Các bệnh nhân ung thư phần lớn chỉ tập trung vào điều trị và lãng quên vai trò quan trọng của vấn đề dinh dưỡng, cũng như nâng cao thể trạng. Trong khi dinh dưỡng hỗ trợ rất tích cực trong quá trình điều trị ung thư.
Theo TS. Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. HCM – cho biết: “Việc điều trị bệnh ung thư rất cần sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau, như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…. Các phương pháp điều trị này có hiệu quả, nhưng chúng thường có tác dụng phụ. Vì vậy, người bệnh cần có nền tảng sức khỏe tốt để đón nhận các tác dụng phụ của phương pháp trị liệu”.
Về quan niệm nhịn ăn để giết tế bào ung thư, BS. Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM - chỉ ra, đây là suy nghĩ sai lầm bởi khi nhịn ăn, tế bào ung thư chết thì các tế bào khác trong cơ thể cũng chết. Cơ thể chúng ta bị suy mòn theo thời gian và tất cả đều chết (tức: tế bào ung thư, tế bào lành và cơ thể cũng chết). Người bệnh cần ăn nhiều để có năng lượng, theo đuổi các quá trình điều trị.
Liên quan đến vấn đề “Nên và kiêng ăn gì khi mắc bệnh ung thư?”, BS. Kim Ngân cho hay: “Suy nghĩ kiêng ăn là một cách nghĩ tiêu cực trong điều trị bệnh ung thư. Thay vì kiêng ăn, hãy tự hỏi cần ăn gì để kích thích sự thèm ăn cho bệnh nhân”.
Do có nhiều bệnh ung thư khác nhau, nên việc ăn hay kiêng ăn gì cũng khác nhau. Tùy vào thể trạng của bản thân người bệnh và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình để có chế độ ăn uống hợp lý.
Bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu, TP.HCM
|
Bên cạnh đó, câu hỏi “Có nên về nhà uống thuốc dân gian, đắp lá để điều trị ung thư?” nhận được sự quan tâm của đông đảo bệnh nhân tại buổi giao lưu.
Ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: “Con tôi đang điều trị ung thư. Trước đó, khi đi khám tại bệnh viện, cháu được chuẩn đoán là u lành, sinh con xong sẽ tiến hành mổ. Vì nghe người dân đồn đắp lá, dán cao cũng khỏi u, con tôi đã làm theo và hiện đã bỏ mất em bé và không thể đi lại được”.
Trả lời vấn đề này, BS Kim Ngân cho biết, việc người bệnh nghe theo lời mách bảo rồi sử dụng, uống các loại thuốc lá nam, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc đã vô tình tự đánh mất đi thời gian vàng điều trị bệnh.
Sau khi điều trị bằng thuốc lá cây, thuốc Đông y không có nguồn gốc không có hiệu quả, bệnh nặng lên, người bệnh mới quay trở lại điều trị theo lộ trình của bác sĩ, thì đã quá muộn.
Chia sẻ hình ảnh về một người phụ nữ bị ung thư, có hạch ở vùng nách, BS. Kim Ngân cho biết: “Người phụ nữ này đã dùng lá đắp làm thuốc, dù trước đó, bác sĩ khuyên nên nhập viện, điều trị sớm và có thể mổ. Cho tới khi vùng đắp lá bị loét, chảy mủ, máu, bệnh nhân mới đến bệnh viện thì không thể phẫu thuật được nữa, vì khối u đã xâm lấn vào thành ngực, phổi. Đây là trường hợp rất đáng tiếc”.
Tại buổi giao lưu, BS. Kim Ngân nhấn mạnh, ung thư bây giờ không có nghĩa là chết. Bản thân người bệnh mới là người quyết định sinh mệnh của mình. Hãy giữ vững tinh thần từng ngày, từng giờ để chiến đấu và chiến thắng căn bệnh quái ác này.
Dưới đây là các mẹo nhỏ về dinh dưỡng trong điều trị ung thư:
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày
- Lựa chọn thức ăn giàu đạm và năng lượng như: thịt, cá, trứng, sữa, phô mai, pa-tê và các loại hạt đậu…
- Bổ sung thức uống: sữa, sinh tố, ya-ua…
- Nếu không ăn được, có thể xay thực phẩm thành sinh tố để uống
- Ăn phải đa dạng thực phẩm, chế biến theo sở thích của bệnh nhân
- Luôn mang thức ăn bên mình (tranh thủ cung cấp năng lượng trong quá trình chờ hóa trị, xạ trị…)
- Cẩn thận trong khâu lựa chọn thực phẩm: không bị nấm mốc, bốc mùi chua, hôi thiu. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.