Sáng nay (24/8), Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông đã khai giảng khóa “Hội nhập kinh tế quốc tế: Các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông và các hiệp định đã ký kết” cho Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo cấp phòng, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, Chính phủ và ngành TT&TT đã có nhiều cam kết hội nhập trong nhiều hiệp định tự do hóa song phương và đa phương với 2 hiệp định thương mại tự do vô cùng quan trọng: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu (Việt Nam – EU). Đây là hai Hiệp định có nhiều cam kết tác động lớn đến sự phát triển của ngành TT&TT. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương khác, cụ thể: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu; Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản; Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ.
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết đều có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế của đất nước, mở ra các trang mới trong quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước và các khu vực phát triển trên thế giới. Phạm vi của các cam kết trải rộng trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, “các cam kết về TT&TT luôn nằm trong số các cam kết khó khăn, chỉ đạt được thỏa thuận ở những phiên cuối”, Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu nhấn mạnh.
Thứ trưởng khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia nhiều khu vực mậu dịch tự do đang là “một đòn bẩy góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, thể chế kinh tế trong nước”. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, thông qua việc thực hiện cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đã được sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh theo hướng hội nhập đồng bộ, minh bạch, hiệu quả hơn. Nhiều luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các luật chuyên ngành như Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện được xây dựng và hoàn thiện theo định hướng thị trường, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế. Các doanh nghiệp trong ngành cũng đã có những bước phát triển đáng kể về năng lực cạnh tranh để không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn thành công trong việc vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong suốt quá trình đổi mới và hội nhập từ năm 1986 đến nay, ngành TT&TT đã luôn nỗ lực đồng hành với hội nhập và tận dụng được cơ hội để phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị trí của ngành trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Với Hiệp định TPP, Hiệp định này được ký kết ngày 4/2/2016 điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống đến các vấn đề ít truyền thống hơn như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại như: lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư. Mức độ cam kết trong Hiệp định TPP cũng sâu nhất từ trước tới nay. “Chương về viễn thông, thương mại điện tử đặt ra nhiều nghĩa vụ mới, rất thách thức đối với nhiệm vụ quản lý và phát triển của ngành TT&TT. Các cam kết mở cửa thị trường trong TPP cũng rộng và sâu hơn trong WTO tuy vẫn bảo lưu được một số hạn chế trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình", Thứ trưởng Phan Tâm cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP, với GDP có thể tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.