|
Ảnh: Neowin |
Chúng ta đã từng nói về việc cuộc cách mạng PC trở thành xu hướng chủ đạo như thế nào vào năm 1977, nhờ sự ra mắt của Commodore PET, Apple II và Radio Shack TRS-80. Chỉ trong vòng vài năm, hàng loạt công ty đã nhảy vào thị trường béo bở này, có thể kể đến như công ty trò chơi điện tử Atari với PC Atari 800 và Sinclair Research với các mẫu PC ZX.
Trước khi có tất cả những chiếc PC này, hầu hết mọi người đều nghĩ IBM là công ty hàng đầu về phần cứng máy tính và nghiên cứu với các sản phẩm có kích thước bằng cả một căn phòng. Sau đó, IBM đã quyết định chạy theo xu hướng PC sau năm 1977.
Ngày này 42 năm trước, vào ngày 12 tháng 8 năm 1981, công ty đã ra mắt PC IBM. Thiết bị này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Doanh thu vượt chỉ tiêu của IBM 800%, có thời điểm bán được 40.000 chiếc trong vòng một tháng. Vào năm 1983, công ty bán ra đến 750.000 chiếc, vượt xa mức dự đoán ban đầu là 250.000 chiếc trong vòng 5 năm. Đến năm 1984, doanh thu của IBM từ thị trường PC lên đến 4 tỉ USD.
Trong thực tế, IBM PC không phải là nỗ lực đầu tiên của IBM trong việc tạo ra một chiếc máy tính kích cỡ hướng đến văn phòng. Vào năm 1975, IBM đã ra mắt chiếc máy tính xách tay IBM 5100. Mặc dù nó còn khá lớn nhưng vẫn nhỏ hơn so với những chiếc PC kích cỡ cả một căn phòng trước đó. Vấn đề là giá của IBM 5100 vẫn còn cao, trong khoảng từ 8.975 USD đến 19.975 USD, tùy thuộc dung lượng lưu trữ.
IBM tiếp tục phát hành các máy tính nhỏ hơn mẫu 5100 trong vài năm tới. Tuy nhiên, tất cả chúng đều nhắm vào đối tượng doanh nghiệp và vẫn đắt hơn nhiều so với PC do các công ty khác phát hành từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980.
Năm 1980, IBM cuối cùng đã thành công tạo ra một chiếc máy tính cá nhân thực sự cho cả gia đình và văn phòng. Trang web của IBM tuyên bố rằng mẫu thiết kế của chiếc PC được tạo ra tại văn phòng Boca Raton, Florida bởi một nhóm nhỏ gồm 12 người, do Bill Lowe, giám đốc phòng thí nghiệm đứng đầu.
Một trong những lý do khiến IBM PC chờ đến tháng 8.1981 mới ra mắt là vì nhóm sử dụng các bộ phận từ các công ty bên thứ ba. Đó là điều IBM chưa bao giờ làm với những chiếc máy tính kích cỡ căn phòng trước đây. Một thành phần quan trọng mà nhóm sử dụng đó là CPU Intel 8088 để vận hành mọi thứ bên trong.
ITPro cho biết Bill Gates và Steve Ballmer của Microsoft đã đến gặp IBM và nói rằng họ sẽ tạo hệ điều hành cho PC của họ, nhưng Microsoft vẫn sở hữu hệ điều hành và có quyền cấp phép sử dụng cho các công ty khác ngoài IBM.
Thật ngạc nhiên, IBM đã ngay lập tức đồng ý với thương vụ này. Chỉ có một vấn đề nhỏ ở phía Microsoft là họ vẫn cần thêm thời gian để phát triển hệ điều hành đó.
Để phát triển hệ điều hành, Microsoft quyết định mua bản quyền QDOS của Seattle Computer Products với giá chỉ 50.000 USD. Nhà phát triển chính của QDOS, Tim Paterson, đã rời Seattle Computer Products để gia nhập Microsoft. Trong vài tháng sau đó, ông ấy và một nhóm tại Microsoft đã phát triển hệ điều hành mới có tên PC-DOS để hoạt động với IBM PC.
Kết quả cuối cùng là mẫu IBM PC 5150, được ra mắt lần đầu với mức giá 1.565 USD. Thiết bị này bao gồm máy tính, màn hình đơn sắc và bàn phím.
Người dùng có thể mua các tùy chọn như màn hình màu, máy in, ổ đĩa mềm,... Phần mềm có trong PC bao gồm chương trình bảng tính VisiCalc và trò chơi Microsoft Adventure .
Máy tính IBM đã đạt được doanh thu lớn, bất chấp mức giá vẫn tương đối cao so với đối thủ cạnh tranh. Lowendmac.com báo cáo rằng doanh số bán PC được dự đoán sẽ đạt 250.000 chiếc trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đã đạt tới 750.000 chiếc vào cuối năm 1983.
Tuy nhiên, việc sử dụng các bộ phận của bên thứ ba, đặc biệt là CPU (Intel) và hệ điều hành (MS-DOS của Microsoft), đã cho phép các công ty khác sử dụng để tạo ra các máy tính bản sao của IBM PC.
Điều này bắt đầu vào năm 1983 và thực sự tạo ra sự bùng nổ cho thị trường PC. Ngày nay, Microsoft và Intel vẫn tiếp tục thống trị ngành công nghiệp PC, trong khi IBM đã phải rời khỏi thị trường béo bở này từ lâu.
Theo Neowin