Nhiễm HIV tăng cao ở nam giới và nhóm MSM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Số người nhiễm HIV đang tăng trở lại. Đặc biệt, nam giới chiếm 80%. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và nhóm chuyển giới cũng tăng.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cùng các tổ chức quốc tế cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình HIV ở Việt Nam năm 2023
Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cùng các tổ chức quốc tế cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình HIV ở Việt Nam năm 2023

Tại buổi họp báo về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (10/11-10/12/2023) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12, do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức, Ths. Bùi Hoàng Đức - Phó Trưởng phòng Phòng Giám sát và xét nghiệm - đã đưa ra thông tin đáng chú ý: Số người nhiễm HIV là nam giới tiếp tục tăng, chiếm hơn 80% trong tổng số nhiễm HIV được phát hiện hàng năm.

Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV ở nhóm tuổi trẻ, từ 16-29 tăng, chiếm gần 50% tổng số người nhiễm HIV được phát hiện. Trong khi lây truyền HIV qua đường máu giảm thì việc lây truyền qua đường tình dục lại tăng với trên 80%. Việc qua giám sát trọng điểm cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV tăng trong nhóm nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) với 13,3% và nhóm chuyển giới.

VT_ Bùi Hoàng Đức .jpg
Ths. Bùi Hoàng Đức - Phó Trưởng phòng Phòng Giám sát và xét nghiệm: Số người nhiễm HIV là nam giới tiếp tục tăng

Từ năm 2020, số người nhiễm HIV tăng trở lại. 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 10.219 ca được phát hiện và 1.126 người tử vong. Tình hình HIV/AIDS ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đông Nam Bộ, TP.HCM vẫn nóng khi năm 2023 với hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới.

Theo TS. Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Việt Nam đang tập trung vào 2 hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K (không phát hiện = không lây truyền virus HIV) và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM.

VT_ Sơn.JPG
TS. Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Nhưng công tác này đang gặp khó khăn về nguồn lực trong khi dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp trở lại, xu hướng tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM, bởi quần thể này ẩn và rất khó tiếp cận.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, BS. Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam - khẳng định: Đã có rất nhiều tiến bộ của khoa học về HIV. Điều mà thuở ban đầu được coi là bản án tử hình thì giờ đây đã trở thành một bệnh thể kiểm soát được.

Đặc biệt, Giám đốc CDC Hoa Kỳ đánh giá cao kết quả phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam khi cho rằng, Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực về nhân rộng quy mô hoạt động dự phòng.

VT_Eric2.JPG
BS. Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam: Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực về nhân rộng quy mô hoạt động dự phòng

Báo cáo Toàn cầu của UNAIDS 2023 nêu bật các thành công của Việt Nam trong việc mở rộng quy mô điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, PrEP, tăng 59% vào năm 2022. Nhờ những nỗ lực chung của chúng ta, số ca mới đang giảm ở Việt Nam, từ 14.000 ca năm 2010 xuống xuống còn 6.200 vào năm 2022- giảm 56%.

“Tuy nhiên, Báo cáo Toàn cầu của UNAIDS cũng nhấn mạnh rằng 10% số người sống chung với HIV ở Việt Nam cho biết từng bị kỳ thị trong cộng đồng. Con số này thậm chí còn cao hơn đối ở những người nữ chuyểngiới và nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ tuổi. Sự kỳ thị dai dẳng là một trong những rào cản lớn nhất để đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch HIV!” - BS. Eric Dziuban nhấn mạnh

Nhằm tiếp tục duy trì những thành quả trong phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam tiếp tục triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2023 với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” với hàng loạt hoạt động trên cả nước.

VT_ Hương Cục trưởng.jpg
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Chọn cộng đồng như là điểm mấu chốt để mở rộng nhanh các dịch vụ

Giải thích về chủ đề này, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - cho hay: Có rất nhiều mô hình hay xuất phát từ cộng đồng và chúng tôi đã đúc kết kinh nghiệm đó để nhân rộng cho các địa phương, như mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, chuyển phát thuốc ARV từ nguồn Quỹ tài trợ sang Quỹ BHYT, các mô hình xét nghiệm tại cộng đồng. Rất nhiều mô hình sáng tạo nên chúng tôi muốn huy động hơn nữa sự tham gia của cộng đồng.

Bên cạnh đó, nếu công cuộc phòng chống HIV/AIDS chỉ dựa trên hệ thống y tế sẵn có thì không thể thành công được, khi chỉ còn 7 năm nữa là chúng ta phải chấm dứt dịch HIV/AIDS. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng, không có người giúp chúng ta kết nối với các nhóm nguy cơ cao từ cộng đồng, thì chúng ta khó có thể kiểm soát được dịch HIV/AIDS.

"Chính vì vậy, năm nay chúng tôi đã chọn cộng đồng như là điểm mấu chốt để mở rộng nhanh các dịch vụ từ việc ứng dụng các sáng kiến trong cộng đồng từ đó, sẽ phát hiện được nhiều người nhiễm HIV hơn, từ đó sẽ ngăn chặn dịch tốt hơn" - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ.