Theo đó, NHNN chấp thuận việc Vietcombank thực hiện tăng vốn điều lệ từ 35.977.685.750.000 đồng (Ba mươi lăm nghìn chín trăm bảy mươi bảy tỷ sáu trăm tám mươi lăm triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng) lên 39.575.454.320.000 đồng (Ba mươi chín nghìn năm trăm bảy mươi lăm tỷ bốn trăm năm mươi bốn triệu ba trăm hai mươi nghìn đồng) theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của Vietcombank đã được Đại hội đồng cổ đông của Vietcombank thông qua tại Nghị quyết số 10/TN2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 28/4/2017 và Hội đồng quản trị Vietcombank phê duyệt tại Nghị quyết số 54/NQ-VCB-HĐQT ngày 05/02/2018.
“Vietcombank có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật, Vietcombank trình Thống đốc NHNN hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động”, văn bản nêu rõ.
Lưu ý là văn bản này chỉ có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu Đại hội đồng cổ đông Vietcombank thông qua việc thay đổi Phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.
Với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước – tổ chức sắm hai vai, vừa là cơ quan quản lý vừa là cổ đông chi phối – tin rằng, Vietcombank sẽ sớm hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn thêm 10% vừa nêu.
Với phương án tăng vốn đã được xác định rõ là “phát hành cổ phiếu riêng lẻ”, thì nhiều khả năng Vietcombank sẽ hướng đến các nhà đầu tư ngoại.
Dẫn lời trên Nikkei vào tháng 2/2018, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank từng hé mở, rằng quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore là một trong những người mua tiềm năng. Ngoài ra, Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Vietcombank với 15% cổ phần, cũng sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, bản tin trên Nikkei khi ấy cũng viết: Vietcombank dự kiến sẽ bán hơn 350 triệu cổ phiếu, hoặc 10% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2018, sau khi được chính phủ “bật đèn xanh”.
Trước đó, năm 2006, Vietcombank cũng từng tiến đến rất gần một thỏa thuận bán 7,7% vốn cho GIC, nhưng bị đổ bể vào phút cuối do những bất đồng về giá.
Hiện Vietcombank là một trong số ít các ngân hàng niêm yết của Việt Nam còn “hở” room ngoại, mà theo như tính toán của ông Nguyễn Đức Hùng Linh (Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn), là còn khoảng 9,12%. Dù vậy, những năm gần đây, lãnh đạo Viecombank vẫn rất tích cực đề nghị Chính phủ cho nới trần “room” ngoại lên mức 35% (hiện là 30%)./.