Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng 11 tháng đầu năm và tháng 11/2022 do Cục Thống kê TP Đà Nẵng công bố, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn buộc phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc tạm thời để duy trì bộ máy hoạt động của đơn vị, do không ký kết được hợp đồng, khâu cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị gián đoạn.
Việc doanh nghiệp cắt giảm giờ làm khiến chỉ số sử dụng lao động trên địa bàn giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trong các KCN ở Đà Nẵng đang gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sử dụng lao động tại Đà Nẵng tăng 1,7% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,6%.
Tuy nhiên, các ngành còn lại như cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đã giảm gần 4%; ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Về loại hình kinh tế, lao động khu vực nhà nước có xu hướng giảm sâu, gần 62%. Trong khi đó, lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng mạnh, lần lượt là trên 39% và hơn 20%.
Còn theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến khó lường, đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Tại Đà Nẵng, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, túi xách, chế biến thuỷ sản trong các KCN đang gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Để duy trì hoạt động của đơn vị, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, không tổ chức làm tăng ca, thực hiện giảm lao động, cho người lao động nghỉ phép năm…
Theo ghi nhận ban đầu của Ban Quản lý, đã có 8 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất cầm chừng, người lao động phải làm việc luân phiên, giảm giờ làm với khoảng 1.064 người chịu tác động.
Trước tình hình này, Ban Quản lý đã gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin báo cáo số liệu thống kê định kỳ, trong đó, có số liệu về biến động lao động. Các doanh nghiệp sẽ gửi phản hồi về đơn vị để tổng hợp số liệu thống kê, nắm rõ tình hình, trên cơ sở đó báo cáo đề xuất UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các sở ngành phối hợp đảm bảo quyền lợi của người lao động nghỉ việc theo quy định.
Về phần mình, Ban Quản lý cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý nhanh các thủ tục hành chính; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời, sẽ rà soát các doanh nghiệp, đối với những ngành không bị ảnh hưởng và có nhu cầu tuyển thêm lao động thì sẽ giới thiệu, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp để người lao động bị mất việc tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Cùng với đó, Ban Quản lý sẽ phối hợp với Công đoàn Khu công nghệ cao và các KCN, các ngành để thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống cho công nhân lao động trong dịp cuối năm, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà; tổ chức phiên chợ công nhân, trao phiếu mua hàng, tổ chức các chuyến xe đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết...