Được biết, Thông tư 36/2014/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2015.
Đây được coi là giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng sở hữu chéo và là một trong những biện pháp đồng bộ để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời điểm đó. Điểm đáng chú ý là quy định TCTD sẽ không được sở hữu quá 5% cổ phần tại các TCTD khác.
Là một trong những ngân hàng sở hữu trên 5% vốn tại nhiều TCTD, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (Mã CK: VCB) trở thành tâm điểm theo dõi tiến trình thực hiện Thông tư 36.
Quá trình thoái vốn tại một số TCTD đã được NHNN phát đi tín hiệu chấp thuận bằng văn bản tới Vietcombank ngay từ đầu năm 2015.
Cụ thể, ngày 11/1/2015, NHNN đã có công văn số 135/NHNN-TTGSNH về chấp thuận chủ trương cho phép Vietcombank thoái toàn bộ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC).
Mặc dù đã được chấp thuận về mặt chủ trương nhưng việc thực hiện thoái vốn sau đó của Vietcombank chưa có nhiều tiến triển.
Phải đến khi được “điểm mặt chỉ tên” tại buổi làm việc của Tổ công tác kiểm tra tình hình thực hiện các công việc được Thủ tướng và Chính phủ giao tại NHNN ngày 18/7/2017, Vietcombank mới có những động thái tích cực hơn.
Cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác) đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, trong đó, ghi nhận vấn đề sở hữu chéo sau khi Thông tư 36 được ban hành đã được kiểm soát tốt hơn nhưng không phải không còn. Lấy ví dụ về việc thực hiện của Vietcombank trước và sau khi Thông tư 36 được ban hành, Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện nghiêm túc triển khai công việc này.
Dù vậy, phải tới 4 tháng sau, Vietcombank mới tổ chức thực hiện các đợt chào bán cổ phần tại một số TCTD. Tất nhiên, việc thoái vốn của Vietcombank tại các TCTD cũng phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường.
Một số trường hợp ngân hàng này có thể dễ dàng thực hiện bán hết số cổ phần ngay trong lần chào bán đầu tiên, có trường hợp phải chào bán tới ba lần mới có thể hoàn toàn triệt thoái vốn.
Triệt thoái vốn tại Saigonbank, CFC và OCB
Ngày 20/11/2017, VCB đã thực hiện bán đấu giá toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại CFC và Saigonbank. Cả hai phiên đấu giá đều diễn ra thành công, thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư tham gia, và VCB cũng thu về được hàng trăm tỷ đồng.
Trong đó, phiên đấu giá chào bán hơn 6,6 triệu cổ phần do Vietcombank sở hữu tại CFC đã thu hút được 9 nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá thành công. Toàn bộ số cổ phiếu trên đã được bán hết cho các nhà đầu tư với mức giá trúng là 11.554 đồng/cổ phần, số tiền Vietcombank thu về là 76,2 tỷ đồng.
Phiên đấu giá 13,2 triệu cổ phần, tương đương với 4,3% vốn điều lệ, của Vietcombank tại Saigonbank cũng thu hút được 20 nhà đầu tư tham gia (bao gồm: 1 tổ chức và 19 cá nhân). Kết quả, đã có 2 nhà đầu tư ôm trọn lô cổ phiếu trên với mức giá trúng bình quân là 20.100 đồng/cổ phần, đem về hơn 266,3 tỷ đồng cho Vietcombank.
Trái với kết quả thuận lợi tại các TCTD trên, hoạt động triệt thoái vốn của Vietcombank tại OCB diễn ra có phần khó khăn hơn. Ngân hàng này đã phải tiến hành tới 3 đợt đấu giá mới có thể bán hết số cổ phần đang nắm giữ tại đây.
Trong đợt bán vốn đầu tiên diễn ra vào ngày 29/12/2017, chỉ có 2/3 số cổ phần OCB mà Vietcombank chào bán (18,9 triệu cổ phiếu) được nhà đầu tư đăng ký mua.
Nguyên nhân được một số chuyên gia cho biết là cổ phiếu OCB trở nên kém hấp dẫn do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi, triển vọng của ngành ngân hàng và OCB khi đó, vẫn còn chưa thực sự rõ ràng.
Tuy nhiên, sau khi OCB công bố những kết quả kinh doanh khả quan, nợ xấu ở mức thấp sau qua trình 5 năm (giai đoạn 2011 – 2015) tiến hành tái cơ cấu và được hãng đánh giá tín nhiệm Moody nâng triển vọng lên B2, cổ phiếu của ngân hàng này bỗng trở thành hàng “hot” và được nhà đầu tư hào hứng mua gom.
Cụ thể, lần bán vốn thứ 2 đã thu hút tới hơn 677 nhà đầu tư đăng ký tham gia tranh mua hơn 6,6 triệu cổ phần OCB. Kết quả, có 128 nhà đầu tư trúng giá với mức giá đấu bình quân là 25.771 đồng/cổ phiếu.
Lần bán vốn thứ 3, cũng là lần cuối cùng của Vietcombank, diễn ra ngày 6/9/2018, đã được thực hiện thành công khi bán hết số cổ phần.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là trường hợp triệt thoái vốn tại TCTD tốn nhiều thời gian nhất của Vietcombank tới thời điểm hiện tại (Nguồn: OCB)
|
Thoái bớt vốn tại MBB và EIB
Sau khi giải quyết xong các bài toán khó đối với các TCTD chưa thực hiện niêm yết tập trung, Vietcombank đang hướng tới việc thoái vốn khỏi hai TCTD đang niêm yết trên sàn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (Mã CK: MBB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Mã CK: EIB).
Trong đó, Vietcombank chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB do ngân hàng này sở hữu tại đây. Nếu phiên đấu giá diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của Vietcombank tại MBB sẽ giảm xuống dưới mức 5% (Vietcombank đang sở hữu 6,97% vốn điều lệ), đảm bảo về tỷ lệ sở hữu theo Thông tư 36.
Mức giá khởi điểm của phiên đấu giá là 19.641 đồng/cổ phần được xác định theo kết quả định giá của đơn vị thẩm định giá động lập Công ty Cổ phần thẩm định giá Indochina ban hành.
Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào lúc 15h30 ngày 15/10/2018 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trong diễn biến gần đây, ngày 20/9/2018, HNX vừa công bố thông tin đấu giá 45,6 triệu cổ phần EIB do Vietcombank sở hữu, với mức giá khởi điểm là 14.497 đồng/cổ phần.
Hiện tại, VCB đang nắm giữ 8,19% vốn điều lệ của EIB, có giá trị ghi sổ là 582 tỷ đồng. Nếu thực hiện bán 45,6 triệu EIB thành công thì tỷ lệ sở hữu của Vietcombank sẽ giảm xuống còn 4,5% vốn điều lệ, thỏa mãn quy định của Thông tư 36.
Thời gian đấu giá dự kiến là 15h30 ngày 22/10/2018 tại HNX. Như vậy, EIB là ngân hàng cuối cùng được Vietcombank tiến hành chào bán công khai với mục đích tuân thủ theo quy định của thông tư 36.
Đáng chú ý, MBB và EIB đều là những ngân hàng đã niêm yết nhiều năm trên thị trường chứng khoán, có quy mô và kết quả kinh doanh khác biệt so với các ngân hàng mà Vietcombank đã từng thoái vốn trước đó.
Ngoài ra, việc thực hiện đấu giá MBB và EIB diễn ra trong thời điểm triển vọng ngành ngân hàng đã trở nên rõ ràng và ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Do vậy, các thương vụ bán vốn này nhiều khả năng sẽ được thực hiện thành công, giúp Vietcombank đảm bảo tuân thủ các quy định của Thông tư 36 và "về đích" ngay trong năm 2018.
Hơn nữa, việc giải quyết được vấn đề sở hữu chéo tại Vietcombank cũng giúp NHNN tập trung vào một trong những mục tiêu khác liên quan đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đó là xử lý nợ xấu như nội dung chủ đạo của Chỉ thị số 05 vừa ban hành gần đây./.