Nhiều sếp ngân hàng phải nhập viện tâm thần vì áp lực

Do áp lực công việc quá lớn, không ít cán bộ ngân hàng đã phải nhập viện tâm thần để điều trị. Nhiều người, sau thời gian điều trị, đã đi làm trở lại, nhưng mỗi tuần họ vẫn phải gặp lại bác sĩ tâm thần để xin đơn thuốc hỗ trợ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại viện Sức khỏe tâm thần, các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều bệnh nhân là cán bộ ngân hàng. Thậm chí, theo lời BS Dũng, có thời gian, các cán bộ ngành ngân hàng nhập viện liên tục.

Tuy nhiên, đó là giai đoạn mà các ngân hàng bị chuyển giao, sát nhập với nhau. Hiện nay, không còn tình trạng các cán bộ nhân ngân hàng nhập viện ồ ạt, nhưng vì kinh tế khó khăn, áp lực công việc lớn nên hàng tháng bệnh viện vẫn tiếp nhận những bệnh nhân là cán bộ làm việc trong ngành ngân hàng.

Gần đây nhất là trường hợp của chị T.N.M. Chị M là sếp phụ trách mảng tín dụng của một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội.

Là người ham mê công việc, chị luôn thúc giục mình phải làm việc với cường độ vô cùng lớn để mang lại kết quả tốt nhất cho ngân hàng. Chị đi tối ngày, thậm chí có ngày, vì công việc, chị còn ở lại cơ quan để làm việc chứ không về nhà.

Đã thế, lúc nào chị cũng tính toán, nghi ngờ tất cả mọi người khiến cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc, đồng nghiệp không vui, bạn bè xa lánh…Thế rồi, sau một thời gian dài làm việc với áp lực và cường độ quá cao, chị rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên, đầu óc căng thẳng.

Người nhà của chị thấy vậy đã mua đủ loại thuốc bổ cho chị sử dụng để lấy lại sức và an thần. Tuy nhiên, càng uống, chị càng suy kiệt. Cuối cùng, mọi người phải đưa chị vào viện để được các bác sĩ điều trị.

Một trường hợp khác mà BS Dũng đề cập tới là trường hợp của chị L (Hai Bà Trưng – Hà Nội).

Chị L cũng là sếp ngành tín dụng ngân hàng của một ngân hàng lớn. Tuy nhiên, chị L không được các nhân viên của mình yêu quý và kính trọng. Lý do là vì, ở cơ quan, chị L luôn cho rằng mình là bà chủ, coi nhân viên là những người làm thuê.

Chị luôn bắt nhân viên phải làm việc mọi lúc, mọi nơi. Hết giờ làm việc, chị không ra về nên cũng không cho nhân viên của mình được về nhà. Thứ 7, chủ nhật, chị cũng “khua” nhân viên đi làm. Nếu không đi, chị … phạt.

Thậm chí, có những hôm, nhân viên ốm đau, hoặc gia đình có việc, con nhỏ ở nhà… họ xin chị về sớm hoặc không đi làm ngày cuối tuần, chị cũng không đồng ý. Lúc nào chị cũng chỉ biết đến tiền.

Không thể chịu đựng được vị sếp quá vô lý, những nhân viên đã hợp nhau lại để kiện chị. Chồng chị cũng không chịu đựng được người vợ chỉ biết đến tiền và công việc nên đã nộp đơn ly hôn.

Từ đó, chị rơi vào trạng thái hoảng loạn đến tột độ. Những người thân của chị buộc phải đưa chị vào viện để điều trị.

Sau thời gian điều trị, hiện tại chị đã trở lại công việc. Tuy nhiên, BS Dũng cho biết, mỗi tuần chị vẫn phải vào viện để kiểm tra và lấy thuốc uống.

BS Dũng cho rằng, trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những vị sếp đã từng điều trị ở trung tâm. Hiện nay, tình trạng nhập viện do áp lực công việc lớn là rất nhiều. “Và càng những ngành nghề chịu sức ép cao như: ngân hàng, giáo viên, bác sĩ, kinh tế…thì khả năng phải điều trị tâm thần càng cao” –  BS Dũng nói.

Do đó, theo BS Dũng, để có thể hạn chế được tình trạng này, tại các cơ quan, cần phải phát động phong trào khám bệnh định kỳ để đánh giá khả năng sức khỏe của từng người. Bên cạnh đó, phải có sự phân công công việc hợp lý, phù hợp với năng lực của từng người để tránh những áp lực quá cao cho người lao động. Đối với mỗi cá nhân, cần phải tự xây dựng cho mình phương pháp làm việc, chế độ ngủ nghỉ hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.

Theo VNN