Nhờ VNPay TV, K+ mua được bản quyền EPL “giá tốt”

Chính việc áp đặt giá trần của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) - không mua bằng mọi giá và không vượt quá 20% giá của 3 mùa trước - đã giúp cho K+ trong vấn đề đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh mùa 2016-2019.
Nhờ VNPay TV, K+ mua được bản quyền EPL “giá tốt”
Nhờ VNPay TV, K+ mua được bản quyền EPL “giá tốt”

Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV - đơn vị sở hữu truyền hình K+) cho biết như vậy khi trả lời VnEconomy và báo chí, chiều 25/4, sau khi đơn vị này chính thức mua được giải bản quyền Ngoại hạng Anh (EPL) ba mùa giải tới.

Ông Công nói: 

- Thực ra, ý tưởng ban đầu của VNPay TV rất tốt, không muốn giá bản quyền Ngoại hạng Anh bị đẩy cao. Nhưng sau 5 tháng và nhiều lần đề xuất VNPay TV là phải chọn giải pháp thiết thực và thực tế, chúng tôi đã nói thẳng với VNPay TV rằng chúng ta không nên cố vào những việc không thể làm được, nên tìm những cách khác tốt hơn.

Tuy vậy, cũng nhờ giá trần Hiệp hội đưa ra làm cơ sở để chúng tôi đàm phán với MP&Silva (đơn vị trúng thầu gói bản quyền nghe nhìn giải bóng đá EPL tại Đông Á và Đông Nam Á) với quan điểm không thể mua vượt quá ngưỡng này và cuối cùng họ đã chọn chúng tôi.

Tôi nghĩ các mùa giải sau sẽ không có chuyện tranh cãi về việc mua bản quyền như này, vì luật chơi đã rất rõ ràng.

Mua giá bao nhiêu?

Ông có thể cho biết giá bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa tới mà K+ đã mua được là bao nhiêu?

Một số thông tin liên quan đến giá cả, tài chính là thông tin bí mật, chúng tôi không thể tiết lộ, nhưng giá mua bản quyền đều tuân theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và đề xuất của VNPay TV.

Tất nhiên, sau mỗi mùa giải đều có tăng giá, biến động mạnh, thậm chí gấp đôi gấp ba so với mùa giải trước. Mục tiêu của K+ là không để tăng giá quá cao và hạn chế tối đa mức tăng giá bản quyền. Trong lần đàm phán này, VSTV ủy quyền cho đối tác Canal+ đàm phán theo một số điều kiện nhất định và đã đạt được kết quả tốt.

Tức là K+ đã mua được bản quyền EPL ba mùa 2016-2019 không vượt quá ngưỡng trần như kiến nghị của VNPay TV?

Tôi rất vui mừng là chúng tôi còn mua được giá tốt hơn mức của Hiệp hội đề xuất (khoảng không quá 46 triệu USD - PV).

Như thế nghĩa là đối tác đã bán lỗ cho các ông? Vì được biết, MP&Silva đã mua bản quyền EPL với giá được đánh giá không dưới 60 triệu USD.

Tôi cũng không biết là họ có bán lỗ hay không vì kinh doanh không thể bằng con số tuyệt đối được, vì bản quyền họ mua là cho cả khu vực. Đó là bài toàn tổng thể của người ta. Như một số đài truyền hình có từng ấy kênh, có kênh lãi nhưng cũng nhiều kênh lỗ nhưng nhằm mục tiêu khác.

Vì thế không thể nhìn một việc đánh giá người ta lỗ hay lãi mà bài toán kinh doanh phải tổng thể, có thể lỗ cái này nhưng lại lợi cái khác.

Riêng VSTV không thể mua được

Như ở trên ông có nói là đã ủy quyền cho Canal+ mua. Tại sao VSTV không tự đứng ra mua?

Từ khi thành lập hội đồng thành viên, chúng tôi đã ủy quyền để Canal+ mua. Như các giải lần trước, giải mùa này cũng vậy.

Canal+ mua thì dễ hơn rất nhiều, vì thương hiệu, quy mô, tình hình tài chính của Canal+ đều tốt hơn VSTV. Một “ông” đang lỗ, một bên có thể đảm bảo tài chính, người bán sẽ chọn ai? 

Thứ hai, Canal+ cũng là công ty mẹ nên khi chúng tôi khó khăn họ đã đứng ra mua, đã ứng tiền ra trước và chúng tôi sẽ trả dần sau. Về mặt tài chính VSTV không thể đảm bảo nếu không có sự hỗ trợ của Canal+.

Thứ ba là khi một công ty nước ngoài cùng khối EU, người ta có hiệp định tránh đánh thuế hai lần, nếu VTSV đứng ra mua thì vừa bị thuế thu nhập doanh nghiệp vừa bị thuế nhà đầu tư nước ngoài ở đây. Còn nếu Canal+ mua sẽ tránh được hai lần thuế, chỉ bị một lần thôi. 

Nói chung, Canal+ mua chúng tôi được lợi thế rất nhiều. Thậm chí Canal+ không mua thì chúng tôi cũng không thể làm được.

Nhưng đâu đó có ý kiến rằng, việc để công ty “mẹ” Canal+ mua có khả năng sẽ dẫn đến việc chuyển giá?

Đúng là trước đây người ta cũng đặt câu hỏi tại sao lại phải mua lòng vòng, phải chăng là muốn chuyển giá? Thì tôi đã phân tích ở trên đó chính là lý do để Canal+ mua. 

Còn thực tế thì kiểm toán thường xuyên kiểm tra, tìm hiểu xem có manh mối nào chuyển giá không. Các đơn vị kiểm toán đã kiểm toán nhiều lần và tái kiểm toán và đều khẳng định không có chuyển giá. Chúng tôi rất minh bạch, rõ ràng.

Ví dụ như việc mua bản quyền lần này hết bao nhiêu tiền Canal+ sẽ báo lại chúng tôi biết để đồng ý, khi xong hợp đồng thì hợp đồng được chuyển cho K+ mà không thêm một khoản phí nào hết. Trách nhiệm của công ty mẹ là phải chuyển giao toàn bộ. 

Tất cả đều có hóa đơn hai chiều và rất minh bạch. Vì chúng tôi biết đây là vấn đề lớn nhất mà thế nào các cơ quan Nhà nước cũng “soi” nhiều nhất.

Có EPL, có giảm được lỗ?

Trong văn bản mới đây của VSTV gửi Bộ Thông tin và Truyền thông có cho rằng, nếu không có bản quyền Ngoại hạng Anh thì K+ sẽ lỗ nặng hơn. Vậy giờ có bản quyền rồi thì lộ trình giảm lỗ hàng nghìn tỷ (lũy kế) hiện nay của K+ sẽ như nào?

K+ ngoài chi phí quan trọng ban đầu cho nội dung (bản quyền), chúng tôi còn chi phí rất lớn nữa là lãi vay. 

Như tôi đã nói, khi góp vốn vào liên doanh với tổng cộng là 54 triệu USD nhưng hai bên mới góp được 20 triệu, trong khi đó VTV lại không có tiền mặt, 80% tiền mặt là do Canal+ cho vay, xong họ lại bảo lãnh để doanh nghiệp đi vay tiếp, vì thế phải trả lãi. 

Đến thời điểm này lãi mẹ đẻ lãi con, mỗi năm chúng tôi mất 5 triệu USD lãi vay.

Trong số lỗ như báo chí đã thông tin thì phần lãi vay rất lớn. Bởi thế mới có chuyện tại sao VTV đang muốn thoái vốn.

Hiện mình giữ 51% nhưng lại không có tiền thì để cho bên có tiền đầu tư vào. Chứ kinh doanh cứ trả lãi vay như vậy, mất một nửa rồi, thì đi làm để trả lãi suốt à. Vấn đề đặt ra, một là hai bên góp tiền cho đủ số vốn ban đầu, thì đỡ đi hàng trăm tỷ đồng lãi vay. Nhưng chủ trương của Chính phủ hiện giờ chỉ có thoái vốn chứ không bỏ tiền đầu tư thêm.

Vì thế, giải pháp bù là, nếu bên này không có vốn thì để bên kia tăng thêm. Đàng nào tiền họ cũng bảo lãnh vay cho mình rồi. Tóm lại làm sao phải có đủ vốn hoạt động ban đầu. 

Tôi muốn hỏi cụ thể về lộ trình giảm lỗ của các ông cơ?

K+ đã tính toán có bản quyền thì thế nào, không có thì thế nào. Việc mua bán vừa rồi không phải năm ăn năm thua, không thể khẳng định lúc nào cũng mua được, rất khó. 

Bài toán không có bản quyền thì sẽ lỗ nặng hơn. Vì K+ là kênh thể thao hàng đầu, người ta kỳ vọng trở thành thuê bao để được sở hữu kênh về thể thao bóng đá, nếu không có thì rất khó. Nhiều hãng có tới hai chục năm, đủ bề dày kinh nghiệm để giữ được thuê bao, còn mình mới có hai mùa bóng thì chưa đủ sức để giữ chân thuê bao nếu không có bản quyền bóng đá.

Khi có bản quyền, theo tính toán của K+, với việc giảm giá thuê bao để tăng số lượng thuê bao lên, đồng thời khi tăng nội dung thuê bao lên để phát cả các chương trình quảng cáo, các nội dung khác… thì dự kiến đến năm 2017 là hòa vốn trở lại và có lãi. 

Cũng trong một công văn mà VTV mới đây gửi Văn phòng Chính phủ có dẫn thông tin “theo các báo cáo kết quả khảo sát và tính toán của phía đối tác Canal+, các phương án kinh doanh khác đều xấu hơn (hoặc phá sản ngay hoặc kéo dài thời gian lỗ mà không có điểm dừng)”, vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn được không?

Tôi nghĩ ý của VTV là tránh các trường hợp xấu mà buộc phải phá sản thì thiệt hại cho Nhà nước thôi chứ không bao giờ có quan điểm tình trạng phải phá sản của K+.

Còn lỗ không có điểm dừng là nếu cứ đầu tư không đến nơi đến chốn, tiền thiếu, vốn thiếu, lãi mẹ đẻ lãi con, không có phương án bổ sung, thì đúng là lỗ không có điểm dừng, vì cứ cộng dồn cộng dồn. 

Một doanh nghiệp như này lãi trăm tỷ đồng là khó lắm. Giờ phải trả trăm tỷ lãi thì đó là vấn đề lớn nếu không có kế hoạch chi tiêu. Tất nhiên, chúng tôi không thể để như vậy. Lỗ hết như vậy thì rất khó cho doanh nghiệp. 

Ở đây là đề xuất Chính phủ cho giải pháp để vừa bảo toàn vốn ban đầu, thứ hai là để có thêm nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung thêm cho kinh doanh.

Không phải tất cả các phương án kinh doanh đều xấu hơn. Tại sao chúng tôi phải bảo vệ mọi cách để mua được EPL là vì các phương án khác đều xấu hơn. Trong đó, mua bản quyền là hình thức quan trọng nhất của phương án kinh doanh. Các kênh K+, giá trị cao nhất là bản quyền thể thao, trong đó đặc biệt là EPL. 

“Nhà nước không mất gì cả”

Theo kế hoạch dự kiến sắp tới VTV có tính đến phương án sẽ thoái vốn tại K+. Nhưng trong bối cảnh K+ đang lỗ như hiện nay thì có là thất thoái vốn Nhà nước hay không?

Tôi xin nói lại là khi VTV và Canal+ liên doanh, vốn góp của VTV chỉ là hiện vật, cụ thể là trạm phát lên (vệ tinh Vĩnh Phúc) nhưng giờ chúng tôi đã đầu tư hoàn toàn mới, vì công nghệ cũ không đảm bảo. Chúng tôi đã đầu tư lên tới 12 triệu USD.

Trạm đó là vốn của Nhà nước, khi K+ còn hoạt động thì nó vẫn phục vụ, không mất đi đâu cả. Hơn nữa, theo quy định mới về cung cấp dịch vụ truyền hình, kể cả trong trường hợp K+ dừng hoạt động hoặc chuyển chủ đầu tư thì trạm vẫn phải hoạt động để phục vụ thuê bao. Nhà nước không mất gì cả.

Ở thời điểm liên doanh, mỗi bên góp 10 triệu USD nhưng giờ giá trị của K+ đã tăng lên nhiều lần (nhưng cũng đang lỗ lũy kế gần 2.000 tỷ đồng). Vậy nếu thoái vốn bây giờ thì VTV sẽ nhận được lợi ích gì?

VTV hiện chiếm 51% nhưng với tình hình cứ lỗ dài dài thế này thì VTV sẽ không được gì cụ thể từ việc chia lợi nhuận. 

Nếu bán đi một nửa thì VTV vẫn còn lại một nửa. Tuy nhiên, phần bán đi phải thỏa mãn được điều kiện thì mới bán, cụ thể là đủ để trả hoàn toàn 10 triệu USD đóng góp ban đầu cho Nhà nước bằng tiền mặt. Phần còn lại (một nửa) chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục đầu tư phần đóng góp vốn của mình.

Như vậy, cái được ở đây là chúng tôi vẫn còn 25% cổ phần, thứ hai sẽ trả hoàn toàn Nhà nước để không còn một đồng nào ở K+ để không phải lo rủi ro, và thứ ba là có nguồn để bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Vậy hiện đã có đối tác nào ngỏ ý muốn mua cổ phần của K+ chưa?

Hiện tại thì chưa ai ngỏ ý mua cả. 

Khi báo chí đăng không biết người ta có quan tâm không, nhưng theo Luật Doanh nghiệp, khi muốn thoái vốn, chuyển nhượng vốn, là một trong những biện pháp tái cơ cấu lại để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. 

Ưu tiên ban đầu bao giờ cũng là bán bớt cho bên kia (đối tác liên doanh), nếu có đối tác khác rất quan tâm trả giá cao thì hoàn toàn có thể mua, nhưng phải được sự đồng ý của hai bên.

Theo VnEconomy