Báo cáo về tình hình tổ chức hoạt động, quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu thương hiệu K+) mà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vừa gửi Văn phòng Chính phủ đã cho thấy thông tin về những khoản lỗ lớn tại K+.
K+ là công ty liên doanh giữa Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VTV Cab - đơn vị thuộc VTV, sau đó vốn góp của VTV Cab chuyển về VTV quản lý) và tập đoàn Canal+ International Development của Pháp, trong đó VTV nắm giữ 51% vốn điều lệ tại K+.
Tổng số vốn góp của VTV và Canal+ là 20,1 triệu USD, phía Canal+ góp 9,8 triệu USD bằng tiền mặt, VTV góp 10,2 triệu USD bằng tài sản quy đổi.
Mỗi năm trả hơn 100 tỷ đồng lãi vay
Báo cáo do Phó tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương ký gửi Văn phòng Chính phủ, cho biết, kết quả kinh doanh của K+ từ năm 2009 -2015 với số lượng thuê bao đã tăng từ 95.602 (năm 2009) lên 803.229 vào năm 2015.
Tương tự, tổng doanh thu tăng từ 24,6 tỉ đồng lên 1.269 tỉ đồng (2015). Lãi + lỗ trước lãi vay từ -59,5 tỉ đồng xuống còn -11 tỉ đồng. Lãi + lỗ sau lãi vay tăng từ -59,5 tỉ đồng (2009) lên -83 tỉ đồng (2015).
Nộp ngân sách Nhà nước của đơn vị này cũng tăng từ 12,4 tỷ đồng (2009) lên 173,6 tỉ đồng (2015). Hiện K+ có 280 nhân viên.
Theo báo cáo của VTV, phần vốn Nhà nước tại K+ do VTV quản lý đến nay không có gì thay đổi, vốn bổ sung hoạt động kinh doanh của K+ từ khi thành lập đến nay chủ yếu bằng nguồn vốn vay do phía Canal+ bảo lãnh.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa VTV và Canal+, K+ đã đạt điểm hòa vốn vào tháng 6/2015, nhưng đến hết năm 2015 kết quả kinh doanh của K+ vẫn lỗ 83 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2015 là 1.979 tỉ đồng.
Vốn hoạt động chủ yếu của K+ là vốn vay (66/86 triệu USD), chiếm 77%. Hiện tại chi phí trả lãi vay của K+ mỗi năm là hơn 100 tỉ đồng.
Theo VTV, có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ của K+.
Nguyên nhân khách quan: do thị trường truyền hình trả tiền xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh mới và mạnh về hạ tầng kỹ thuật, tài chính như Viettel, MobiFone, FPT;
Vốn hoạt động chủ yếu của VSTV là vốn vay (66/86 triệu USD trong tổng số vốn đầu tư) nên chi phí lãi vay chiếm tỉ trọng lớn, tỷ giá USD biến động mạnh theo hướng bất lợi;
Bên cạnh đó là môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, vi phạm bản quyền phổ biến; sức mua của người dân giảm mạnh do tác động của nền kinh tế, tâm lý giá rẻ và miễn phí ăn sâu…
Về nguyên nhân chủ quan, VTV cho biết, do chiến lược kinh doanh truyền hình giá cao không phù hợp với thị trường Việt Nam. Tổ chức hoạt động kinh doanh chưa linh hoạt, nhạy bén để kịp thay đổi, dẫn đến để mất thị phần vào tay các đối thủ khác.
Công tác quản lý điều hành của VSTV phụ thuộc hoàn toàn vào phía Canal+ theo cam kết hợp tác, nên VTV không có vai trò điều hành trong công ty.
Theo VTV, về kế hoạch từ 2016 và các năm tiếp theo, Canal+ đề xuất thay đổi chiến lược kinh doanh của K+ theo hướng giảm giá thuê bao còn 125.000 đồng/tháng, và ngoài nguồn thu thuần túy từ thuê bao, K+ sẽ tìm thêm nguồn thu từ quảng cáo và các nguồn thu khác.
Mặc dù có những chiến lược thay đổi trên, nhưng K+ tính toán, năm 2016 sẽ lỗ hơn 12 triệu USD (tương đương 260 tỉ đồng) và 2017 là lỗ 120 tỉ đồng.
Với lý do, việc thay đổi giá (một gói thuê bao giá thấp) ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu; chi phí tài chính cao (chi phí lãi vay và tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh) do kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay; đầu tư nội dung để đối phó với nhiều đối thủ cạnh tranh…
Đáng chú ý, trong kế hoạch của K+ năm 2016 và các năm tiếp theo, VTV cho biết, theo các báo cáo kết quả khảo sát và tính toán của phía đối tác Canal+, các phương án kinh doanh khác đều xấu hơn (hoặc phá sản ngay hoặc kéo dài thời gian lỗ mà không có điểm dừng). Tuy nhiên, năm 2016 phải quay lại chu kỳ lỗ, nhưng so với chu kỳ lỗ 5 năm trước, lỗ năm 2010 gần bằng vốn chủ (423/450 tỷ đồng), thì năm 2016 (trường hợp lỗ cao nhất đến 260 tỷ đồng), tỷ lệ này là 0,5.
Theo VTV, có nhiều rủi ro khi duy trì hoạt động của VSTV. Bởi vậy, giải pháp nhằm tránh rủi ro, giảm thiểu thiệt hại đối với phần vốn Nhà nước tại VSTV, Đài Truyền hình quốc gia cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, VTV sẽ triển khai thực hiện các giải pháp quản lý để tránh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại đối với phần vốn Nhà nước tại K+.
Cụ thể, thực hiện đàm phán với Canal+ về thỏa thuận hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty chưa phù hợp; chỉ đạo người đại diện của VTV thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ tại K+; tích cực tìm giải pháp tăng thu, giảm chi phí, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả và giảm lỗ.
“Trong trường hợp áp dụng mọi giải pháp vẫn không đạt được các mục tiêu, VTV đề nghị thoái vốn Nhà nước tại K+, trình Thủ tướng xem xét”, báo cáo của VTV cho biết.
Theo VnEconomy