Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu từ chối dự Hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến "17+1" giữa Trung Quốc - các nước Trung, Đông Âu được tổ chức vào ngày 9/2. Mặc dù ông Tập Cận Bình đích thân tham dự hội nghị, nhưng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã từ chối.
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trungm Đông Âu lần trước tại Dubrovnik, Croatia (Ảnh: Tân Hoa xã).
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trungm Đông Âu lần trước tại Dubrovnik, Croatia (Ảnh: Tân Hoa xã).

Trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) ngày 9/2 cho biết, theo trang web chính trị Politico của Mỹ, ít nhất hai quốc gia là Lithuania (Litva) và Estonia đã phớt lờ lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Lithuania và và Thủ tướng của Estonia sẽ không tham dự, thay vào đó, họ chỉ cử các quan chức cấp bộ tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến "17+1" quan trọng giữa Trung Quốc với các nước Trung, Đông Âu này.

Tờ Handelsblatt (Nhật báo Kinh doanh) của Đức dẫn các nguồn tin trong giới ngoại giao cho biết Romania vẫn do dự trong việc có tham dự cuộc họp hay không.

Tờ báo chỉ ra rằng một số quốc gia Trung và Đông Âu thất vọng với hình thức hợp tác này với Trung Quốc, cho rằng cơ chế hợp tác này không thể mang lại lợi ích gì cho đất nước họ. Ví dụ, một số cam kết của Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng cuối cùng đã không được thực hiện.

Ngoài ra, cuộc hội nghị thượng đỉnh này được đánh giá là mang sắc thái chính trị hơn là nội dung kinh tế, cũng khiến nhiều nước Trung và Đông Âu không hài lòng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đích thân chủ trì và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh họp trực tuyến năm nay nhưng nhiều nước đã hạ cấp tham dự (Ảnh: Sina).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đích thân chủ trì và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh họp trực tuyến năm nay nhưng nhiều nước đã hạ cấp tham dự (Ảnh: Sina).

Trong mấy tháng vừa qua, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại nhiều quốc gia ở Trung và Đông Âu đã gặp phải những bước trắc trở. Vào cuối tháng 1/2021, Cộng hòa Séc đã loại bỏ Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), không cho tham gia đấu thầu các nhà máy điện hạt nhân mới của nước họ vì lý do an ninh quốc gia. Croatia, dưới áp lực của Mỹ và Liên minh châu Âu, đã đình chỉ mở thầu công trình xây dựng cảng nước sâu duy nhất của nước này khi các công ty Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chắc chắn thắng thầu. Chính phủ mới của Romania cũng đã tuyên bố vào tháng 1/2021 rằng họ sẽ không xem xét cho phép các công ty Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng đường cao tốc và đường sắt của nước này.

Ngoài ra, tính đến tháng 11/2020, là một phần của kế hoạch “Mạng sạch” của chính quyền Donald Trump, các nước Romania, Bulgaria, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Estonia và Latvia đã ký thỏa thuận với Mỹ về an toàn mạng không dây tốc độ cao, loại bỏ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi việc xây dựng mạng 5G ở các quốc gia này.

Nhà lãnh đạo Romania cho biết Huawei sẽ không thể tham gia vào quá trình xây dựng 5G của nước này. Ngày 4/11/2020, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Romania đã trả lời rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối việc lạm dụng khái niệm “an ninh quốc gia” mà không có cơ sở thực tế và bằng chứng thuyết phục, vi phạm quy luật thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công bằng, bài xích các công ty cụ thể của các quốc gia cụ thể, ngăn cản hợp tác khoa học và công nghệ.

Theo bản tin của báo Frankfurter Allgemeine Zeitung ở Đức, một điểm gây tranh cãi trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh trực tuyến "17+1" giữa Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu là liệu Belarus, quốc gia đang bị EU cáo buộc gian lận bầu cử, có thể tham gia cuộc họp này với tư cách là quan sát viên hay không. Bắc Kinh không có ý định đóng cửa đối với chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko, nhưng Ba Lan và 3 nước vùng biển Baltic đang cố gắng ngăn cản Belarus tham dự cuộc họp này.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/2 thông báo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu tại đầu cầu Bắc Kinh vào ngày 9/2 và có bài phát biểu quan trọng.

Phía Trung Quốc cho rằng cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu đã đạt được những kết quả rõ rệt, mang lại lợi ích chung và đôi bên cùng có lợi.

Ông Cao Phong, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, ngày 4/2 đã phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ rằng, kể từ khi cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu được thiết lập vào năm 2012, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Trung và các nước Đông Âu không ngừng được cải thiện, nâng cấp, có tiến bộ tích cực trên các lĩnh vực như mậu dịch, đầu tư, nhận thầu xây dựng công trình, viễn thông internet; hình thành cục diện quan hệ hợp tác toàn diện, nhiều cấp, sâu rộng, cùng thắng và cùng có lợi.

Nhiều nước Trung, Đông Âu đã loại bỏ Huawei khi xây dựng mạng 5G theo lời kêu gọi của ông Donald Trump (Ảnh: FT).

Nhiều nước Trung, Đông Âu đã loại bỏ Huawei khi xây dựng mạng 5G theo lời kêu gọi của ông Donald Trump (Ảnh: FT).

Ông Cao Phong chỉ ra rằng vào năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với 17 quốc gia Trung và Đông Âu đạt tới 103,45 tỉ USD, lần đầu tiên vượt qua mốc 100 tỉ USD, tăng trưởng 8,4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng mậu dịch đối ngoại của Trung Quốc và cao hơn thương mại Trung Quốc - Châu Âu trong cùng thời kỳ.

Hình thức hợp tác kinh tế và chính trị này giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu bắt đầu được tổ chức ở Warsaw vào năm 2012 lúc đầu là “16+1” và mở rộng thành “17+1” vào năm 2019 do sự tham gia của Hy Lạp. Ngoài ra, Áo, Thụy Sĩ và Belarus là quan sát viên của diễn đàn này.

Hội nghị lần trước của các nhà lãnh đạo "17+1" được tổ chức tại Dubrovnik, Croatia vào năm 2019. Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, ban đầu dự kiến ​​tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4/2020, đã bị hoãn lại do dịch bệnh COVID-19.

Lần này, sự nhiệt tình tham gia của một số quốc gia đã giảm đi đáng kể. Những người trong giới ngoại giao tiết lộ rằng trong những ngày qua, Bắc Kinh đang cố gắng thuyết phục ba nước ven biển Baltic và Ba Lan cử đại diện cấp cao đến cuộc họp. Tổng thống và Thủ tướng Lithuania và Estonia đều không tham dự. Lithuania thậm chí còn chưa bày tỏ có tham dự không. Theo những người trong giới ngoại giao, Romania cũng đang do dự liệu có nên tham dự cuộc họp này...