng đây là hành vi xâm phạm chủ quyền của Yemen và sẽ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong khu vực.

Theo tin của ReutersAFP, tàu TUTOR treo cờ Liberia, do một công ty Hy Lạp sở hữu và điều hành, đã bị trúng một số tên lửa và một chiếc thuyền điều khiển từ xa chở đầy chất nổ vào ngày 12/6 trên vùng biển phía tây nam Hodeida do Phong trào thanh niên Houthi Yemen kiểm soát.

Vào thời điểm đó, tàu TUTOR đang chở thủy thủ đoàn 22 người Philippines. Sau cuộc tấn công, thân tàu bị thủng nhiều lỗ. Chính quyền quân sự Yemen đã sơ tán tất cả mọi người trên tàu vào ngày 14/6 và đưa thủy thủ đoàn trở về Philippines. Bộ Di trú và Lao động Philippines ban đầu báo cáo rằng một thành viên phi hành đoàn vẫn mất tích, nhưng Nhà Trắng ngày 17/6 thông báo rằng thành viên phi hành đoàn này đã chết.

Khi bị tấn công, phòng máy của tàu TUTOR đã bị nổ tung, thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng được cho là đang làm việc trong phòng máy vào thời điểm đó. Tàu TUTOR tiếp tục bị vào nước và trôi dạt trên biển sau khi thủy thủ đoàn được sơ tán.

Văn phòng UKMTO của Anh đêm 19/6 cho biết tàu TUTOR "được cho là đã bị chìm" và "chính quyền quân sự báo cáo rằng mảnh xác tàu ​​đắm và ô nhiễm dầu đã được phát hiện thấy tại địa điểm TUTOR được nhìn thấy lần cuối cùng".

Ông Andreas Tsavliris, người đồng sở hữu công ty cứu hộ biển "Tsavliris' Salvage", ngày 20/6 nói với Reuters rằng hai tàu cứu hộ ban đầu dự định giải cứu TUTOR, nhưng lực lượng hải quân chiều hôm qua đã thông báo rằng tàu chở hàng này đã bị chìm "do đó chúng tôi đã hủy bỏ nhiệm vụ".

Đây là tàu chở hàng thứ hai bị nhóm vũ trang Houthi đánh chìm ở Biển Đỏ trong những tháng gần đây. Trước đó, một tàu chở phân bón mang tên “Rubymar” (MV Rubymar) của Anh đã chìm hôm 2/3, khoảng hai tuần sau khi trúng tên lửa hồi cuối tháng 2.

Tau TUTOR bi phat no.gif
Tàu TUTOR phát nổ sau khi bị tấn công (Ảnh: TKWW).

Vào tuần trước, lực lượng Houthi cũng tấn công tàu chở hàng treo cờ Palau mang tên "MV Verbena" chở gỗ xây dựng ở Vịnh Aden, khiến thân tàu bị hư hỏng nặng và tàu bốc cháy. Thủy thủ đoàn đã phải bỏ tàu sau khi không thể dập được lửa. Con tàu hiện vẫn đang trôi dạt trên Vịnh Aden, nó có thể bị chìm hoặc bị tấn công lần nữa.

Nhóm vũ trang Houthi kể từ tháng 11/2023 đã liên tiếp tấn công các tàu trên tuyến đường thủy quan trọng, tuyên bố rằng họ hành động là để trả đũa cuộc chiến của Israel chống lại nhóm Hamas. Điều này đã buộc các công ty vận tải biển phải tránh vận chuyển qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez và đi đường vòng xa hơn đến cực nam châu Phi, dẫn đến khoảng cách vận chuyển dài hơn và giá cước vận tải cao hơn.

Theo Worldjounal, TKWW