Nhiều startup muốn ngăn chặn các drone “lạc lối”

Sự bùng nổ trong drone cá nhân kéo theo làn sóng startup mới muốn chặn các drone bay lạc vào nơi không được phép.
Hệ thống phản drone SkyDroner 500
Hệ thống phản drone SkyDroner 500

Hàng tá startup đang phát triển các kỹ thuật – từ thả chim đến xả khí ga qua bazooka – nhằm “hạ gục” các phương tiện bay không người lái (UAV) được sử dụng để chở thuốc phiện, thả bom, gián điệp kẻ thù hay làm nhiễu không gian công cộng.

Cuộc chạy đua được cổ vũ một phần vì tốc độ quản lý drone khá chậm chạp của các nhà chức trách. Chẳng hạn, tại Úc, các cơ quan khác nhau quy định công nghệ drone và phản drone. Theo Cục An toàn hàng không dân sự, vai trò của họ chỉ giới hạn trong an toàn, không phải quyền riêng tư.

Thị trường drone tiêu dùng dự kiến đạt giá trị 5 tỷ USD năm 2021, theo hãng nghiên cứu thị trường Tractica, giá bán trung bình tại Mỹ hơn 500 USD, trang bị nhiều tính năng, từ camera HD đến GPS tích hợp.

Nhà chức trách Úc nới lỏng quy định drone vào tháng 9/2016, cho phép bất kỳ ai điều khiển drone trọng lượng tối đa 2kg mà không cần đào tạo, bảo hiểm, đăng ký hay giấy phép. Tại nhiều nơi khác, hàng triệu người có thể điều khiển các thiết bị công nghệ cao này, trong đó có những kẻ buôn thuốc phiện, băng nhóm tội phạm…

Drone đang được dùng để chở lậu điện thoại di động, ma túy, vũ khí vào nhà tù, trong một trường hợp còn kích động bạo loạn. Các nhóm vũ trang tại Iraq, Ukraine, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ dùng chúng để trinh sát hay như thiết bị nổ tự chế, theo Nic Jenzen-Jones, Giám đốc hãng tư vấn vũ khí Armanent.

Theo Reuters, một drone của quân đội Nhà nước hồi giáo IS đã giết 2 người thuộc lực lượng dân quân Kurd và làm bị thương 2 lính Pháp hồi tháng 10 gần Mosul (Iraq). Jenzen-Jones nhận định tình tình ngày một gia tăng và mối đe dọa còn vượt cả các khu vực tranh chấp.

Nhiều startup muốn ngăn chặn các drone “lạc lối” ảnh 1

Hệ thống phản drone SkyDroner 500

Phản drone

Đi cùng với sự phổ biến của drone là nhu cầu về công nghệ bắn hạ hay vô hiệu hóa các drone không mong muốn. Mới đây, cảnh sát Hà Lan vừa mua một số chim săn mồi từ startup Guard From Above để ngăn cản những chiếc máy bay không người lái trên trời, theo CEO kiêm nhà sáng lập Sjoerd Hoogendoorn.

Các cách tiếp cận khác tập trung vào “giăng lưới” drone, thông qua một drone lớn hơn hay bằng súng bắn lưới và dù qua khí nén. Vài startup như DeDrone lại có cách xử lý nhẹ nhàng hơn khi kết hợp nhiều cảm biến – camera, acoustic, máy nhận sóng Wi-Fi và máy quét tần số vô tuyến (RF) – để theo dõi drone trong một số khu vực nhất định.

Tuy nhiên, các startup mới hơn lại muốn phá giao thức không dây radio được dùng để điều khiển hướng bay và tải trọng của drone nhằm chiếm quyền và chặn tính năng truyền video.

Startup TeleRadio Engineering dùng tín hiệu RF trong thiết bị SkyDroner để theo dõi và điều khiển drone, trong khi đó DroneVision lại khẳng định mình là người đầu tiên chặn trước tần số mà nhiều drone sử dụng. Nhà sáng lập Kason Shih cho biết thiết bị “phản drone” của anh chặn tín hiệu GPS và truyền video của drone, buộc nó phải quay về nơi xuất phát thông qua tính năng failsafe của chính drone.

Đa dạng khách hàng

Các startup cho biết khách hàng của họ rất đa dạng, từ cơ quan tình báo đến khách sạn. Chẳng hạn, DroneVision giúp cảnh sát đại phương hạ 40 drone bay quanh Taipe 101, một trong các tòa nhà cao nhất thế giới, “thỏi nam châm” thu hút nhiều người dùng drone mỗi ngày.

Tại Trung Đông, các khách sạn cao cấp đang đàm phán với ít nhất hai công ty về việc chặn drone chụp ảnh khách mời ngôi sao bên bể bơi hoặc trong phòng tắm. Ngay cả trong quân đội vốn có đủ năng lực để bắn hạ drone, họ cũng muốn có thiết bị mau lẹ hơn nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng thiết bị dạng này.

Khó khăn trong quản lý

Dù vậy, vấn đề là quy định về việc sử dụng drone và đối phó với chúng vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Tại những nước như Úc hay Mỹ, drone được xem là tài sản cá nhân và chỉ được quản lý bởi chính quyền. Song, Oleg Vornik, Giám đốc tài chính DroneShield, tin rằng thực trạng này sẽ thay đổi ngay khi chính phủ nhận ra các cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay cần được phòng thủ trước drone.

Tại Mỹ, Cục Hàng không liên bang đang thử nghiệm nhiều công nghệ phản drone tại một số sân bay. Năm tới, Luân Đôn (Anh) sẽ tổ chức hai hội thảo đầu tiên trên thế giới về công nghệ này.

Theo Vornik, công ty của ông đếm được 100 startup phản drone và đang thảo luận với hơn một tá trong số này như mục tiêu thâu tóm tiềm năng.

Theo ICTNews