Nhiều nhân viên Facebook vỡ mộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lá thư xin thôi việc của một kỹ sư tại Facebook là lời lên án mạnh mẽ về thái độ của mạng xã hội này trước nội dung thù địch.

Đầu tháng trước, Ashok Chandwaney, kỹ sư phần mềm cấp cao của Facebook, quyết định nghỉ việc và chia sẻ một bức thư công khai, chỉ trích gay gắt công ty vì thất bại trong việc đối phó với các nội dung thù ghét trên mạng xã hội.

Trong bức thư được đăng trên bảng tin nội bộ của công ty, Chandwaney cảnh báo: "Facebook đang chọn đi ngược lại lịch sử. Tôi không còn có thể dốc lòng đóng góp cho một tổ chức đang thu lợi từ sự căm ghét ở Mỹ và trên toàn cầu".

Nhân viên Facebook nổi loạn và công khai thách thức Mark Zuckerberg. Ảnh: Arre.
Nhân viên Facebook nổi loạn và công khai thách thức Mark Zuckerberg. Ảnh: Arre.

Đây là hành động phản kháng mới nhất tại công ty vốn là một trong những nơi được các kỹ sư mong muốn làm việc nhất ở Thung lũng Silicon. Giờ đây, nó đối mặt với sự bất đồng nội bộ ngày càng tăng từ chính lực lượng lao động ưu tú của mình.

Thư xin nghỉ việc xuất hiện đúng lúc giới phê bình đang nhắm vào Facebook với kỳ vọng mạng xã hội này sẽ thay đổi.

Tuần trước, hội đồng RFOB - một tổ chức độc lập gồm các chuyên gia, nhà hoạt động dân quyền, học giả và luật sư nổi tiếng ở Mỹ - được thành lập với mục đích giám sát Facebook. Facebook bác bỏ hội đồng này, cho rằng đó chỉ là "những nhà phê bình lâu năm đang tạo ra một kênh mới cho những lời chỉ trích cũ".

Ngay trước khi RFOB ra đời, Facebook cũng tuyên bố hội đồng giám sát nội bộ của họ sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng 10. Kế hoạch thành lập hội đồng này đã được Facebook đề cập từ năm 2018, cho thấy tiến độ chậm chạp của một công ty luôn tự hào về việc "tiến nhanh".

"Thật bất ngờ, sau khi RFOB xuất hiện, hội đồng giám sát nội bộ của Facebook cũng sẵn sàng hoạt động? Tôi thực sự nghi ngờ nếu đó chỉ là một sự trùng hợp", Chandwaney nói. Ông tin rằng bất đồng nội bộ và áp lực bên ngoài đều là điều cần thiết để tạo ra sự thay đổi bên trong một công ty vốn "không quan tâm" đến việc dập tắt sự thù ghét và kích động bạo lực trên các nền tảng của nó.

Lá thư của Chandwaney là đòn tấn công mới nhất trong suốt một năm đối đầu gay gắt giữa nhân viên và ban quản lý, liên quan tới các giá trị và cách thức kinh doanh của Facebook .

Trước đó, nhân viên mạng xã hội này đã tổ chức tuần hành ảo, hoặc làm rò rỉ các tài liệu nội bộ nhạy cảm, như những đoạn ghi âm trong các phiên Hỏi đáp giữa nhân viên và CEO Mark Zuckerberg. Chandwaney cho biết có sự gia tăng đột biến về số lượng nhân viên nói chuyện ẩn danh và chia sẻ những nội dung đáng báo động với các phóng viên.

Họ bắt đầu vỡ mộng về Facebook sau khi chứng kiến công ty - với phương châm "mạnh dạn", "tiến nhanh" và "xây dựng giá trị xã hội" - lại thất bại trong việc áp dụng giá trị đó vào cuộc chiến chống sự thù ghét, kích động và phân biệt đối xử bất hợp pháp trên chính nền tảng của nó.

"Một phần ba thế giới đang sử dụng Facebook. Thành thật mà nói, tôi khó có thể mô tả nó là một sự thể hiện ấn tượng về sự xuất sắc kỹ thuật, rằng nó hoạt động đáng tin cậy đối với nhiều người", Chandwaney nói.

Hành động nghỉ việc của Chandwaney nghe có vẻ chỉ như muối bỏ biển, bởi anh chỉ là một trong số hàng chục nghìn nhân viên Facebook. Tuy nhiên, chuyên gia Varoon Bashyakarla tại Tactical Tech nhận định, cuộc phản kháng - và các hành động bất đồng nội bộ khác - có khả năng đang khiến Facebook lo lắng hơn là các cuộc tấn công từ các nhà phê bình bên ngoài.

Theo ông, một ngày nào đó, làm việc cho một hãng công nghệ khổng lồ có thể cũng bị kỳ thị đạo đức giống như làm việc cho các công ty thuốc lá, khi mà việc sản xuất thuốc lá vẫn được thúc đẩy dù được xác định có mối liên quan tới bệnh ung thư phổi.

"Những nhân viên hết lòng vì Facebook và có nhiều lựa chọn việc làm theo ý họ là những người có động lực lớn trong việc cải tổ công ty", Bashyakarla nói. "Họ đang nhận ra rằng, chỉ cần nói với mọi người là họ làm tại Facebook cũng có thể gây tổn hại danh tiếng của họ và khiến kim chỉ nam đạo đức của họ bị nghi ngờ".

Trong khi đó, phát ngôn viên của Facebook khẳng định trên Washington Post: "Chúng tôi không hưởng lợi gì từ sự thù ghét cả. Chúng tôi đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để giữ cộng đồng của mình an toàn và hợp tác sâu sắc với các chuyên gia bên ngoài để liên tục xem xét và cập nhật các chính sách của mình".

Theo VnExpress