Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng lừa dối người dân, Cục An toàn thực phẩm nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện nay, nhu cầu mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân đang ngày một gia tăng. Cầu tăng tất cung cũng phải tăng. Điều này đã dẫn đến tình trạng hàng loạt các website quảng cáo thực phẩm sức khỏe có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng xuất hiện, khiến người dân lạc vào “mê cung”.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Ảnh: C.L.)
PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Ảnh: C.L.)

Siết quản lý quảng cáo trên mạng

Thực tế, hàng loạt website cùng các trang Facebook đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi Cục An toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, các công ty chịu trách nhiệm cho sản phẩm lại không thừa nhận các website đang quảng cáo sản phẩm là của công ty.

Điển hình là quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại Tràng Khang trên website daitrangkhang.com có nội dung khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo. 

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại Tràng Khang do Công ty TNHH Dịch vụ và truyền thông Bright Shine (Phòng 402, N3 Trung Yên, tòa nhà Milgroup, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tuy nhiên, khi Cục An toàn thực phẩm tiến hành hậu kiểm, Công ty TNHH dịch vụ và truyền thông Bright Shine không thừa nhận website trên là của Công ty. Vì thế, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại Tràng Khang trên website daitrangkhang.com.

Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại Tràng Khang vi phạm quy định (Ảnh: Minh Thúy)
Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại Tràng Khang vi phạm quy định (Ảnh: Minh Thúy) 

Tương tự, Công ty Cổ phần Dược phẩm và Thiết bị Y tế Nhật Đức (số 32, ngõ 47, phố Nguyên Hồng, Phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) cũng không chịu trách nhiệm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe TIM CARE DIAMOND trên một loạt các website khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Để lý giải rõ vấn đề này, trao đổi với PV VietTimes, PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho hay, ngay sau khi phát hiện thông tin về các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng trên một số website, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiến hành xử lý theo quy trình.

Đầu tiên, Cục An toàn thực phẩm sẽ đăng tải thông tin cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định trên website của Cục, trong đó nêu rõ nội dung sản phẩm do công ty nào sản xuất quảng cáo không đúng sự thật để người tiêu dùng được biết, báo chí cùng các phương tiện truyền thông đưa tin.

Sau đó, Cục An toàn thực phẩm sẽ gửi thông tin về quảng cáo vi phạm kèm đường link trên website của Cục cho Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý quảng cáo vi phạm trên mạng. Từ đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tìm ra cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm cho những quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng, đồng thời, tiến hành xử lý các trang web vi phạm.

“Chúng tôi sẽ gửi đường link kèm văn bản rõ ràng thông tin về trường hợp công ty không thừa nhận các website đang quảng cáo sản phẩm là của công ty để Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý” – ông Phong nói.

Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật

Bên cạnh hàng loạt trang web quảng cáo sai sự thật, thời gian qua, thông tin thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà thanh nhiệt Dr Thanh được quảng cáo có công dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19 trên các trang mạng xã hội đã khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng.

Ngay sau khi nhận được thông tin về quảng cáo trà thanh nhiệt Dr Thanh, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị Cục Báo chí chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị phát hành thông tin, phát hành quảng cáo không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Việc một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa thông tin không rõ ràng có thể dẫn đến người tiêu dùng hiểu lầm một số loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có Trà Thanh nhiệt Dr Thanh của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát có tác dụng hỗ trợ, dự phòng COVID-19. Đây là những thông tin không đúng bản chất của sản phẩm, đồng thời, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính Phủ.

Ông Phong cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát yêu cầu Công ty phối hợp, giải trình và làm rõ sự việc trên.

“Không có một sản phẩm thực phẩm chức năng nào được đăng ký, hoặc xác nhận ở Cục An toàn thực phẩm có tác dụng dự phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19. Những thông tin lan truyền về thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị, dự phòng COVID-19 là hoàn toàn sai sự thật. Đến nay, Cục An toàn thực phẩm mới phát hiện thông tin cho rằng trà thanh nhiệt Dr Thanh có tác dụng dự phòng, điều trị COVID-19 là không chính xác. Thời gian tới Cục sẽ tiếp tục kiểm tra để cảnh báo tới người tiêu dùng. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm” – ông Phong nhấn mạnh.

Cục An toàn thực phẩm cũng đã chủ động cảnh báo tới người tiêu dùng về việc: “Cẩn trọng với thông tin trà thanh nhiệt Dr Thanh có tác dụng dự phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19”.