Hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 7/1 cho hay Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẽ giúp đỡ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực của cơ quan an ninh trên biển.
Đồng thời, Chính phủ hai nước Nhật Bản và Pháp tối ngày 6/1 đã tổ chức Hội nghị 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Paris, Pháp. Hai bên yêu cầu Trung Quốc giữ kiềm chế trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 7/1, thông tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, lực lượng này từ năm tài khóa 2017 sẽ chính thức tập trung giúp đỡ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực của cơ quan an ninh trên biển.
Lực lượng này sẽ thành lập cơ quan mới phụ trách riêng về chi viện và trao đổi cán bộ, mở rộng phạm vi nước đối tượng đào tạo tại Nhật Bản, đồng thời thông qua các kênh như tổ chức hội thảo quốc tế để tăng cường quan hệ.
Bài viết cho rằng, để ứng phó với các sự cố hoặc thảm họa và những diễn biến phức tạp ở Biển Đông..., việc hoàn thiện các cơ quan an ninh trên biển trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các nước Đông Nam Á.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản là lực lượng có kinh nghiệm ứng phó với các tình huống phức tạp trên biển, quanh các đảo, họ muốn thông qua chi viện, cùng chia sẻ quan điểm bảo vệ trật tự biển dựa trên nguyên tắc luật pháp.
Cơ quan mới sẽ gồm có 7 người, đứng đầu là "quan chức thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh trên biển" mới được thiết lập. Cơ quan này có kế hoạch chính thức thành lập vào tháng 4/2017.
Ngoài định kỳ tổ chức hội nghị với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á để hợp tác ứng phó với các tội phạm và thảm họa bắt đầu từ năm 2004, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản còn cùng các nước Đông Nam Á hợp tác tiến hành đào tạo thực hành, triển khai huấn luyện liên hợp ứng phó cướp biển.
Trước đó, 4 nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã tham gia đào tạo thực hành, trong tương lai sẽ còn tiếp nhận các học viên đến từ Thái Lan và Myanmar. Ngoài ra sẽ còn tổ chức hội thảo nhằm tăng cường đồng thuận về hòa bình trên biển. Những công việc này sẽ do cơ quan mới phụ trách.
Đông Nam Á thường xuyên xảy ra thiên tai bão lụt và sóng thần. Ngoài ra, khu vực này còn có eo biển Malacca - một tuyến đường giao thông trên biển quan trọng của thế giới. Vấn đề đặt ra cho các nước Đông Nam Á là phải tăng cường khả năng bảo đảm an ninh trên biển như ứng phó thiên tai, thảm họa và cướp biển.
Ngoài ra, để tránh xảy ra xung đột quân sự, Nhật Bản cho rằng các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Indonesia cũng cần hoàn thiện các cơ quan an ninh trên biển, chứ không phải quân sự, qua đó ứng phó có hiệu quả với các hoạt động phức tạp có thể phát sinh.
Lãnh đạo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết: "Cơ quan mới sẽ nỗ lực tăng cường mức độ hỗ trợ và trở thành cơ sở quốc tế của đào tạo nhân lực".
Ngoài ra, theo tờ Sankei Shimbun Nhật Bản ngày 8 tháng 1, tối ngày 6 tháng 1, Chính phủ hai nước Nhật Bản và Pháp đã tổ chức Hội nghị 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ở Paris, Pháp. Hai bên đã đạt được nhất trí về khởi động ký kết Hiệp định chia sẻ vật tư và lao động, để Lực lượng Phòng vệ và Quân đội Pháp hỗ trợ vật tư và nhân lực cho nhau.
Đối với việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng các cơ sở quân sự phi pháp ở Biển Đông, hai bên cho biết phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, yêu cầu giữ kiềm chế.
Hai nước còn xác nhận sẽ tăng cường hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực bảo đảm an ninh. Thành quả của hội nghị được viết vào trong tuyên bố chung giữa hai nước.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết: "Hợp tác quốc phòng Nhật - Pháp đã có bước đi mới. Hai nước có thể triển khai hợp tác hơn nữa trên phương diện cứu trợ nhân đạo và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc".
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với giới báo chí rằng: "Sẽ đẩy nhanh công tác liên quan để sớm ký kết hiệp định".
Đây là lần thứ ba Nhật Bản và Pháp tổ chức hội nghị 2+2, lần trước được tổ chức vào tháng 3 năm 2015. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cùng với Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tham dự hội nghị lần này.
Về tình hình Biển Đông, Tuyên bố chung nhấn mạnh, tất cả các nước đương sự cần tuân thủ nghĩa vụ của luật pháp quốc tế, giữ kiềm chế trên các phương diện như bồi lấp xây đảo nhân tạo, xây dựng hạ tầng cơ sở, sử dụng quân sự.
Tuyên bố chung còn xác nhận coi trọng quyền lợi tự do đi lại theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Nhật Bản và Pháp còn căn cứ vào Hiệp định trang bị quốc phòng Nhật - Pháp có hiệu lực vào năm 2016, đạt được bản ghi nhớ về sớm triển khai cụ thể nghiên cứu chung tàu lặn không người lái - công nghệ dò tìm thủy lôi thế hệ tiếp theo.
Nhật Bản và Pháp đều bày tỏ lo ngại đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như tình hình nhân đạo ở Syria. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp 240 triệu USD cho các nước xung quanh Syria, dùng để viện trợ cho người tị nạn.
Nhật Bản và Pháp còn tiến hành phê phán đối với các sự kiện tấn công khủng bố xảy ra gần đây trên toàn cầu. Pháp bày tỏ ủng hộ Nhật Bản trở thành nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.