Nhật muốn đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Một trong những dự án tại Việt Nam mà Nhật Bản đang quan tâm là nghiên cứu đầu tư trước một đoạn trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Liên quan đến hợp tác kinh tế, hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án quan trọng, sớm hoàn thành Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp. Thủ tướng Shinzo Abe cam kết dành nguồn vốn ODA ở mức cao giúp Việt Nam phát triển bền vững, cam kết cung cấp ODA vốn vay cho dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2 (Bệnh viện hữu nghị Việt - Nhật).

“Tôi xin chân thành cảm ơn và đánh giá cao việc ngài Thủ tướng Abe ủng hộ đề nghị của Việt Nam về cam kết vốn ODA đợt I tài khóa 2015 trị giá 300 tỷ Yên, tương đương 3 tỷ USD cho các dự án của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng cam kết xem xét nghiêm túc đề nghị của Việt Nam về việc duy trì và tăng quy mô hỗ trợ các Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật hướng đến 2020, tầm nhìn 2030.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Hai bên khẳng định lại quyết tâm triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn mà Lãnh đạo cấp cao 2 bên đã thỏa thuận, trong đó có Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; nghiên cứu đầu tư trước một đoạn cần thiết trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; tăng cường hợp tác về đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác trong kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD do Ngài Thủ tướng Abe công bố tháng 5/2015 nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á".

Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, trước đó, hôm 2/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2030, trong đó, cụ thể hóa các mục tiêu của chương trình hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam theo hướng công khai minh bạch để người dân và các doanh nghiệp được biết.

Bộ trưởng Thăng cũng đặt ra 2 nội dung cần lấy ý kiến các chuyên gia độc lập và người dân về tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đó là xây dựng một tuyến đường sắt khổ đôi ngay trên tuyến Bắc - Nam hoặc xây dựng thành 2 đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang. Bộ trưởng cho rằng, với cự ly tuyến ngắn 300 km thì dễ đầu tư song một số chuyên gia cho rằng, cự ly đường sắt trên 900 km sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, lập đề án đường sắt cao tốc Bắc -Nam, phấn đấu trước năm 2020 sẽ trình Quốc hội báo cáo chủ trương xây dựng.

Cũng liên quan đến việc phát triển đường sắt Việt Nam, hồi tháng 5/2015, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, liên danh China Natinal Machinery Imp& Exp.Cord (CMC) và China Railway Constructinon Corporation (CRCC) của Trung Quốc đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất sử dụng vốn vay Trung Quốc để xây dựng cải tạo tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh.

Phía liên danh nhà thầu hứa hẹn xây dựng tuyến đường sắt trong thời gian sớm nhất đồng thời cam kết có thể hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam cả về tài chính lẫn kỹ thuật cho dự án.

Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Hiện nay, liên danh nhà thầu mới chỉ có một văn bản gửi cho Ban quản lý dự án đường sắt Việt Nam, để báo cáo lên Bộ GTVT, bày tỏ mong muốn được đầu tư xây dựng, chưa cụ thể". Chính vì vậy, Bộ GTVT đã hẹn liên danh nhà thầu làm việc trực tiếp với Bộ vào đầu tháng 6/2015.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhà thầu Trung Quốc đã để xảy ra quá nhiều vụ tai nạn trong các dự án đường sắt, tiêu biểu là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, trong một tháng 2 vụ tai nạn liên tiếp, gây bất an trong dư luận, ông Đông cho hay:

"Không phải chỉ riêng nhà thầu Trung Quốc, bất kỳ nhà thầu nào cũng vậy, kể cả Nhật Bản, đều phải làm việc chi tiết xem họ đề nghị cái gì, như thế nào, rồi Bộ mới đưa ra nhận định. Còn nếu chỉ có mấy dòng chữ trong văn bản thì chưa nói lên được điều gì vì đây là dự án đầu tư".

Theo: BizLive