Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia vừa cho biết, ở thời điểm hiện tại, việc đồng NDT phá giá mạnh có thể chưa khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn nhiều, thậm chí một số đơn vị còn hưởng lợi.
NCIF lý giải, Việt Nam là một nước nhập lượng lớn các máy móc thiết bị và nguyên vật liệu từ Trung Quốc, do đó động thái giảm giá đồng NDT sẽ làm giảm tương đối chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, khiến khu vực sản xuất tăng trưởng tích cực hơn. Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu một số mặt hàng được lợi như may mặc, da giày.
Tuy nhiên, NCIF cũng cảnh báo rằng, ở mặt ngược lại, tác động từ sự kiện này là khá bất lợi bởi việc giảm giá NDT sẽ kích thích nhập khẩu và kéo theo nhập siêu từ Trung Quốc tăng.
“Xem xét tác động này đối với các ngành kinh tế cho thấy, khu vực nông lâm, thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn do sự điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sẽ chịu nhiều thua thiệt và có áp lực cạnh tranh lớn. Đơn cử, mặt hàng cá tra đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi đồng NDT giảm giá. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chiếm khoảng 8%”, NCIF nhận định.
Cũng theo đơn vị này, khi phá giá đồng NDT, phía doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hợp đồng, thương lượng lại để giảm giá... khiến lượng xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm, gây thua lỗ cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Tương tự với các sản phẩm nông sản khác, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh về cả lượng và giá trong thời gian tới. Điều này sẽ làm sự phục hồi tăng trưởng của khu vực nông lâm, thủy sản thêm khó khăn.
Mặc dù vậy, NCIF cũng cho rằng, trước những ảnh hưởng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD thêm 1% và nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3% (một tuần khi Trung Quốc phá giá NDT).
Đây là động thái cần thiết, góp phần giúp tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Yến Nhi theo VnMedia